Tình trạng nêu trên đang diễn ra ở nhiều trường Tiểu học, Trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Nguyên nhân của vấn đề này là do các trường không có nguồn trả lương cho GV hợp đồng. Thậm chí, tại nhiều trường tiểu học, THCS đã đạt chuẩn vẫn phải đóng cửa phòng học Tin học, dẫn đến tình trạng máy móc, thiết bị hư hỏng.
Trường chuẩn cũng đóng cửa phòng tin học
Theo thống kê Sở GD&ĐT Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh này hiện có 553 trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia, trong đó có 131 trường đạt chuẩn mức độ 2; 363 Trường THCS đạt chuẩn Quốc gia.
Theo quy định để công nhận trường chuẩn Quốc gia, đối với cấp tiểu học, trường đạt chuẩn mức độ 2 phải có phòng máy tính và GV dạy Tin học; đối với THCS, trường đạt chuẩn cũng phải có phòng máy vi tính và đủ GV Tin học.
Thế nhưng, thực tế hiện nay trên địa bàn Thanh Hóa, số GV dạy Tin học tại các trường tiểu học chủ yếu là GV hợp đồng, không có biên chế cho GV Tin học. Nhiều trường do không có kinh phí duy trì phòng máy, trả lương hợp đồng cho GV nên phải đóng cửa phòng máy.
Khảo sát tại huyện Quảng Xương, được biết: Hiện nay, địa phương này có 22/30 trường THCS đạt chuẩn Quốc gia, trong đó có 20 GV dạy Tin học; có 30/31 trường tiểu học đã đạt chuẩn, trong đó có 9 trường đạt chuẩn mức độ 2 nhưng duy nhất chỉ có 1 GV Tin học đã được biên chế, còn lại các trường muốn duy trì phòng máy phải chủ động hợp đồng với GV Tin học. Nhiều trường đành phải đóng cửa phòng máy và học sinh không được học Tin học vì không có tiền trả lương cho GV môn học này.
Cô giáo Lê Thị Thanh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Bình (Quảng Xương), cho biết: Năm 2012, nhà trường được công nhận đạt chuẩn mức độ 2. Vì vậy, trường được đầu tư xây dựng phòng máy với 10 bộ máy tính để bàn và hợp đồng GV dạy Tin học do huyện hỗ trợ kinh phí.
Tuy nhiên, chỉ sau hai năm học, khi tỉnh Thanh Hóa không cho cơ chế hợp đồng GV, nhà trường phải tự hợp đồng GV Tin học. Từ học kỳ 2 năm học 2017-2018, nhà trường đã phải dừng hợp đồng với GV Tin học vì không có tiền trả lương cho họ. Còn phòng máy được tận dụng làm phòng thư viện điện tử, thỉnh thoảng học sinh vào đọc báo, truyện để máy móc đỡ hư hại.
Ông Lê Hữu Quang - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quảng Xương cho biết: Đây là tình trạng chung ở nhiều trường trên địa bàn huyện do môn Tin học đang là môn tự chọn, không bắt buộc nên không có chỉ tiêu biên chế GV bộ môn này. Tuy nhiên, với các trường THCS đạt chuẩn và tiểu học đạt chuẩn mức độ 2 thì môn học này là một trong những điều kiện để được công nhận chuẩn.
Trước tình trạng trên, huyện Quảng Xương cũng có đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét chỉ tiêu biên chế GV Tin học. Thế nhưng, do huyện này hiện tại đang thiếu nhiều giáo viên Văn hóa, nên UBND tỉnh chỉ phê duyệt cho huyện Quảng Xương hơn 100 chỉ tiêu biên chế GV các môn văn hóa và Ngoại ngữ.
Lãng phí rất lớn
Điều thực tế cho thấy, để xây dựng được một phòng Tin học, mỗi nhà trường phải đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ dạy học. Không có tiền trả lương cho GV, phòng máy đóng cửa, hệ thống máy tính không thường xuyên sử dụng nhanh chóng hư hỏng đã gây nên sự lãng phí rất lớn về cơ sở vật chất trường học.
