Hệ thống đường hầm bí mật
Khi Thế chiến thứ Hai đi vào giai đoạn cuối, một số nhân vật cao cấp trong hàng ngũ Đức Quốc xã nhận nhiệm vụ tìm nơi cất giấu kho báu ở khắp châu Âu cho chính phủ. Người ta tin rằng, nhiều của cải bị cướp bóc - đặc biệt là tài sản của những công dân Do Thái bị giam giữ hay hành hình - đã được chôn giấu trong lòng đất ở Ba Lan.
Niềm tin đó đến từ thông tin dưới dãy núi Owl xưa nhất của Ba Lan tồn tại một mê cung đường ngầm. Cấu trúc của chúng như thế nào và được bảo quản ra sao, không ai biết. Theo lời đồn, từ năm 1943 đến 1945, Adolf Hitler nhận thấy cuộc chiến đang có chiều hướng bất lợi với Đế chế thứ ba nên đã ra lệnh xây dựng những đường hầm ngầm, với lực lượng lao động là tù binh Đồng minh bị bắt trong chiến trận. Sau đó, những công trình ngầm này được bàn giao cho các lực lượng quân đội Quốc xã trấn giữ.
Hitler hy vọng việc phân tán các đội quân sẽ giúp Đức Quốc xã xoay chuyển tình thế và tránh được những cuộc oanh kích của Đồng minh gây tiêu hao nặng nề binh lực. Ông ta cho rằng, những đội quân ẩn mình dưới lòng đất thì không máy bay nào tìm thấy để ném bom.
Hệ thống ngầm này là một trong những kế hoạch về hạ tầng lớn nhất của Hitler, có tên là “Dự án Riese”, được tiến hành trong hai năm. Trong thời gian này, quân đội Quốc xã và tù binh Đồng minh đã đào hàng trăm km đường hầm bên dưới dãy núi Owl.
Hiện nay, sau hơn 70 năm, việc xây dựng các hầm ngầm vẫn còn là điều bí ẩn đối với các nhà sử học. Tại những khu vực mở của hệ thống ngầm này, người ta đã tìm thấy mọi thứ từ mũ lính, đến những bức thư, ảnh của các quân nhân Quốc xã. Nhưng đi sâu hơn, sẽ gặp nhiều chướng ngại vật cản lối hay gặp nước dâng cao. Người ta ước đoán còn đến hàng nghìn mét đường hầm trong lòng đất chưa được phơi bày.
Tàu hỏa vàng ở đâu?
Các nhà sử học không dám liều lĩnh khám phá hệ thống ngầm do những hạn chế về mặt an toàn. Tuy nhiên, những nhà thám hiểm, người yêu thích lịch sử và công dân Ba Lan luôn bị ám ảnh với những gì chất chứa trong các đường hầm dưới núi Owl.
Trong thập niên qua, lời đồn lan rộng về đoàn tàu hỏa của Quốc xã chất đầy kho báu đã trở thành trọng tâm chú ý của công luận. Nhiều người tin rằng, các lực lượng của Đức Quốc xã, trong cơn hoảng loạn vì thất bại trên chiến trường, lo sợ mọi người phát hiện kho báu cướp được nên đã giấu toàn bộ đoàn tàu hỏa chứa đầy kim cương, vàng, tác phẩm nghệ thuật và tiền của ở một nơi nào đó trong núi Owl. Thực tế, câu chuyện về đoàn tàu hỏa chứa 300 tấn vàng của Đức Quốc xã đã lan truyền từ giữa những năm 2010. Tháng 9/2015, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Ba Lan, Piotr Zuchowski, công bố thông tin gây sốc, rằng những hình ảnh radar chụp các đường hầm đã chứng minh “đoàn tàu hỏa ma” theo lời đồn hiện nằm trong lòng đất ở Ba Lan.
Tại thời điểm công bố thông tin này, nhiều người quan tâm đã hăm hở lên đường, theo dấu đoàn tàu chở của cải để tìm kiếm vận may. Đáng kể là hai nhà thám hiểm, Piotr Koper (người Ba Lan) và Andrea Richte (người Đức). Họ tự tin sẽ tìm ra kho báu và cam kết sẽ chuyển những thông tin cho chính quyền khi xác định được. Đổi lại, họ chỉ muốn được hưởng 10% của cải bên trong đoàn tàu hỏa này.
Nỗ lực bất thành
Vào tháng 8/2016, hai nhà thám hiểm đã thuê 33 người chuyên đào đất để giúp họ tiếp cận đoàn tàu tại ba địa điểm khác nhau trong khu vực được phong tỏa ở Walbrzych. Công việc của hai người đã gặp sự hoài nghi từ các nhà địa chất, khảo cổ và các tổ chức lịch sử, hàn lâm ở Ba Lan. Theo họ, có thể có đường hầm nhưng không thể có đoàn tàu hỏa giấu ở đó.
Việc xây dựng hệ thống đường hầm bí mật ở ngay cạnh một tuyến đường tàu lộ thiên thường xuyên có tàu qua lại là việc không thể. Họ cho rằng, “đoàn tàu chở vàng” chui vào lòng đất là chuyện hoang đường, đồng thời cảnh báo về những nguy hiểm khi khám phá đường hầm. Nếu thực sự có đoàn tàu, thì nó ắt thuộc về quân đội Quốc xã, có thể chứa vũ khí và bị gài chất nổ. Ngoài ra, khí methane có thể đã lan khắp đường hầm, gây ra nguy cơ phát nổ nếu bị tác động bởi máy móc từ bên ngoài.
Tuy nhiên, Koper và Richte không xem những chỉ trích là quan trọng, họ cứ tập trung vào công việc của mình. Bằng cách khoan sâu xuống lòng đất đã định vị, họ hy vọng sẽ cung cấp cho giới chức của Ba Lan những thông tin xác thực về “tàu hỏa vàng”. Trong nhiều tuần, họ vừa đào, vừa livestream cho mọi người theo dõi.
Thật không may, cuộc săn tìm kho báu được chuẩn bị rất kỹ đã đi vào ngõ cụt. Không ai tiến gần đến sự thật hơn Koper và Richte, nhưng vào một ngày nọ, họ phải thừa nhận không thể xác định “tàu hỏa vàng” của Quốc xã hiện ở đâu trong hệ thống các đường hầm. Những gì mà họ định vị, hóa ra là một khối đá, chứ chẳng phải tàu hỏa.
Không chán nản, họ tiếp tục thực hiện một số nỗ lực khác để tiếp cận chiếc xe bí ẩn, nhưng cuộc tìm kiếm ngày càng trở nên vô vọng.
Cho dù “đoàn tàu hỏa vàng” (nếu nó là thật) chưa được định vị, nhưng không phải tất cả đều trở nên vô nghĩa. Đất nước Ba Lan được hưởng lợi từ những ồn ào xung quanh việc săn tìm kho báu này. Ngành du lịch đã thu về hàng triệu đô la kể từ khi việc tìm kiếm “tàu hỏa vàng” của Đức Quốc xã được tiến hành. Du khách phần đông đến từ châu Âu, họ mong muốn chứng kiến tận mắt hệ thống đường hầm của Đức Quốc xã, và biết đâu, nếu may mắn họ sẽ được nhìn thấy “đoàn tàu chở vàng” huyền thoại.