Không bảo tồn dựa trên cảm tính
TS Vũ Diệu Trung - Giám đốc Trung tâm dữ liệu di sản văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - cho rằng, di sản văn hóa phi vật thể nói chung và nhất là đối với các dân tộc thiểu số nói riêng chịu sự tác động mạnh mẽ, sâu rộng của những biến đổi về kinh tế, xã hội.
Đây cũng không phải là vấn đề của riêng một quốc gia, mà của những nước đang phát triển ở Đông Nam Á và nhiều nước trên thế giới.
Đồng bào các dân tộc thiểu số trong quá trình thiên di, đã thích ứng với điều kiện sống ở Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia khác như Thái Lan, Lào và Myanmar. Họ đã hình thành nên một tập quán truyền thống “mới” nhưng vẫn mang đậm cái gọi là “bản sắc xuyên quốc gia” của những tộc người này.
Trong quá trình biến đổi, họ đã phải tự lựa chọn các giá trị văn hóa cho mình. Bởi, điều kiện kinh tế, xã hội phát triển sẽ phát sinh ra những hình thức mưu sinh mới như sự thay đổi về phương thức canh tác, giống cây trồng dẫn đến sự thay đổi về mùa vụ, cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp…
Điều này dẫn đến sự thay đổi về niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng và tất yếu là những giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số sẽ bị mai một. Vì vậy làm sao để vừa bảo tồn, phát huy được giá trị văn hóa tộc người, vừa phát triển kinh tế nâng cao chất lượng cuộc sống, cũng như sự phát triển bền vững của xã hội.
Theo TS Vũ Diệu Trung, để khắc phục tình trạng Nhà nước bảo tồn hộ, phục dựng hộ các di sản văn hóa cho cộng đồng, thì khi lựa chọn di sản văn hóa để bảo tồn và phục dựng cần phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản. Đó là không được lựa chọn đối tượng bảo tồn dựa trên cảm tính của các nhà quản lý.
Điều này để tránh tình trạng di sản văn hóa không còn được thực hành trong cộng động, cũng như di sản đó không còn tồn tại trong đời sống tâm linh của đồng bào. Muốn vậy, trước khi lựa chọn di sản văn hóa cần bảo tồn, cần thiết phải họp dân, lấy ý kiến của cộng đồng về việc nên bảo tồn giá trị nào của tộc người.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, sưu tầm tư liệu có liên quan về di sản văn hóa, cùng với người dân xây dựng kịch bản chi tiết. Người điều hành chính trong quá trình phục dựng phải là trưởng họ hoặc những người có tiếng nói quan trọng trong dòng họ đối với những nghi lễ liên quan đến dòng họ.
Những người làm công tác quản lý văn hóa chỉ tham gia vào công việc này với tư cách tư vấn, giám sát, không được can thiệp sâu vào quá trình phục dựng. Chỉ có như vậy, các nghi lễ mới bảo đảm tính bản sắc và sau khi phục dựng cộng đồng sẽ có thể tự bảo tồn và duy trì vào những năm tiếp theo. Đây chính là mục tiêu cuối cùng mà công tác bảo tồn di sản văn hóa hướng tới.
Lưu ý đến các dân tộc rất ít người
Trong những năm qua, các thế lực thù địch đã chống phá Nhà nước ta bằng nhiều cách, nhất là ở những vùng giáp biên, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Các thế lực này đã lôi kéo một bộ phận đồng bào ta theo đạo, làm mai một những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc cũng như làm cho tình hình an ninh chính trị, xã hội bị đe dọa.
Vì thế, cần thiết thực hiện nghiêm túc chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Đồng thời có những biện pháp ngăn chăn lại sự thâm nhập của tôn giáo mới không phù hợp với truyền thống văn hóa.
“Thực tế cho thấy, ở địa phương nào làm tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa, đáp ứng được nhu cầu về đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào thì địa phương đó kinh tế, xã hội phát triển, an ninh quốc phòng cũng được bảo đảm”, TS Trung nhấn mạnh.
TS Vũ Diệu Trung cũng cho rằng, cần tổ chức nghiên cứu, sưu tầm các giá trị di sản văn hóa phi vật thể theo chương trình, kế hoạch dài hạn. Đặc biệt lưu ý đến các dân tộc thiểu số có dân số dưới 10 nghìn.
Những di sản văn hóa phi vật thể cần được ghi âm, ghi hình sau đó được dựng băng đĩa, làm phim tư liệu, xuất bản sách nhằm phổ biến rộng rãi trong cộng đồng các dân tộc.
Từng bước duy trì việc phục dựng các loại hình di sản văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người dân. Đó là phục hồi các hình thức sinh hoạt diễn xướng dân gian, lễ hội cổ truyền, nghề thủ công truyền thống.
Việc tổ chức lễ hội, phục dựng các loại hình di sản văn hóa có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.
Từ đó, góp phần làm cho diện mạo của đời sống văn hóa tộc người thêm phong phú, đa dạng. Đây sẽ là nguồn động lực quan trọng của đồng bào các dân tộc trong đời sống đương đại.
“Để củng cố niềm tin, niềm tự hào dân tộc, chúng ta cần phải tổ chức thường xuyên việc giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong tỉnh, huyện, xã với những hình thức phong phú.
Ví dụ như hội diễn văn nghệ, tổ chức ngày hội văn hóa, tổ chức các câu lạc bộ nhằm trao đổi những kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế địa phương, xây dựng đội văn nghệ. Đội văn nghệ thôn, xã sẽ là một trong những hạt nhân cơ bản thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ ở từng địa phương.
Các tiết mục biểu diễn chính là những làn điệu dân ca, những diễn xướng dân gian đặc trưng tộc người. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu để vừa bảo tồn di sản văn hóa tộc người, vừa củng cố niềm tin, lòng yêu nước đối với đồng bảo các dân tộc thiểu số nơi địa đầu Tổ quốc”, TS Vũ Diệu Trung nói.