Sở dĩ như vậy, vì ở Ireland nơi đâu cũng thấy cây đàn này, nó có thể được chơi ở ngoài đường phố, trong các đại sảnh hoặc là xuất hiện ở trên quần áo, trang sức, tiền bạc, bằng cấp, hộ chiếu, thậm chí con dấu của chính phủ…
Cây đàn cũng có mặt ở bất cứ sự kiện vui buồn nào, từ gặp gỡ đến chia tay, hiếu hỷ, sinh nhật, mừng nhà mới hay thành công của mỗi người dân.
Ở Ireland ai nấy đều thích nghe đàn, trưng đàn, nối tiếp truyền thống âm nhạc lâu đời đã có từ mười thế kỷ trước khi nền văn minh Gaelic còn rất thịnh vượng.
Trong suốt một nghìn năm, vua chúa, quý tộc đều bảo hộ cho các nhạc sĩ đàn harp, để họ tạo ra những bản nhạc, bài ca, điệu vũ trở thành linh hồn Ireland.
Có khá nhiều sự tích về cây đàn duyên dáng này. Một trong đó là đàn harp là nhạc cụ của các vị thần Tuatha De Dannann, tổ tiên của người Ireland bản xứ từ ngàn xưa.
Chuyện kể rằng, khi vợ của thượng thần Dagda Mor sinh nở, để giảm đau cho bà các tiểu tiên đã gảy hạc cầm, cất lên những âm thanh réo rắt mê ly.
Khi bà đẻ người con trai đầu tiên, tiếng đàn như thể than khóc, gào thét, song đến người con thứ hai thì bỗng reo vui, hoan hỉ và tới người con thứ ba thì trở nên dịu dàng, sâu lắng. Cả ba dòng âm thanh ấy đã hợp thành cốt lõi của âm nhạc Ireland, đi vào hồn người khi vừa có thể đem tới những giọt nước mắt vừa có thể đem tới những tiếng cười giòn tan.
Chuyện lại kể rằng, một lần giữa tộc tiên Tuatha De Dannann và tộc quỷ Fomorian nảy sinh xung đột, một quái nhân đã đánh cắp cây đàn để mua vui, song dù có gảy thế nào nó cũng không kêu ra tiếng, nên hắn quẳng nó vào một góc.
Cuối cùng, cây đàn cũng trở về với chủ – người biết niệm hai mật danh của nó cũng như cách đánh đàn.
Vì những tác dụng to lớn, nhất là mặt giải trí thần diệu của hạc cầm, các triều đại đều rất trọng dụng hạc cầm, đưa đây thành hình ảnh quen thuộc toàn quốc.
Vào triều của vua Henry VIII, nó còn được in lên tiền, và vào thời vua James I in lên huy hiệu, cũng trong thời này vào năm 1603 trở thành biểu trưng quốc gia và sau đó tiếp tục được nhiều tổ chức chính trị ưa dùng.
Trên thế giới có rất nhiều cây đàn thú vị, song có lẽ đàn hạc là ấn tượng nhất vì người chơi phải ôm ấp nó và chơi bằng hai tay. Tư thế ngồi và cách gảy đàn cũng rất tao nhã, sang trọng, có cảm giác như đang vuốt ve một con thần điểu, thiên nga và bay trên mây.
Tất cả đều gợi cảm, mềm mại, duyên dáng, nhất là khi người chơi là nữ. Tuy không quy định người gảy, song trong quá khứ gảy hạc cầm nhiều nhất vẫn là phụ nữ, và vì sự quyến rũ của cả người và vật khiến nam nhi đứng xem ngây ngất.
Thế nhưng, có một nghệ sĩ là nam nhân hết sức nổi tiếng, và là đại thụ của nền âm nhạc Ireland. Ấy là nhà soạn nhạc Turlough O Carolan, tác giả của hơn 200 bản nhạc và bài hát cổ điển Ireland.
Chơi đàn harp đến nay có tới hai cách. Cách cũ là cho đàn dựa vào vai trái, dùng bàn tay trái gảy những dây trên và tay phải gảy dây dưới. Cách mới là cho nó dựa vào vai phải và hai tay cũng đảo lộn.
Những cây đàn cổ thường có dây đồng rất to và dày nên gảy khá đau, phải dùng đế song tiếng rất ấm, vang, đanh, thánh thót như chuông nhà thờ.
Đàn hiện đại thường có dây ni lông nên tiếng nhẹ nhàng, thanh thoát hơn. Cũng có hai cỡ đàn, cỡ nhỏ nhất có thể chơi trong xe hơi, chủ yếu cho người mới tập và trẻ em. Hiện nay, nhiều người thường chơi đàn hiện đại, song vẫn giữ gìn bằng được những cái cổ đại vì nó là những di sản dân tộc, hơn thế có quãng nhạc rất đa dạng, thích hợp để chơi trong các buổi tiệc.
Tuy nhiên, không còn nhiều hạc cầm cổ ở Ireland, hiện cổ nhất là đàn harp trưng bày tại Đại học Trinity College, đàn harp của nữ hoàng Mary và đàn harp Lamont với niên đại thế kỷ 15 - 16. Năm 2019, đàn harp Ireland đã được UNESCO phong làm di sản phi vật thể của nhân loại.