“Đuổi hình bắt bóng”
Từ năm 2017, hầu hết quận, huyện của thành phố Đà Nẵng đều đạt mục tiêu 100% học sinh học 2 buổi/ngày với bậc tiểu học. Riêng quận Liên Chiểu cho đến nay chỉ ở mức 75%, cho dù đã thực hiện điều tiết phân luồng tuyển sinh lớp Một để tận dụng tối đa phòng học. Theo số liệu của Phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu, do địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp, cùng với quá trình chỉnh trang đô thị, việc hình thành các khu dân cư mới đã đẩy nhanh tốc độ tăng dân số cơ học. Số lượng học sinh tăng bình quân hàng năm của quận ở mức 2.500 em.
Con chỉ học 1 buổi/ngày nên vợ chồng anh Khắc Ngọc Toại phụ huynh học sinh tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi nhiều lần đưa đón con đúng giờ. Buổi còn lại không thể để con ở nhà một mình đành chọn giải pháp gửi con theo học ở trung tâm bên ngoài. Học phí buổi thứ 2 ở các trung tâm, theo anh Ngọc Toại là gánh nặng với gia đình công nhân.
Trong đó, chỉ tính riêng cấp tiểu học tăng khoảng 900 – 1.000 học sinh/năm, tương đương số học sinh của một trường tiểu học. Các trường tiểu học có tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp như Âu Cơ, Ngô Sĩ Liên (phường Hòa Khánh Bắc), Trưng Nữ Vương (phường Hòa Hiệp Nam), Võ Thị Sáu, Duy Tân (phường Hòa Minh) và Phan Phu Tiên (phường Hòa Khánh Nam).
Trường Tiểu học Âu Cơ nằm gần Khu công nghiệp Hòa Khánh vừa được đầu tư xây dựng khối nhà 3 tầng gồm 10 phòng học, đưa vào sử dụng trong năm học 2021 – 2022. Thêm phòng học nhưng trường cũng mới nâng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt khoảng 60%. Nhà trường rất mong tiếp tục được đầu tư xây dựng thêm phòng học để đạt mục tiêu 100% học sinh học 2 buổi/ngày theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Đầu năm học 2015 - 2016, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) đã tách Trường Tiểu học Võ Thị Sáu từ Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên do sĩ số HS của trường này lên đến 1.500 học sinh nhưng chỉ có 21 phòng học. Tuy nhiên, hiện Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên mới đáp ứng được 50% số học sinh được học 2 buổi/ngày. Sau 3 giai đoạn xây dựng, đến nay, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu có 32 phòng học. Thế nhưng, tốc độ xây dựng phòng học không theo kịp với tốc độ tăng dân số. Số học sinh của trường lên đến 1.600 em nên chỉ khoảng 63% học sinh được học 2 buổi/ngày. Theo kế hoạch, trong hè 2022 này, UBND quận Liên Chiểu sẽ xây dựng giai đoạn 4 với khối nhà 10 phòng học cho Trường Tiểu học Võ Thị Sáu.
Cô Nguyễn Trần Lê Hồng Trinh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Liên Chiểu) cho biết: Số học sinh nhà trường lên trên 1.800 em. Vì thiếu phòng học nên trường chỉ ưu tiên cho học sinh khối lớp 1 - 2 học bán trú. Học sinh khối 4 - 5 học 1 buổi/ngày, khối 3 học 9 buổi/tuần; chỉ có khối 1 - 2 mới học 2 buổi/ngày. Sĩ số học sinh lên đến 42 - 45 em, phòng học trở nên chật chội, khó tổ chức các hoạt động nhóm.
Sĩ số học sinh/lớp đông nên cô Hoàng Thị Lan – giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu rất vất vả vì phải kèm cặp, hướng dẫn cho từng em từ cách cầm bút, chỉnh nét viết, cách đặt vở… Bàn ghế của học sinh phải kê sát bục giảng. Cứ một tháng/lần, cô Lan phải hoán đổi vị trí ngồi theo từng tổ để hạn chế thấp nhất tình trạng mắc tật khúc xạ học đường cho học sinh.
Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận Liên Chiểu) quá tải số học sinh nhưng không thể cơi nới vì hạn chế quỹ đất. |
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng
Ông Nguyễn Thanh Lịch, Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu cho biết: Một số trường học như Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Âu Cơ, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Văn Trỗi đã quá tải về số học sinh/lớp, với sĩ số khoảng 48 – 50 em/lớp, vượt xa so với quy định của Bộ GD&ĐT. Giải pháp cơi nới để xây dựng thêm phòng học khó khả thi vì vừa hạn chế quỹ đất vừa phá vỡ cảnh quan trường học, thu hẹp không gian vui chơi của học sinh. Trong khi đó, dự kiến, năm học 2022 – 2023, quận Liên Chiểu cần 415 phòng học, năm học 2023 - 2024 là 435 phòng và năm học 2024 - 2025 là 445 phòng. Xây mới một số trường tiểu học là giải pháp giải quyết triệt để, đảm bảo mục tiêu 100% học sinh học 2 buổi/ngày.
Dự án Trường liên cấp 1 và 2 trên địa bàn phường Hòa Khánh Bắc dự kiến đưa vào sử dụng vào đầu năm học 2023 – 2024. Ngoài ra, dự án Trường Tiểu học Trung Nghĩa đã hoàn tất công tác giải tỏa, giải phóng mặt bằng và tái định cư, cũng đưa vào sử dụng kịp năm học 2023 – 2024. Ông Nguyễn Thanh Lịch thông tin, nếu không đưa 2 trường tiểu học này vào hoạt động đúng tiến độ sẽ rất khó khăn trong tuyển sinh đầu cấp, ảnh hưởng đến chất lượng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong mùa hè 2022, Liên Chiểu triển khai xây dựng mới khối phòng học tại các trường tiểu học, gồm Nguyễn Đức Cảnh, Trưng Nữ Vương, Bùi Thị Xuân, Hồng Quang. “Nếu việc xây dựng triển khai đúng tiến độ đến năm 2024 mới đảm bảo học sinh tiểu học được học đủ 2 buổi/ngày. Hiện nay, việc học 2 buổi/ngày mới chỉ ưu tiên cho các khối lớp triển khai Chương trình – sách giáo khoa mới” – ông Lịch cho biết.
Kinh nghiệm của Phòng GD&ĐT Liên Chiểu, đối với khu vực có biến động lớn về dân cư do tăng dân số cơ học, ngành Giáo dục cần phải phối hợp cùng các ngành chức năng rà soát, thống kê và làm tốt khâu dự báo để có cơ sở xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển cơ sở vật chất, trường học để chủ động trong xây dựng, đảm bảo phục vụ công tác dạy - học.
Năm học 2022 – 2023, cơ sở 2 Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa (quận Cẩm Lệ) được đưa vào sử dụng, giúp giảm tải áp lực thiếu phòng học cho nhà trường thời gian qua. Với 1.991 học sinh/52 lớp, nhà trường thiếu 8 phòng học; buộc phải sử dụng các phòng bộ môn, chức năng và ngăn phòng đa năng để làm phòng học. Phường Hòa Xuân của quận Cẩm Lệ cũng là điểm nóng về tốc độ dân số cơ học gia tăng nhanh. Vì vậy, UBND quận đã giao phòng GD&ĐT rà soát lại nhu cầu trường, lớp trên địa bàn để tham mưu UBND quận bố trí đầu tư xây dựng phù hợp, đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh.