Mộ… xông hơi chữa bệnh của Ireland

GD&TĐ - Trước thế kỷ XX, người Ireland chữa bách bệnh bằng một giải pháp: Khiến cơ thể đổ mồ hôi. Họ dùng đá và bùn đắp nhiều ngôi mộ rỗng, đốt cỏ hoặc củi bên trong rồi cởi bỏ quần áo chui vào.

Mộ xông hơi Ireland được đắp bằng đá và bùn.
Mộ xông hơi Ireland được đắp bằng đá và bùn.

Thực tế, đổ mồ hôi chỉ giúp cải thiện lưu thông máu và thải bớt độc tố ra khỏi cơ thể. Nó chỉ hỗ trợ, chứ không có tác dụng trị dứt bệnh.

Những ngôi mộ rỗng

Ireland nằm ở Tây Bắc châu Âu, có diện tích 70.273 km2 và dân số gần 5 triệu người. Trên khắp đất nước này, tồn tại các công trình bằng đá cổ xưa nhỏ, nhìn như những nấm mộ.

Các nấm mộ này rỗng trong, có cửa ra vào đủ rộng để 1 người trưởng thành chui lọt. Chúng được xây dựng trên các sườn đồi gần nguồn nước, ví dụ như ao, hồ, sông, suối, và cách xa khu dân cư.

Vật liệu xây mộ rỗng là đá và bùn. Người Ireland nhặt các tảng đá lớn, nhỏ khác nhau gần nơi quyết định xây cất, khéo léo xếp lên nhau rồi phết bùn vào các khe.

Cách thức xây dựng mộ rỗng giống như đắp lều tuyết. Trên đỉnh vòm, người ta để lỗ thông hơi nhỏ. Dưới chân thành mộ, họ để lối chui ra chui vào.

Trong suốt nhiều năm, không ai biết những ngôi mộ rỗng này được làm vì mục đích gì. Tại Leitrim, quận có mật độ mộ rỗng cao nhất Ireland, cư dân lưu truyền một loạt các huyền thoại về tính năng của chúng. Có người nói, đó là xưởng chưng cất rượu “chui”, nhằm tránh né lệnh cấm rượu. Có người lại bảo, đó là nấm mộ.

Mồ… chữa bệnh

Bên trong mộ xông hơi là không gian rỗng, dùng đốt lửa lưu sức nóng.

Bên trong mộ xông hơi là không gian rỗng, dùng đốt lửa lưu sức nóng.

Khác với lời đồn đại, các ngôi mộ rỗng ở Ireland được người cận đại dùng với mục đích y tế. Nhà khảo cổ Aidan Harte (Ireland) gọi chúng là mộ xông hơi (sweathouse).

“Nguyên nhân khiến những giả thuyết lạ lùng trên xuất hiện là vì người ta chưa biết rõ công dụng của nó”, Harte nói: “Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng cuối cùng chúng tôi đã tìm ra”.

Trước thế kỷ XX, Ireland là vùng đất biệt lập, thưa người và thiếu thốn cơ sở, trang thiết bị y tế. Bắt đầu từ năm 1600, người dân nơi đây phát hiện, xông hơi cho đổ mồ hôi giúp giải quyết nhiều vấn đề về sức khỏe. Vì thế, họ chăm chỉ xây đắp mộ xông hơi khắp nơi.

Khi cần sử dụng mộ xông hơi, người Ireland đem cỏ hoặc củi vào bên trong, nổi lửa đốt. Sau khi chui ra ngoài, họ bít lỗ thông hơi và cửa lại, để khói và than đốt nóng không gian bên trong.

Qua vài giờ, củi than đã tàn và bên trong mộ xông hơi nóng như phòng tắm hơi, người Ireland cởi bỏ toàn bộ quần áo, chui vào ngồi lâu nhất có thể. Cái nóng bức và ngột ngạt khiến họ đổ mồ hôi dầm dề. Đến khi chịu hết nổi, người ta chui ra ngoài, nhảy xuống nguồn nước gần đấy làm mát.

