“Mở khóa” kho báu của Đức Quốc xã ở Argentina

GD&TĐ - Năm 2017, nhà chức trách ở Argentina đã khám xét một ngôi nhà và thu giữ nhiều hiện vật mang tính nghệ thuật của Đức Quốc xã. Đây được xem là kho báu do những thuộc hạ của Hitler mang theo khi trốn chạy. Tuy nhiên, mới đây các báu vật này được cho là giả. Thực hư ra sao?

Một số vật lưu niệm của Đức Quốc xã được phát hiện ở Argentina.
Một số vật lưu niệm của Đức Quốc xã được phát hiện ở Argentina.

Kho báu trong phòng kín

Trước sự áp sát, siết chặt vòng vây của các lực lượng Đồng Minh, nhiều viên chức cao cấp của Đức Quốc xã đã tìm cách chạy trốn đến Nam Mỹ. Đầu tiên, họ đến Tây Ban Nha, rồi chuồn sang Argentina, mai danh ẩn tích, sống quanh quẩn tại thủ đô Buenos Aires.

Một thời gian sau, nhiều người lại tìm đường đến Peru, Brazil, Paraguay, Colombia, Bolivia và Uruguay. Người ta nghi ngờ, trên đường trốn chạy họ mang theo nhiều vật báu có liên quan đến chế độ mà họ từng phục vụ.

Vào ngày 8/6/2017, cảnh sát Argentina và Interpol bất ngờ đột kích vào một căn nhà ở Beccar, thuộc khu ngoại ô yên tĩnh dành cho tầng lớp sang trọng của Buenos Aires. Theo lời của một người chỉ điểm, nhà chức trách đã kiểm tra giá sách đặt tại một trong những căn phòng của ngôi nhà.

Và giống như trong phim, khi dời nó ra, cảnh sát phát hiện một lối đi bí mật đưa đến một căn phòng kín, nơi cất giấu các đồ tạo tác của Đức Quốc xã, có lẽ được mang đến Argentina bởi các thuộc cấp của Hitler.

Trong số 75 hiện vật được tìm thấy, đáng chú ý là một kính lúp, một con dao, một tượng bán thân Hitler và một huy chương có in chân dung quốc trưởng. Các nhà chức trách còn tìm thấy những bức ảnh của Hitler và một số vật dụng, rất có thể là các phương tiện để xác thực chúng.

Tuy nhiên, kỳ lạ nhất là một dụng cụ đo sọ não với tay cầm có hình chữ thập ngoặc. Về dụng cụ này, người ta cho rằng nó có liên quan đến khoa tướng số, dùng để đánh giá tính cách của con người qua kích thước và hình dạng hộp sọ, điều mà ngày nay nhiều người xem là nhảm nhí, nhưng nó từng được coi là rất có giá trị vào thời đó.

Là một tổ chức quan tâm đến các cơ sở sinh học của sự vượt trội, Đức Quốc xã được cho là đã tuyển mộ một số nhà nghiên cứu não tướng học vào hàng ngũ. Những người này sử dụng các công cụ như thiết bị đo sọ được tìm thấy ở Argentina để phát hiện các đặc điểm như trí thông minh và khả năng phạm tội của chính người Đức, đồng thời ở “những kẻ kém cỏi” mà họ hành hình.

Không có cách nào để biết chủ sở hữu đầu tiên của công cụ đo sọ não là ai, hoặc bằng cách nào mà thiết bị này đến được Argentina, nhưng có khả năng nó thuộc về “Thiên thần chết chóc” - TSJoseph Mengele.

Là một bác sĩ của Đức Quốc xã và là người tuyệt đối trung thành với Hitler, Mengele đã đích thân lựa chọn các tù nhân Do Thái cho các thí nghiệm y tế tàn bạo, khủng khiếp và lạnh lùng tống những người còn lại vào phòng hơi ngạt.

Sau chiến tranh, ông ta trốn sang Nam Mỹ, làm việc như một nông dân. Năm 1958, Joseph Mengele được nhập quốc tịch Paraguay dưới tên thật của mình. Hồ sơ cho thấy, ông ta từng sống ở Paraguay, Brazil và Argentina. Ông ta qua đời tại Brazil vào năm 1979 vì đột quỵ khi đang bơi.

