Thách thức cũng là cơ hội khi dạy sách giáo khoa mới

GD&TĐ - Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa là tài liệu tham khảo, nên thầy cô có thể dạy “thoát” SGK.

Chương trình mới giúp người học tiếp cận trực tiếp với kiến thức thông qua đổi mới phương pháp giảng dạy. Ảnh minh họa
Chương trình mới giúp người học tiếp cận trực tiếp với kiến thức thông qua đổi mới phương pháp giảng dạy. Ảnh minh họa

Tuy nhiên vẫn phải đáp ứng được yêu cầu cần đạt của chương trình. Đó là thách thức, đồng thời cũng là cơ hội để giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Thiếu SGK vẫn tổ chức dạy học hiệu quả?

Thiếu SGK giáo viên vẫn có thể tổ chức dạy học bình thường, cô Vũ Thị Anh, giáo viên Trường THPT Ân Thi (huyện Ân Thi, Hưng Yên) khẳng định điều này và cho biết: Tại Trường THPT Ân Thi, sau 2 tuần học, một vài đầu SGK lớp 10 vẫn thiếu. Giáo viên bộ môn đã xử lý bằng cách gửi file PDF SGK cho học sinh in, đọc tham khảo. Vì chủ động xây dựng kế hoạch bài dạy điện tử, nên dù thiếu sách nhưng các em vẫn học tập bình thường.

Cô Vũ Thị Anh cũng gợi ý, khi chưa mua được đúng bộ sách, thầy cô có thể khuyến khích học sinh tạm thời mua sách bộ khác để học. Điều này hoàn toàn được vì chương trình là pháp lệnh, SGK chỉ là tài liệu tham khảo. Trong quá trình dạy học, giáo viên xác định nội dung mục tiêu kiến thức đúng theo chương trình và tổ chức cho học sinh đọc các nguồn sách khác nhau để tiếp cận kiến thức.

Cũng nhấn mạnh Chương trình GDPT 2018, SGK chỉ là tài liệu tham khảo, thầy Trang Minh Thiên, giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (TP Cần Thơ), khẳng định: Việc tổ chức hoạt động học cho học sinh của thầy cô không nhất thiết phải sử dụng SGK, mà có thể tham khảo nhiều tư liệu khác nhau để đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.

Trong trường hợp vì lý do nào đó chưa có SGK, theo thầy Trang Minh Thiên, nhà trường có thể trang bị SGK điện tử cho giáo viên, học sinh. Hoặc thầy cô dựa vào tài liệu khác nhau biên soạn thành tài liệu học tập cho học sinh các lớp, giảng dạy phù hợp với năng lực và đáp ứng được yêu cầu cần đạt của chương trình.

Việc không lệ thuộc vào SGK là thách thức bởi thói quen lâu nay, nhưng chắc chắn là cơ hội để giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, đối với những nội dung cơ bản, khái niệm, định nghĩa thì cần bám SGK để học sinh dễ tiếp thu. Riêng phần liên quan đến ứng dụng, trải nghiệm thì không nhất thiết phải bám SGK, giáo viên nên tìm những ví dụ thực tiễn, gần gũi nhất có thể để truyền đạt.

Ví dụ, dạy nội dung về tác động của công nghệ với tự nhiên, con người và xã hội, nên đưa những tác động thực tiễn mà thầy cô và học sinh đều gặp phải (như lợi và hại của việc sử dụng điện thoại di động)…

Tuy nhiên, thầy Trang Minh Thiên cho rằng, đối với học sinh, việc có SGK là điều tất yếu, vì đó là kênh thông tin và tham khảo có thể nói là duy nhất của học sinh. Nếu không có SGK, trò sẽ khó khăn trong việc tham gia hoạt động học của thầy cô tổ chức.

