Mo Mường cần được dịch sang tiếng Anh

GD&TĐ - Để Mo Mường được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, điều đầu tiên cần làm là dịch Mo Mường sang tiếng Anh.

Cỗ cúng trong nghi lễ Mo Mường thể hiện sự gắn bó cộng đồng. Ảnh: Bộ VH-TT&DL.
Cỗ cúng trong nghi lễ Mo Mường thể hiện sự gắn bó cộng đồng. Ảnh: Bộ VH-TT&DL.

Trong hai ngày 5 - 6/1, tại Hoà Bình đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới”. Hội thảo nhằm đánh giá lại các giá trị của di sản, đồng thời hoàn thiện mọi góc cạnh cần thiết - trước khi hoàn thiện Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh Mo Mường vào danh sách di sản.

Nét văn hóa không bị trộn lẫn

Sau chưa đầy 5 tháng từ khi Hội thảo “Mo trong đời sống người Mường xưa và nay” diễn ra, Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) tiếp tục cùng Sở VH-TT&DL tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội thảo quốc tế về Mo Mường.

Ngoài các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu và lãnh đạo 7 tỉnh thành có di sản Mo Mường, hội thảo lần này còn thu hút nhà khoa học thuộc các nước: Hàn Quốc, Đức, Mỹ và một số quốc gia có hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng với Mo Mường.

Trong bài tham luận, GS Kim Hyong Keun - Viện Nghiên ccứu thông tin di sản phi vật thể (Đại học Jeonbuk, Hàn Quốc) cho biết: Các nghi thức của Mo Mường cho thấy sự độc đáo, khác lạ và đặc trưng bởi không bị trộn lẫn với bất cứ nét văn hóa nào.

“So với nghi thức tang ma của Hàn Quốc thì Mo Mường biểu hiện tính độc lập, toàn quyền của chủ tế. Thầy Mo đóng vai trò là cầu nối giữa người sống với người chết, giữa phần âm và phần dương, giữa thế giới thực tại và thế giới vô hình. Thầy Mo còn là người dẫn dắt linh hồn người chết về đúng nơi chốn”, GS Kim Hyong Keun nhận định.

GS Wolfgang Masnak thuộc Đại học Âm nhạc và Sân khấu Munich (Đức) viết trong tham luận dưới góc độ liên ngành: Nghi lễ Mo Mường phù hợp với nhiều tiêu chí của UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể, như: Tương thích với quyền con người, tôn trọng sự khác biệt văn hóa, được cộng đồng coi là phần thiết yếu trong đời sống, gắn bó chặt chẽ giữa ý thức về bản sắc và trí nhớ cộng đồng…

Ông Wolfgang Masnak cũng nhấn mạnh, càng đi sâu nghiên cứu Mo Mường theo cách liên ngành lại càng làm nảy sinh nhiều câu hỏi hơn là có thể đưa ra câu trả lời. Mo Mường phản ánh sự đa dạng văn hóa trên toàn thế giới, cũng là minh chứng cho những sáng tạo cổ xưa của mỗi tộc người.

Đánh giá về hiện vật trực quan trong nghi lễ Mo Mường, GS Janet Alison Hoskins (Trường Đại học Nam California - Mỹ) cho biết, trong lễ tang người Mường với mâm cỗ cúng thể hiện tính nhân sinh sâu sắc và rất ấn tượng.

Các món cúng như: Xôi hay thịt, rượu… được trình bày đẹp mắt, sang trọng. Riêng mâm lá chuối đựng lễ vật cho người người đã khuất thể hiện tính “kết nối” âm – dương. Điều này thể hiện sự gắn bó cộng đồng, và nghi lễ của Mo Mường thể hiện vũ trụ quan theo cách nói của người Việt “trần sao âm vậy”.

Bổ sung về nghi lễ tang ma, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan - nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc cho biết, Mo Mường là một trong 3 hình thức sinh hoạt tín ngưỡng quan trọng trong đời sống người Mường.