Thiết bị y tế của Đức Quốc xã dùng để đo kích thước sọ.
Thiết bị y tế của Đức Quốc xã dùng để đo kích thước sọ. 

Thật giả khó phân

Mặc dù rất nhiều hiện vật của Đức Quốc xã đã được phát hiện ở Argentina và các khu vực khác ở Nam Mỹ, nhưng nhiều nhà sử học vẫn hồ nghi về giả thuyết cho rằng, những thành viên của Đức Quốc xã khi trốn chạy đã mang theo những món đồ này.

Họ cho rằng, hầu hết nhân viên cao cấp của Đức Quốc xã trốn khỏi châu Âu phải giấu tên và tìm cách đánh lạc hướng sự chú ý của mọi người nên thường chỉ mang theo rất ít hành lý, không có chỗ để nhét những vật quý giá hay các công cụ nghề nghiệp trước đây của họ.

Với các kỷ vật của Hitler hoặc các vật phẩm trang trí chữ thập ngoặc, họ sẽ cho tặng ngay lập tức để tránh rắc rối trên đường đào tẩu. Cũng có khả năng, các báu vật được giấu tại một nơi kín đáo và chuyển đến Nam Mỹ, sau khi những kẻ trốn chạy đã ổn định cuộc sống trên quê hương mới.

Qua phát hiện của cảnh sát Argentina, nhiều người đặt vấn đề là vì sao những kẻ đào tẩu này lại chấp nhận rủi ro, giữ bên mình những kỷ vật này khi Đức Quốc xã đã sụp đổ và bị cả thế giới lên án? Có thể họ tin rằng một khi đã an toàn ở Nam Mỹ, họ sẽ tập hợp và khởi động lại kế hoạch thống trị toàn cầu của người Aryan từ quê hương mới.

Trong trường hợp đó, các cựu quan chức Đức Quốc xã có thể muốn những vật lưu niệm từ nhà lãnh đạo mà họ tôn sùng trở thành nguồn cảm hứng, tạo động lực cho sứ mệnh khó khăn. Điều này là một minh chứng về sự tôn sùng mà Hitler có được từ những thuộc hạ của mình.

Sau cuộc đột kích vào ngôi nhà ở Buenos Aires năm 2017, các báu vật của Đức Quốc xã đã bị cảnh sát Argentina thu giữ và trưng bày tại trụ sở Phái đoàn các Hiệp hội Israel – Argentina ở Buenos Aires. Chúng sẽ được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Holocaust của Buenos Aires sau khi xác minh nguồn gốc rõ ràng.

Tuy nhiên, vào tháng 10/2019, bảo tàng nhận được báo cáo từ một đoàn chuyên gia quốc tế cho biết, đa số các báu vật trên là giả, được sản xuất sau năm 1945. Trong số các dấu liệu làm lộ chân tướng là nhiều lỗi chính tả trên các hiện vật, chữ khắc tên công ty giả và các địa điểm nơi chúng được tạo ra không thể thẩm tra.

Theo báo cáo, chỉ 10 trong số các đồ vật là hàng thật, được xác định sản xuất từ thời Đức Quốc xã, phần còn lại được thêm thắt bằng phù hiệu để kết nối chúng với đảng Quốc xã, sau khi chiến tranh kết thúc. TS Stephan Klingen, thuộc Viện Nghiên cứu Lịch sử nghệ thuật trung ương ở Munich, Đức, chuyên gia về kỷ vật cho biết: “Ý nghĩa lịch sử của những đồ vật này không cao. Có thể giả định rằng, những đồ vật này được tạo ra cho một thị trường sưu tập đang phát triển mạnh ở Nam Mỹ”.

Bảo tàng Holocaust ở Buenos Aires cho biết, các tác phẩm giả và những tác phẩm bị làm giả trong thời kỳ hậu chiến sẽ không được trưng bày.

Theo Historydailyvà Arnet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.