Mục tiêu của mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế tại TP.HCM (gọi tắt là trường tiên tiến) hướng đến giúp học sinh: Hứng thú học tập, chủ động, tích cực, sáng tạo, biết san sẻ, học hỏi lẫn nhau;
Được phát huy tối đa năng khiếu, được rèn luyện phẩm chất, trau dồi kỹ năng thực hành xã hội. Được tiếp cận với phương pháp GD hiện đại, được tiếp cận với những công nghệ tiên tiến;
Được trang bị kỹ năng ngoại ngữ, tin học theo chuẩn quốc tế, nhưng vẫn mang bản sắc dân tộc.
Theo đó, khi xây dựng mô hình này, ngành GD-ĐT hướng đến ngôi trường có chất lượng tốt với mức học phí thấp hơn nhiều so với các trường quốc tế để học sinh Thành phố có thêm cơ hội hưởng thụ chất lượng giáo dục tiên tiến, làm mũi nhọn để các trường phấn đấu, phát triển. Năm 2005, Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) được lựa chọn thực hiện thí điểm đầu tiên mô hình này.
Sau gần 10 năm thí điểm, Sở GD-ĐT đã tổ chức đánh giá, tổng kết và tham mưu cho UBND TP.HCM ra quyết định về tiêu chí trường mô hình tiên tiến vào năm 2014. Và kế tiếp là phê duyệt đề án xây dựng Trường THPT Lê Quý Đôn, Trường THPT Nguyễn Du, THPT Nguyễn Hiền thực hiện mô hình nói trên từ năm học 2015-2016.
Về mức thu, ở trường mô hình tiên tiến xác định gồm 3 khoản thu: Học phí theo quy định hiện hành; các khoản thu đề thực hiện mô hình trường tiên tiến là 1.5 triệu đồng/tháng/học sinh và các khoản thu thoả thuận khác (bán trú, xe đưa rước…) thực hiện theo các văn bản hướng dẫn liên ngành.
Sau năm học 2015-2016, mới ban đầu chỉ có 3 trường THPT thực hiện mô hình nói trên, đến nay, số đơn vị xây dựng để thực hiện theo đề án này càng tăng. Tính đến năm học 2020-2021 có 40 trường, trong đó có 16 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 8 trường THCS và 3 trường THPT.
Về số học sinh đang theo học mô hình trường tiên tiến là 4.915 học sinh ở bậc mầm non, 9.273 học sinh tiểu học, 6.000 học sinh THCS và 4.049 học sinh THPT.
Được biết, tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 10 trường ở các quận, huyện đăng kí thực hiện mô hình này ở thời gian tới.