Mô hình trường tiên tiến: Loay hoay tìm hướng đi riêng

GD&TĐ - Sau nhiều năm triển khai, mô hình trường tiên tiến tại TPHCM được các nhà quản lý, phụ huynh đánh giá cao về tính hiệu quả, chất lượng giáo dục.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10) trong tiết học được phép sử dụng điện thoại. Ảnh minh họa: NTCC
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10) trong tiết học được phép sử dụng điện thoại. Ảnh minh họa: NTCC

Tuy nhiên, đến nay một số quy định về mô hình này không còn phù hợp. Nhiều nhà quản lý kiến nghị, cần điều chỉnh một số tiêu chí, mức thu và cả sĩ số… để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn.

Lợi cho học sinh

Mô hình trường tiên tiến được thí điểm ban đầu tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) vào năm 2005. Sau gần 10 năm thí điểm, Sở GD&ĐT tổ chức đánh giá, tổng kết và tham mưu cho UBND TPHCM ra quyết định về tiêu chí trường mô hình tiên tiến vào năm 2014. Kế tiếp TP phê duyệt đề án xây dựng 3 trường THPT gồm Lê Quý Đôn (Quận 3), Nguyễn Du (Quận 10), Nguyễn Hiền (Quận 11) thực hiện mô hình nói trên từ năm học 2015 - 2016.

Đến năm học 2020 - 2021, toàn TP có 40 trường triển khai mô hình tiên tiến, mang đến cho học sinh môi trường học tập chất lượng cao với mức chi phí phù hợp, cụ thể hóa chủ trương xã hội hóa giáo dục của Nhà nước.

Những trường này có 3 khoản thu: Học phí (theo quy định hiện hành), các khoản thu thỏa thuận để thực hiện mô hình trường tiên tiến (không quá 1,5 triệu đồng/học sinh /tháng) và các khoản thu thỏa thuận khác (bán trú, xe đưa rước…) thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của liên ngành Giáo dục và Tài chính.

Khi xây dựng mô hình này, ngành GD-ĐT hướng đến ngôi trường có chất lượng tốt với mức học phí thấp hơn nhiều so với các trường quốc tế để học sinh TP có thêm cơ hội hưởng thụ chất lượng giáo dục tiên tiến, làm mũi nhọn để các trường phấn đấu, phát triển.

Thầy Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: Mô hình đã mang lại sự thay đổi trong công tác dạy và học. 100% giáo viên thay đổi phương pháp dạy học và sử dụng tốt các phương tiện, thiết bị dạy học hiện đại. Học sinh chuyển đổi từ lĩnh hội tri thức thụ động sang chủ động; có cơ hội phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự tìm tòi tư liệu mở rộng kiến thức theo sự hướng dẫn của giáo viên. Các em cũng được phát triển năng lực ngoại ngữ với đủ các kỹ năng và sử dụng thành thạo ứng dụng các phần mềm tin học, phát hiện và phát triển năng khiếu cá nhân.

Cô Nguyễn Thị Hồng Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi, huyện Nhà Bè, chia sẻ: Nhà trường thực hiện mô hình từ năm 2016. Sĩ số luôn đảm bảo nên thuận lợi trong công tác giáo dục. Trẻ phát triển năng lực phẩm chất, kỹ năng tốt hơn so với trước khi thực hiện mô hình. Thực hiện mô hình này, trường có nguồn thu để cải thiện và nâng cao điều kiện cơ sở vật chất. Năm 2020, trường đã nâng cấp từ chuẩn quốc gia cấp độ 1 lên cấp độ 2.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) trong buổi báo cáo dự án học tập. Ảnh minh họa: P.Nga
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) trong buổi báo cáo dự án học tập. Ảnh minh họa: P.Nga 

Giải pháp nào để mô hình phát huy hiệu quả?

Mô hình đã bước đầu nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của phụ huynh. Chất lượng giáo dục gắn với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị không ngừng nâng lên. Tuy nhiên, mức thu 1,5 triệu đồng/tháng hiện không còn phù hợp so với 5 năm trước. Vì vậy,  nhiều trường đề xuất TP nên tạo cơ chế cho các trường xây dựng mức thu phù hợp nhu cầu và thực tế từng đơn vị để nâng cao chất lượng dạy và học. Bên cạnh đó, cần có cơ chế tăng thêm thu nhập cho giáo viên để khuyến khích đội ngũ, cân bằng giữa chi cho cơ sở vật chất và con người.

Ngoài ra, học mô hình này học sinh phải đạt một số chỉ tiêu về chứng chỉ tin học quốc tế,  nhưng theo các nhà quản lý, yêu cầu này còn hơi cao. Theo cô Trần Bé Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (Quận 1), mục tiêu học sinh theo học mô hình tiên tiến đạt chuẩn quốc tế về ngoại ngữ (cụ thể là tiếng Anh) các trường có thể đạt được, nhưng yêu cầu về chuẩn tin học quốc tế khó thực hiện.

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp chia sẻ: Sĩ số học sinh/lớp theo mô hình trường tiên tiến là không được quá 30 học sinh/lớp, trong khi đó phòng ốc hiện nay xây dựng theo tiêu chuẩn mới có diện tích khá rộng. Một số đơn vị trên địa bàn đề xuất nâng chuẩn sĩ số từ 30 lên 40 học sinh/lớp để tăng thêm khoản thu, tạo nguồn đầu tư cơ sở vật chất, giảm đầu tư Nhà nước.

Trước những kiến nghị của các trường, lãnh đạo Sở GD&ĐT TP cho hay, nhằm tháo gỡ những khó khăn trước mắt, ngành GD-ĐT sẽ kiến nghị UBND TP cho phép điều chỉnh sĩ số học sinh/lớp của các trường đang thực hiện mô hình trường tiên tiến, mở rộng đối tượng thụ hưởng trên cơ sở tự nguyện của phụ huynh. Cụ thể, bậc mầm non bình quân 30 học sinh/lớp, tiểu học không quá 35 học sinh/lớp, THCS và THPT không quá 40 học sinh/lớp.

Theo ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, sau hơn 15 năm thí điểm, nhiều tiêu chí xây dựng mô hình trường tiên tiến cần tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tế xã hội. Sở GD&ĐT trên cơ sở xem xét tính khả thi, tình hình thực tiễn đề xuất các quy định về sĩ số học sinh trên lớp, mức thu, lộ trình triển khai mô hình phù hợp, trong đó có tính đến sự liên thông giữa các bậc học, không làm ảnh hưởng quyền lợi học sinh. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.