Tại thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa), hiện có 13 trường tiểu học, 12 trường THCS, trong đó có 4 trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 2 và 8 trường THCS đạt chuẩn Quốc gia. Thế nhưng, hiện tại cũng chỉ có 4 trường có duy trì phòng máy để thuê GV dạy môn Tin học. Còn lại các trường chuẩn khác đều phải đóng cửa phòng máy.
Cô giáo Đỗ Thị Thúy - Hiệu trưởng tiểu học Quảng Đại, cho biết: Năm 2010, ngôi trường này được công nhận đạt chuẩn mức độ 2. Vì thế, nhà trường đã xây dựng một phòng máy với gần 20 máy tính và có hợp đồng GV dạy Tin học từ khối 3 đến khối 5. Tuy nhiên, vài năm lại đây trường phải dừng dạy môn Tin học vì không có lương trả cho GV hợp đồng, nhiều máy tính đã bị hư hỏng nặng.
“Theo kế hoạch, năm học 2018-2019 nhà trường sẽ xây dựng để được công nhận lại chuẩn, vì theo quy định trường đã quá chuẩn 3 năm. Nhưng, để trang bị lại phòng máy, dự kiến nhà trường cần khoảng 120 triệu chi phí tu sửa lại những bộ máy tính còn sử dụng được và bổ sung một số máy mới.Tuy nhiên, lấy đâu ra nguồn kinh phí để trả lương cho GV hợp đồng; bảo trì, bảo dưỡng phòng máy hàng năm…thì lại là một việc rất khó khăn, nếu không có hỗ trợ từ địa phương và xã hội hóa”- cô Thúy chia sẻ.
Ông Hoàng Trung Kiên - Trưởng phòng GD&ĐT TP. Sầm Sơn cho hay: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều trường phải đóng cửa phòng máy Tin học vì thành phố không được giao biên chế GV môn Tin học. Trong khi đó, nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp, các nhà trường không có quỹ lương để chi trả cho GV hợp đồng môn học này.
“Để đảm bảo chất lượng giáo dục thành phố, tiến độ xây dựng trường chuẩn Quốc gia, TP Sầm Sơn đang tiếp tục đề nghị lên UBND tỉnh có giải pháp giải quyết cơ chế hợp đồng GV Tin học có quỹ lương; có cơ chế xã hội hóa để trang bị phòng máy và bảo trì, bảo dưỡng phòng máy nhằm duy trì hiệu quả hoạt động của nó.”- ông Kiên nói.
Ông Trịnh Vĩnh Long - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học - Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho biết: Việc thiếu GV và không có GV dạy Tin học ở các trường tiểu học chuẩn Quốc gia mức độ 2 là tình trạng chung ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Để công nhận trường chuẩn Quốc gia, các trường phải đủ điều kiện theo quy định mới được công nhận.
Tại thời điểm kiểm tra, các trường đủ điều kiện đạt chuẩn, nhưng không có GV dạy Tin học, do nhà trường không có tiền trả lương hoặc họ xin nghỉ việc vì mức lương hợp đồng thấp…nên lại không thể công nhân đạt chuẩn theo quy định. Không những thế, nhiều trường học đã đã phải đóng cửa phòng máy, dẫn đến gây lãng phí cơ sở vật chất rất lớn, còn học sinh thì chịu thiệt thòi.
Cũng theo thống kê của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện nay mới có 357 GV biên chế dạy Tin học, trong đó có 57 GV tiểu học và 300 GV THCS. Trong khi đó, chỉ tính riêng số lượng trường đã đạt chuẩn Quốc gia thì tỉnh này đã có 896 trường (bao gồm cả hai cấp THCS và Tiểu học). Thế nhưng, theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì môn Tin học sẽ là một trong số các môn học bắt buộc từ khối lớp 3. Đây cũng là vấn đề nan giải mà ngành GD&ĐT Thanh Hóa vẫn chưa thể tìm ra giải pháp hữu hiệu trong năm học mới này.