Tham gia dự án là các công ty tài chính và các nhà đầu tư quan tâm đến việc làm sao để hàng triệu gia đình nghèo trên thế giới có thể đưa con gái đến trường mà không phải tốn kém nhiều. Mục tiêu xoá mù chữ thường vượt quá khả năng của chính phủ tại các nước nghèo, vì vậy những dự án giáo dục khả thi và đủ sức thu hút vốn đầu tư quốc tế là rất cần thiết để bù đắp vào lỗ hổng.
Các công ty tài chính cũng rất muốn đầu tư vào giáo dục nhưng vấn đề còn lại là làm sao tạo niềm tin vào hiệu quả của đồng tiền họ bỏ vào. “Tiền bạc phải đem lại kết quả tốt cho mục tiêu đầu tư mà ở đây là xoá mù và nâng cao trình độ học vấn cho gia đình các trẻ em nghèo. Nói rõ hơn, tiền bạc và khát vọng về một thế giới tốt đẹp hơn cho con em các gia đình nghèo phải sánh đôi với nhau” – một nhà phân tích tài chính cho giáo dục nói.
Trên tinh thần này, Quĩ The British Asian Trust mà sáng lập viên là Thái tử Charles đã trích riêng 7,5 triệu bảng Anh dùng cho phát triển giáo dục với mục tiêu chính là cải thiện thực trạng giáo dục yếu kém tại những cộng đồng nghèo ở Ấn Độ, nơi có rất ít trẻ em gái được đến trường.
Quĩ muốn áp dụng mô hình kinh doanh giống như doanh nghiệp, tức là hoạt động có sinh lợi và kinh phí đi vay sẽ được trả lãi đàng hoàng. “Nhưng mục tiêu số 1 của dự án vẫn là mang lại cho trẻ em nghèo cơ hội vào đời sau này. Còn kinh doanh là mảng tách biệt khỏi giảng dạy để lấy lợi nhuận trang trải cho các chi phí phát sinh” – thông báo của quĩ viết.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đời của dự án mới là có rất nhiều học sinh Ấn Độ phải bỏ học giữa chừng do gia đình quá nghèo; chiếm đa số là trẻ gái. Dự án hy vọng sẽ xoá mù cho 200.000 thiếu niên và trẻ em tại bang Gujurat, Rajasthan và thủ đô Delhi. Ông Richard Hawkes, giám đốc điều hành British Asian Trust nhấn mạnh, tầm quan trọng là dự án phải đạt được các kết quả về giáo dục tốt như mong đợi, còn kinh doanh chỉ để giúp duy trì hoạt động của dự án về mặt lâu dài.
“Nếu dự án thành công, tức là không mất vốn mà còn sinh lợi, các nhà đầu tư sẽ an tâm đổ thêm tiền vào. Qui mô dự án cũng tăng lên. Hưởng lợi cuối cùng vẫn là học sinh nghèo không có điều kiện đến trường” – ông nói.
Hiện đã có 4 công ty phát triển giáo dục hứa đầu tư vào dự án cùng với các cơ quan giáo dục của chính phủ trung ương và chính quyền địa phương. “Những trẻ em bị xã hội bỏ lại phía sau là đối tượng chính của dự án. Đào tạo thầy cô giáo và ban giám hiệu trường cũng được xem trọng nếu chúng ta muốn có một ngôi trường đúng chuẩn như các trường điểm khác” - Hawkes nói.
Dự án kéo dài 4 năm sẽ được một hội đồng đánh giá độc lập thẩm định kết quả trước khi tiếp tục và nhân rộng. “Quĩ The British Asian Trust sẽ ứng trước các khoản chi phí hoạt động theo cam kết đóng góp của các nhà đầu tư. Và nếu kết quả cuối cùng không đạt yêu cầu, ví dụ không xoá được mù chữ cho 200.000 em, các nhà đầu tư sẽ không phải thanh toán khoản tiền này. Trách nhiệm thuộc về Quĩ”. Khoản tiền cần thiết ban đầu để triển khai dự án sẽ do Hội UBS Optimus Foundation, tổ chức từ thiện của các dịch vụ tài chính Thụy Sĩ cung cấp.
Sau đó Quĩ sẽ huy động thêm các nguồn đầu tư khác với lãi suất đàng hoàng. Hiện Quĩ The British Asian Trust đã chi một số tiền cho hội Educate Girls ở thành phố Rajasthan để giúp tăng số học sinh nữ đi học và cải thiện kết quả học tập của các em tại một số điểm thử nghiệm. Đến này đã thấy những dấu hiệu tích cực của thành công.
Mục tiêu của Educate Girls là trong 3 năm sẽ đưa toàn bộ nữ sinh đến tuổi đi học đến trường. Bước đầu 18.000 học sinh gái đã trở lại lớp và được kiểm tra trình độ tiếng Anh, tiếng Hindi và toán trước khi bắt đầu học chính thức. Safeen Husain, giám đốc điều hành Educate Girls nhấn mạnh: “Chúng tôi tập trung theo dõi kết quả học tập của các em vì chương trình chỉ có tác dụng nếu học sinh học tập tốt. Nếu không, tiền bạc sẽ phí phạm và nạn mù chữ lại tái diễn”.