Hơn 9 nghìn trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GDTH cho biết, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (năm 1996) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, ngày 26/4/1997, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành QĐ số 1366 về việc ban hành quy chế công nhận trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 1996 – 2000.
Trong năm 1997 đã có 4 trường tiểu học đầu tiên được Bộ GD&ĐT kiểm tra và cấp bằng công nhận đạt chuẩn Quốc gia, đó là: trường tiểu học Kiến Xương (huyện Kiến Xương, Thái Bình), trường tiểu học An Bài (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình), trường tiểu học Nghĩa Bình (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) và trường tiểu học Nam Đào (huyện Nam Trực, Nam Định).
Đến đầu tháng 8/2018, cả nước có 9125 trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia (đạt 60,6%), trong đó có 1783 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Đặc biệt, cả nước có 3 tỉnh gồm: Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh có 100% số trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia.
Đến tháng 12/2005, tất cả các tỉnh thành trong cả nước đều có trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia với tổng số 3667 trường chiếm 25,4%. Cũng trong năm 2005, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy chế chia làm 2 mức độ gồm: mức độ 1 và mức độ 2 đối với những trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia, đồng thời giao thẩm quyền kiểm tra và cấp bằng công nhận thuộc Chủ tịch UBND tỉnh cấp.
Ngày 28/12/2012, Bộ GD&ĐT tiếp tục ban hành Thông tư số 59 đánh giá trường tiểu học được chia làm 3 mức độ gồm: trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu, chuẩn Quốc gia mức độ 1 và chuẩn Quốc gia mức độ 2.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội nghị |
Mỗi ngành, mỗi trường phải có trách nhiệm xây dựng trường chuẩn quốc gia
Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, việc xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia đã tạo nên sự cạnh tranh thi đua giữa các địa phương trong tỉnh, tạo điều kiện lớn cho phổ cập giáo dục tiểu học ở Thừa Thiên Huế. Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 161/215 trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia, trong đó có 16 trường đạt chuẩn mức độ 2.
Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ cho biết, qua 20 năm tổ chức thực hiện, tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia ở TP Cần Thơ tăng từ 3,25% lên 66,7%. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nhận thức cao về nhiệm vụ và trách nhiệm, đáp ứng được yêu cầu đào tạo trong tình hình mới...
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhìn nhận, chặng đường xây dựng các trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia đã mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển trường tiểu học trên cả nước, từ đó trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu mỗi trường phải chủ động xây dựng đề án, nếu trường đạt mức độ 1 rồi thì tiếp tục xây dựng kế hoạch đạt mức độ 2, phải tham mưu các lộ trình cho cấp trên, kiểm tra tiến độ thực hiện do UBND địa phương ban hành.
Tiếp tục duy trì các trường đạt chuẩn quốc gia sau 5 năm, tiếp tục đầu tư và phát huy giá trị các trường đã đạt chuẩn Quốc gia, tránh trường hợp một số trường đã công nhận chuẩn Quốc gia nhưng không bằng trường chưa đạt chuẩn ở nơi khác, tạo nên bệnh thành tích làm mất chủ trương hay của Đảng và Nhà nước.
Thứ trưởng đề nghị tiếp tục tăng cường công các xã hội hóa, huy động các nguồn lực giúp củng cố, duy trì và phát triển trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia. Chủ trương xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các địa phương tiếp tục đầu tư chăm lo, đảm bảo các điều kiện để các trường tiểu học triển khai thành công chương trình sách giáo khoa mới.
Đây cũng chính là thời điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng, mở ra một bước chuyển căn bản để giáo dục tiểu học Việt Nam tiếp tục phát triển và hội nhập với giáo dục tiểu học của các nước trong khu vực và trên thế giới
Qua đó, mỗi ngành, mỗi trường phải có trách nhiệm xây dựng trường chuẩn quốc gia, đối với ngành giáo dục, cần phát huy nội lực của ngành, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ, chuẩn hóa cán bộ quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.