Nội dung nghi lễ tang ma cung cấp cho chúng ta đầy đủ nhất quan niệm của người Mường về mối quan hệ của con người với thế giới “mường Trời, mường Đất và mường Nước”.

Vật dụng trong túi 'khót' của thầy Mo ở Hòa Bình. Ảnh: TG.

Vật dụng trong túi 'khót' của thầy Mo ở Hòa Bình. Ảnh: TG.

Có đủ thời gian dịch Mo Mường?

Tiến hành đầy đủ nghi lễ Mo phải mất 23 ngày liên tục với 115 roóng Mo và hơn 44 nghìn câu thơ. Trong công trình Mo Mường của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nợi có hơn 22 nghìn câu Mo. Bản Mo Mường do UBND tỉnh Hòa Bình xuất bản năm 2010 có dung lượng hơn 22.500 câu. Để dịch toàn bộ ra tiếng Anh cũng như thẩm định, phải mất rất nhiều thời gian - khó hoàn thành trước tháng 3/2023.

Đánh giá về âm nhạc của Mo Mường, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nhấn mạnh: “Mo tang lễ Mường Hòa Bình là hình thức âm nhạc độc đáo, cung cấp cho nghi lễ Mo một sáng tạo âm nhạc đúng và đủ để chuyển tải tới người dự lễ tang một cách đầy đủ nhất về những câu chuyện và lời thỉnh nguyện trong sử thi Mo Mường Việt Nam”.

Sở dĩ phải đánh giá riêng Mo tang lễ Mường Hòa Bình, vì hiện nay theo nghiên cứu tang lễ Mường – có sự khác nhau đáng kể (do tập tục địa phương, hoặc sự tiếp biến văn hóa). Bởi vậy, Mo tang lễ nói chung không đồng nhất nên là một khía cạnh mà giới khoa học cần nhìn nhận, đánh giá trước khi xây dựng hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO.

Liên quan đến vấn đề quan trọng nhất của hội thảo, là xây dựng hồ sơ Mo Mường. GS Kim Hyong Keun cho rằng “Mo Mường cần được dịch sang tiếng Anh”. Ông nói: “Cần tăng tính hiển thị, tương tác và nổi tiếng của di sản với toàn thế giới. Muốn vậy, phải để thế giới đọc được Mo Mường – và nhiệm vụ cần làm để Mo Mường được ghi danh là phải dịch sang tiếng Anh”.

Thực ra, vấn đề này đã từng được nêu ra trong một hội thảo về tính cấp thiết bảo tồn Mo Mường. Không thể bảo tồn, gìn giữ qua cách truyền khẩu mà phải La-tinh hóa vì người Mường chưa có chữ viết.

Sau đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình cùng Viện Ngôn ngữ học nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học “Xây dựng Bộ chữ viết dân tộc Mường phục vụ cho việc bảo tồn, phát huy văn hóa Mường tại tỉnh Hòa Bình”.

Tuy nhiên dễ thấy, đề tài chỉ có giá trị thực tế trong việc bảo tồn trong cộng đồng người Mường. Trong khi để lan toả giá trị, tăng tính tương tác, hiển thị của hồ sơ khoa học mang tầm quốc tế - việc dịch Mo Mường sang tiếng Anh là cần thiết.

Nhưng có lẽ việc này khó khả thi, vì theo lộ trình hồ sơ sẽ phải đệ trình lên UNESCO vào tháng 3/2023. Nghĩa là còn khoảng 2 tháng để hoàn thiện, trong khi các tỉnh đứng tên trong hồ sơ này đều phải có được quyết định công nhận Mo Mường của tỉnh mình là di sản phi vật thể cấp quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo dục 'mới' tại Indonesia hướng tới 4 trụ cột.

Lộ trình giáo dục mới của Indonesia

GD&TĐ - Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục Tiểu học và Trung học Indonesia, ngành Giáo dục cần cải thiện 4 trụ cột để đạt được mục tiêu 'Indonesia Vàng 2045'.