Vì người sử dụng khỏa thân và “tắm tiên”, mộ xông hơi phải được xây đắp ở nơi hẻo lánh, bảo đảm sự riêng tư. Suốt 300 năm, hễ cứ có người Ireland nào đang đau bệnh mà đột ngột biến mất thì y như rằng đã lén tới mộ xông hơi tự chữa.

Tái sử dụng cho du lịch

Nhờ được xây đắp cẩn trọng, mộ xông hơi vẫn vững chãi, sẵn sàng cho sử dụng.

 Nhờ được xây đắp cẩn trọng, mộ xông hơi vẫn vững chãi, sẵn sàng cho sử dụng.

Đổ mồ hôi là liệu pháp cải thiện sức khỏe hiệu quả. Nó giúp đào thải chất độc ra khỏi cơ thể, tăng cường tuần hoàn máu, nhờ đó khiến nhiều loại bệnh như cảm cúm, thấp khớp… giảm bớt triệu chứng.

Tuy nhiên, đổ mồ hôi không phải là phương pháp chữa bệnh. Theo Ronan Foley, chuyên gia mồ hôi hàng đầu của Đại học Maynooth (Ireland), cách khỏa thân tắm hơi trong mồ xông hơi của người Ireland chỉ mang lại hiệu quả như hiệu ứng giả dược.

Bất chấp điều đó, người Ireland trong thời kỳ còn thiếu thốn y tế xem mồ xông hơi là “phép thuật của đất”. Họ tin tưởng nó có thể trị khỏi mọi thứ bệnh tật trên đời. Tại quận Leitrim, vùng đất xa xôi của Ireland, mộ xông hơi mọc lên khắp nơi, chiếm đến 1/3 diện tích. Ngày nay, quận này vẫn còn lại trên 100 mộ xông hơi.

So với công dụng, nguồn gốc của mộ xông hơi mới thật sự là bí ẩn. Theo Foley, có ít nhất 4 giả thuyết về nó. Thứ nhất, mộ xông hơi là sản phẩm sáng tạo của người Viking. Nó được sử dụng trong khu vực Bắc Âu từ 2.000 năm trước, và đến Ireland theo gót hải tặc vào khoảng thế kỷ IX – XII.

Thứ 2, mộ xông hơi được “nhập khẩu” từ Mỹ, do người Ireland tha hương lập nghiệp trở về truyền bá. Thứ 3, mồ xông hơi là “hậu duệ” của lò nướng ngoài trời, thuộc “hàng bản địa” Ireland. Thứ 4, mồ xông hơi là sáng tạo lấy cảm hứng từ phòng tắm hơi Hồi giáo, vốn thịnh hành ở Trung Đông trong thế kỷ I.

“Cá nhân tôi cho rằng, mồ xông hơi là kiến trúc địa phương”, Foley chia sẻ. “Người Ireland xây dựng nó hoàn toàn bằng các vật liệu sẵn có, và đổ mồ hôi là liệu pháp mà nền văn hóa nào cũng biết”.

Trải qua thế kỷ XX tiến bộ y học, các mồ xông hơi Ireland bị quên lãng. Ngày nay, chúng vẫn còn đó nhưng thuộc đất tư nhân, rất khó tiếp cận.

Gần đây, Ireland mới quan tâm tới những kiến trúc cổ nhỏ xinh này. Họ khởi động Dự án Mồ xông hơi Leitrim (Leitrim Sweathouse Project), hy vọng biến nó thành nét đặc trưng văn hóa, thu hút khách du lịch.

Sau khi khảo sát một số mộ xông hơi ở Leitrim, Harte nhận ra chúng vẫn khá vững trãi. “Thật may, các kiến trúc này được xây đắp với mục đích dùng lâu dài”, ông vui vẻ. Giờ đây, cái Ireland cần là sự đồng ý của các chủ đất. Nếu họ gật đầu, Ireland không chỉ có thêm một yếu tố hấp dẫn du khách, mà còn bảo vệ được di sản kiến trúc độc đáo này cho tương lai.

Theo BBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.