Mở ra nhiều lĩnh vực hợp tác
Trong buổi trao đổi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đã đánh giá cao chất lượng GD của Phần Lan, đánh giá cao hợp tác GD giữa hai nước, các hoạt động hợp tác giữa các trường ĐH của hai nước, hợp tác trong GD phổ thông, điển hình là trường phổ thông hợp tác với Phần Lan tại TPHCM, Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, hiện nay SV Việt Nam đang học tập tại rất nhiều nước (với khoảng 190 ngàn sinh viên) trong đó có nhiều SV học tập tại Phần Lan- một nước có nền GD chất lượng trên thế giới, là một điểm đến thu hút SV Việt Nam. Bộ GD&ĐT Việt Nam rất mong Chính phủ Phần Lan hỗ trợ SV Việt Nam đang theo học tại Phần Lan trong thời gian dịch Covid-19.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác giáo dục đại học, thiết lập mạng lưới các trường đại học Việt Nam - Phần Lan. Đây là cơ sở để hai bên phối hợp triển khai các chương trình đào tạo liên kết, nghiên cứu khoa học, đặc biệt, cùng đề xuất các dự án trong khuôn khổ Chương trình ERASMUS MUNDUS của Liên minh châu Âu.
Ngài Đại sứ Phần Lan Kari Kahiluoto đã đánh giá cao hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực GD. Ngài Đại sứ khẳng định Phần Lan luôn ưu tiên các thủ tục visa cho SV Việt Nam đến học tập tại Phần Lan. Ngài Kari Kahiluoto cũng bày tỏ vui mừng vì thành quả hợp tác trong lĩnh vực GD phổ thông giữa hai nước, thông qua trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan, nhất là tại Việt Nam vừa mới khai trương trường mầm non, tiểu học có sử dụng chương trình Phần Lan.
Ngài Đại sứ Kari Kahiluoto cho biết: Dịch bệnh Covid-19 gây trở ngại cho hình thức dạy học truyền thống, do vậy Phần Lan đã triển khai chương trình đào tạo giáo viên trực tuyến. Ngài Đại sứ mong muốn Việt Nam có thể tham gia chương trình này, cùng hợp tác triển khai các chương trình đào tạo trực tuyến, ứng dụng công nghệ số trong dạy và học. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao đề nghị này của ngài Đại sứ Phần Lan vì giá trị thiết thực cho giáo viên.
Hai bên đã cùng bày tỏ mong muốn trong việc tăng cường hợp tác đào tạo giáo viên, phối hợp xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên, chia sẻ kinh nghiệm và các chuẩn đánh giá giáo viên của Phần Lan. Trong công tác đào tạo giáo viên, Phần Lan hiện đang nằm trong top đầu của thế giới về chuẩn và các chương trình đào tạo bồi dưỡng. Bên cạnh đó, Việt Nam- Phần Lan có mong muốn và cơ hội về tăng cường hợp tác giáo dục ĐH và kết nối các trường ĐH giữa hai nước. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng mong muốn Hà Lan hỗ trợ chuyên gia cho chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam.
Nhiều kết quả hợp tác đáng chú ý
Được biết, trong thúc đẩy hợp tác về lĩnh vực giáo dục phổ thông, GD ĐH, giữa Việt Nam và Phần Lan đã có được những kết quả đáng chú ý. Trong đó, có thể kể đến việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã mở lớp dạy thử và giới thiệu mô hình đào tạo Phần Lan tại TP HCM. Trường ĐH Tôn Đức Thắng đang xây dựng ngôi trường theo thiết kế của nhà thiết Phần Lan và xây dựng chương trình học theo hướng tích hợp chương trình của Việt Nam và Phần Lan.
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch của Việt Nam và Trường ĐH Saiama của Phần Lan đã đồng chủ trì tổ chức Hội thảo về điều dưỡng tại nhà và cấp cứu ngoại biện. ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch và ĐH Saiama đã cùng tổ chức hội thảo đánh giá công tác đào tạo và phối hợp lần 2 và đã các chuyên gia từ các trường ĐH Y, Dược cả nước quan tâm và đánh giá rất cao, đặc biệt là các Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm cấp cứu 115 trên cả nước tham dự và mong muốn học hỏi mô hình. Dự kiến khi thử nghiệm thành công mô hình sẽ áp dụng rộng rãi trên các tỉnh thành trong cả nước để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế.
Ngoài ra, hợp tác GD- ĐT giữa Việt Nam và Phần Lan còn có được những kết quả đáng chú ý khác như: ĐH Huế và ĐH Finland đã tiến hành liên kết đào tạo Thạc sĩ về sức khỏe và công nghệ môi trường (tháng 11/2017); Viện ĐH Mở và trường ĐH Saimaa đã họp triển khai mô hình đào tạo liên kết đồng cấp bằng Thạc sĩ ngành Quản trị du lịch khách sạn (tháng 10/2017);
Tập đoàn Nguyễn Hoàng ở Việt Nam đã làm việc với Công ty Clained Oy Phần Lan để tiến hành hợp tác triển khai ứng dụng công nghệ trực tuyến (mạng xã hội) trong việc đào tạo; Trường ĐHSPKT TPHCM đã phối hợp cùng trường ĐH HAMK cùng ứng tuyển thành công dự án tăng cường năng lực cho giáo viên Việt Nam chuyển đổi công nghệ 4.0; Trường ĐH Bách Khoa đã phối hợp với trường Đại học Lappeenranta về hợp tác phát triển dự án hệ thống sáng tạo;
Trường ĐH Văn Lang phối hợp với Hiệp hội các trường Đại học Phần Lan (gồm 4 trường ĐHKH ứng dụng Metropolitan, ĐH KHUWD Haaga Helia, ĐHKHƯD Kajaani và ĐHKHƯD Jyvaskya) tổ chức các khóa học ngắn hạn với mục đích phát triển kĩ năng mềm, kỹ năng lập trình và kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên; Tập đoàn Giáo dục Tân Thời Đại chủ đầu tư của trường mầm non Tân Thời Đại đã hợp tác với Công ty Fun Academy của Phần Lan mua gói đào tạo qua trò chơi khám phá vũ trụ để lồng ghép vào chương trình học cho HS mẫu giáo…