Mô hình nông sản sạch giúp nông dân người Thái thoát nghèo

GD&TĐ - Táo bạo đưa một số cây nông sản về bản trồng đã giúp gia đình anh Ngân Văn Học (huyện Quan Sơn) thoát nghèo, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Anh Học là người đầu tiên đưa mô hình nông sản sạch về bản. (Ảnh: NT).
Anh Học là người đầu tiên đưa mô hình nông sản sạch về bản. (Ảnh: NT).

Mô hình nông sản sạch đầu tiên ở vùng đặc biệt khó khăn

Là người đầu tiên đưa mô hình nông sản sạch về bản để phát triển kinh tế, anh Nông Văn Học (SN 1986, bản Chung Sơn, xã Sơn Thuỷ) không chỉ thành công giúp gia đình thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Theo anh Học, trước đây gia đình anh có quỹ đất lớn tuy nhiên trồng nhiều loại cây không cho giá trị kinh tế cao. Nắm bắt được nhu cầu người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tìm kiếm nguồn thực phẩm an toàn, anh Học mạnh dạn chuyển đổi 1ha diện tích đất ruộng của gia đình và chuyển đổi đất lâm nghiệp sang trồng rau xanh.

Cây dưa chuột cho hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: NT).

Cây dưa chuột cho hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: NT).

Với hơn 1ha đất nông nghiệp anh đã phát triển mô hình nông sản sạch, với những loại cây trồng như: khoai môn, dưa chuột, cà tím, rau cải, mướp đắng, nho sữa... Ngoài ra, gia đình còn nuôi ốc nhồi thương phẩm.

Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm, lại thiếu vốn, anh cũng gặp không ít khó khăn, tuy nhiên nông dân người Thái cho biết đã nỗ lực tìm kiếm thông tin trên mạng internet từ khâu làm đất, chọn giống, đến chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh và xin nguồn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách, anh dần dần hoàn thiện mô hình của gia đình.

Không dừng lại ở việc trồng đơn thuần, anh Học đầu tư làm 1 nhà lưới, diện tích 200m2 trồng dưa leo. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình này, đầu năm 2021, anh tiếp tục vay 99 triệu đồng từ nguồn vốn thanh niên khởi nghiệp do Tỉnh đoàn ủy thác cho vay tại ngân hàng chính sách xã hội. Với số vốn được vay, cộng với nguồn vốn tiết kiệm, tích cóp từ các nguồn khác của gia đình, anh đầu tư mở rộng thêm 800m2 diện tích nhà lưới để trồng bí xanh, dưa lào…

“Trước đây, việc sản xuất rau của gia đình toàn dựa vào kinh nghiệm, từ năm 2016 đến nay, gia đình anh Học được hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn, nhờ vậy, đã tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, nhất là giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, nông dân Ngân Văn Học chia sẻ.

Cũng theo anh Học, mô hình nông sản này mang hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng lúa và một số cây ăn quả khác, mỗi năm trừ hết chi phí gia đình cũng thu về hàng trăm triệu đồng.

Nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả

Mô hình của gia đình anh Học khiến nhiều bà con quanh vùng mong muốn được tiếp cận, học hỏi, anh Học không ngại ngần chia sẻ kinh nghiệm cũng như kỹ thuật, giống tới bà con.

Mô hình nông sản khiến nông dân người Thái thoát được nghèo, vươn lên làm giàu. (Ảnh: NT).

Mô hình nông sản khiến nông dân người Thái thoát được nghèo, vươn lên làm giàu. (Ảnh: NT).

UBND xã Sơn Thủy đã chỉ đạo các bản vận động nhân dân, khuyến khích nhân dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất rau an toàn tập trung.

Bên cạnh đó, tuyên truyền đến người dân hạn chế việc sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó là dùng phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học để thay đổi hướng sản xuất, trồng rau an toàn, tuyên truyền vận động nhân dân nghiên cứu trồng rau có quy mô tập trung, để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Lữ Văn Tiên, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy cho biết, hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu rau sạch, xã đang vận động và hỗ trợ bà con nhân rộng mô hình trồng rau của anh Ngân Văn Học. Đồng thời, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, liên kết với các HTX, doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm.

Trong đó, hướng tới các thị trường ở các huyện lân cận và trong tỉnh; lập kế hoạch xây dựng các cửa hàng bán rau, củ, quả sạch tại các điểm chợ, triển khai các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Nhà nước để tạo điều kiện cho bà con phát triển trồng đa dạng các loại rau màu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất rau sạch, an toàn. Phát huy tiềm năng, lợi thế, xã Sơn Thủy phấn đấu mở rộng diện tích trồng rau tập trung.

UBND huyện Quan Sơn cũng cho biết, cùng với xã Sơn Thủy, huyện này cũng đang hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu rau sạch, vận động và hỗ trợ bà con nhân rộng mô hình trồng rau an toàn.

Bên cạnh đó chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, liên kết với các HTX, doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho bà con, kiên quyết không để sản phẩm của bà con khi thu hoạch bị ứ đọng.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất theo hướng an toàn, sản phẩm đạt tiêu chuẩn, từng bước xây dựng thương hiệu cho rau an toàn trên toàn huyện Quan Sơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thay lời tri ân 2024 - Hy vọng

Thay lời tri ân 2024 - Hy vọng

GD&TĐ - Chương trình Thay lời tri ân năm 2024 với chủ đề ‘Hy vọng” được truyền hình trực tiếp từ 20h10 ngày 17/11 trên kênh VTV1.