Giáo viên hoàn toàn chủ động các phương án truyền thụ kiến thức trên mỗi giờ dạy. Ảnh minh họa

Giáo viên hoàn toàn chủ động các phương án truyền thụ kiến thức trên mỗi giờ dạy. Ảnh minh họa

Giáo viên cần thay đổi

Ở góc độ quản lý, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ), cho rằng, chương trình là pháp lệnh, SGK là tài liệu tham khảo phù hợp với yêu cầu đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học cũng như yêu cầu cho sản phẩm đầu ra (phẩm chất, năng lực người học). Không bó buộc nội dung dạy học trong SGK, nguyên liệu dạy học sẽ phong phú, đa dạng, cập nhật thường xuyên; hạn chế tối đa việc kiểm tra, đánh giá nội dung học thuộc…

Nhưng, do SGK là pháp lệnh được duy trì trong thời gian dài nên ít nhiều tồn tại việc lệ thuộc trong suy nghĩ, hành động của không ít giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Do đó trong thời gian ngắn sẽ khó thay đổi. Chia sẻ điều này, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng đồng thời nhấn mạnh:

Đây chính là thời điểm giáo viên cần đổi mới để đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Thầy cô phải thay đổi nhận thức, hành động trong việc sử dụng SGK như một tài liệu tham khảo, không phụ thuộc hoàn toàn như trước. Và học sinh cũng phải học tập, rèn luyện dựa trên việc tổ chức hoạt động dạy học, yêu cầu của giáo viên chứ không phải SGK.

Muốn làm được như vậy, giáo viên phải nắm vững chương trình môn học; đầu tư nhiều thời gian và công sức cho việc chuẩn bị kế hoạch dạy học ở từng tiết học, mạnh dạn tìm và sử dụng nguồn học liệu mới. Thầy cô cũng cần soạn nội dung, tài liệu dạy học cho học sinh; tổ chức dạy học không phụ thuộc nhiều vào nội dung SGK; hướng dẫn học sinh khai thác SGK và các nguồn học liệu khác; đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng không phụ thuộc SGK mà vẫn đáp ứng yêu cầu chương trình môn học.

Về phía HS, cần nhận thức SGK là tài liệu tham khảo; chủ động tư duy, hoạt động học tập theo yêu cầu của giáo viên; rèn luyện kỹ năng tìm và khai thác tài liệu, kỹ năng tự học... Về phía cơ quan quản lý giáo dục cần quan tâm có chế độ lương, phụ cấp thỏa đáng để thầy cô an tâm, đầu tư nhiều hơn cho việc dạy học; đồng thời, xây dựng và cung cấp các nguồn học liệu, tài liệu chất lượng, phong phú...

“Trong trường hợp thiếu SGK, nhà trường chủ động liên hệ nhà xuất bản cung cấp cho học sinh theo danh sách đăng ký; ưu tiên cung cấp SGK cho giáo viên, nhà trường. Sử dụng SGK từ thư viện cho học sinh mượn, đồng thời kêu gọi nhà hảo tâm tặng SGK cho các em. Một giải pháp cũng được tính đến là sử dụng các ấn phẩm SGK trên máy tính, thiết bị di động. Giáo viên soạn và cung cấp cho học sinh nội dung cần thiết cho hoạt động dạy học (nhà trường, nhà hảo tâm hỗ trợ sao in)” - thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, cho rằng: Việc đổi mới dạy học theo định hướng năng lực là một quá trình. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu triển khai có nhiều yếu tố tác động, từ nhận thức đến năng lực, kỹ năng của đội ngũ cán bộ quản lý về việc chủ động lập kế hoạch dạy học/giáo dục của nhà trường, tổ bộ môn và nhất là kế hoạch cá nhân (soạn bài) chưa chủ động hoàn toàn. Vì vậy, cần sự hỗ trợ của SGK để tổ chức dạy học/giáo dục có hiệu quả. Về lâu dài, các trường học và mỗi giáo viên cần linh hoạt, chủ động hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.