Sự trở lại của phim đặt hàng
Kể từ sau bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” sản xuất năm 2015, đến nay, điện ảnh Việt Nam mới có phim được Nhà nước đặt hàng. Được biết, bộ phim “Thạch Thảo” sẽ được Nhà nước tài trợ 70% chi phí (tổng chi phí sản xuất phim ước tính ban đầu là 15 tỉ đồng), 30% còn lại được lấy từ nguồn xã hội hóa huy động của đơn vị sản xuất. Phim dự kiến bấm máy vào cuối tháng 6 này và sẽ phát hành vào ngày 16/11 tại các cụm rạp trên toàn quốc.
Đây là bộ phim điện ảnh nói về đề tài học trò lưu bút tuổi 17 do Công ty Cổ phần Truyền thông và Giải trí Galaxy sản xuất. Nội dung phim kể lại kỷ niệm tuổi thanh xuân của những chàng trai, cô gái ở lứa tuổi 17 tuyệt đẹp, đề cao tình bạn, tình thầy trò, gia đình, tình yêu đôi lứa. Từ những câu chuyện mâu thuẫn, kịch tính xảy ra, bộ phim đề cao sự giúp đỡ lẫn nhau, cùng đối diện với những thử thách, khó khăn và tìm cách vươn lên trong cuộc sống.
Sự trở lại của phim do Nhà nước đặt hàng là những tín hiệu vui đem lại diện mạo mới cho điện ảnh nước nhà. Nhiều người quan tâm đến điện ảnh Việt đặt ra kỳ vọng, liệu sau phim “Thạch Thảo” cơ chế đặt hàng, đấu thầu phim đã được khai thông? Đây phải chăng là cơ hội cho các dự án khác nhau, ở nhiều đề tài, thể loại khác nhau đồng thời góp phần đưa dòng phim Nhà nước trở lại đường đua.
Tạo dấu ấn mới của dòng phim hợp tác
Hai năm liên tiếp, điện ảnh Việt Nam vắng bóng hoàn toàn những bộ phim Nhà nước đặt hàng trong các kỳ liên hoan phim và tại các rạp chiếu. Như một quy luật tất yếu, sau sự suy giảm dòng phim này là sự “lên ngôi” của dòng phim thị trường.
Theo thống kê của Cục Điện ảnh, năm 2015 có 41 phim được sản xuất, trong đó có 7 phim Nhà nước, 34 phim tư nhân. Năm 2016 có 35 phim được sản xuất đều hoàn toàn của tư nhân. Năm 2017, tình hình cũng tương tự năm 2016 khi không có một bộ phim Nhà nước nào được đầu tư sản xuất. Nhiều người lo ngại dòng phim Nhà nước đang đứng ngoài dòng chảy phát triển mạnh mẽ của điện ảnh Việt.
Vai trò của các hãng phim tư nhân là không thể phủ nhận trong điều kiện điện ảnh hội nhập thế giới hiện nay, nhưng việc vắng bóng của các bộ phim Nhà nước là một điều đáng lo ngại.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, sự chênh lệch quá nhiều giữa phim tư nhân và phim Nhà nước quả rất đáng lo ngại. Sự thiếu vắng phim Nhà nước khiến chúng ta có cảm giác như một mặt trận văn hóa có vai trò tuyên truyền hữu hiệu hiện nay đang bị buông bỏ. Để có dòng điện ảnh chủ lưu với các phim đề cập tới những vấn đề của đất nước, cuộc sống vẫn cần sự đầu tư của Nhà nước vào điện ảnh.
Thực tế, phim do Nhà nước đặt hàng vốn là một trong những dòng chảy chính của điện ảnh. Tuy nhiên, phim đặt hàng hiện đang vướng phải một loạt những yêu cầu, quy định liên quan đến cơ chế đấu thầu. Hầu hết các phim đặt hàng đều là phim tuyên truyền phục vụ các ngày lễ lớn, nhiều phim chiếu xong một lần rồi lại cất kho. Bên cạnh đó, nội dung thì khô cứng, giáo điều, phim “ngốn” hàng tỷ đồng tiền của Nhà nước, nhưng lỗ vẫn hoàn lỗ.
Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, nhằm khắc phục tình trạng thiếu vắng dòng phim Nhà nước, cần sự tăng cường hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân. Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” chính là một minh chứng cho sự hợp tác thành công đó. Và điều quan trọng nhất của sự hợp tác này là cơ hội tìm được những đạo diễn có tầm để có thể dung hòa được những nét đặc sắc của phim Nhà nước và sự nhanh nhạy của dòng phim thị trường.