Mở lối thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Nâng cao thu nhập cho người dân, tạo sinh kế ổn định là mục tiêu giảm nghèo bền vững mà huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã thực hiện nhiều năm qua.

Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Trấn Yên đã thay đổi toàn diện nhờ những chính sách trong xóa đói giảm nghèo.
Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Trấn Yên đã thay đổi toàn diện nhờ những chính sách trong xóa đói giảm nghèo.

Đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân

Hiện nay, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Trấn Yên đã được nâng cao. Đây cũng là thành quả của sự tích cực tuyên truyền, thay đổi tư duy cho người dân mà chính quyền địa phương đã nỗ lực thực hiện.

Việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo đã được huyện Trấn Yên làm tốt. Đời sống của người dân đã cải thiện, thu nhập đã tăng cao. Người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, tiếp cận thông tin...

Với Trấn Yên, việc thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của từng cơ quan, địa phương. Xây dựng và ban hành Kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện công tác giảm nghèo.

Mô hình trồng dâu nuôi tằm tại huyện Trấn Yên.

Mô hình trồng dâu nuôi tằm tại huyện Trấn Yên.

Các điển hình, mô hình hiệu quả của địa phương luôn được phát hiện, nhân rộng và khen thưởng kịp thời; tạo động lực và quyết tâm trong lối tư duy, cách nghĩ giúp người dân phấn đấu tự nguyện thoát nghèo.

Ngoài ra, UBND huyện Trấn Yên còn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các chính sách, các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp.

Tăng cường liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo với doanh nghiệp nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập.

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Trấn Yên chia sẻ: “Xét về mặt số lượng (đánh giá trên cơ sở tiêu chí được phân bổ, giải ngân) thì có thể đánh giá Trấn Yên thực hiện nội dung đó rất kém..."

"...Nhưng bản chất của nó thì huyện đã triển khai tuyên truyền, vận động đến các đối tượng thụ hưởng chính sách, những người nào còn khả năng lao động để đăng ký hỗ trợ sản xuất, cây trồng vật nuôi; những người nào còn trong độ tuổi lao động từ trước đến nay chưa được đào tạo nghề bao giờ đăng ký để đào tạo nghề thì còn rất ít. Bản chất là tình trạng, đối tượng nghèo không còn đáng kể, như vậy đó là mặt tích cực...”, ông Trung nhấn mạnh.

Nâng cao trình độ và chất lượng cuộc sống cho người dân

Những năm qua, việc chăm lo phát triển toàn diện văn hóa - xã hội nhằm nâng cao trình độ dân trí và chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo được triển khai sâu rộng ở huyện Trấn Yên.

Ngoài ra, huyện còn gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc các dân tộc. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trấn Yên cũng đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đảm bảo tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo đi học đúng độ tuổi.

Mô hình sản chăn nuôi và sản xuất gà đồi gắn với chế biến và tiêu thụ đạt hiệu quả cao tại huyện Trấn Yên.

Mô hình sản chăn nuôi và sản xuất gà đồi gắn với chế biến và tiêu thụ đạt hiệu quả cao tại huyện Trấn Yên.

Thực hiện mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân để tăng cơ hội tiếp cận cho người nghèo; nâng cao chất lượng hệ thống y tế tuyến cơ sở.

Đẩy mạnh phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và sinh con thứ 3 trở lên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cải thiện tình trạng dinh dưỡng và suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng và tầm vóc trẻ em 0-16 tuổi, nhất là vùng đồng bào dân tộc Mông.

Tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo tiêu chí nhà ở dân cư.

Huy động các nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án về nước sinh hoạt, xây dựng chuồng trại chăn nuôi và nhà tiêu hợp vệ sinh cho hộ nghèo, cận nghèo. Đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn.

Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở, xây dựng, củng cố hệ thống thông tin - truyền thông, các điểm cung cấp thông tin công cộng ở cơ sở; đảm bảo thông tin kịp thời đến người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Thực hiện có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân; tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận các hoạt động trợ giúp pháp lý, góp phần mở rộng việc thực thi dân chủ ở cơ sở.

Ngoài ra, Trấn Yên còn chủ động lồng ghép các nguồn lực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