Huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc): Nhiều mô hình giảm nghèo phát huy hiệu quả

GD&TĐ - Huyện Sông Lô đã huy động cả hệ thống chính trị và người dân tham gia thực hiện các chính sách về giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Do vậy, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đạt được những kết quả thiết thực.

Diện mạo nông thôn tại huyện Sông Lô ngày một đổi thay
Diện mạo nông thôn tại huyện Sông Lô ngày một đổi thay

Sông Lô là huyện miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong những năm qua, huyện Sông Lô đã dành nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo, giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Các chính sách đối với người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được triển khai hiệu quả, giúp người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, UBND huyện Sông Lô đã ban hành các Kế hoạch như: Kế hoạch điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo; Kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; Văn bản triển khai ký cam kết giao chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm; Văn bản hướng dẫn rà soát, tổng hợp số liệu hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều mới có khó khăn về nhà ở; Văn bản hướng dẫn lập danh sách hộ thoát nghèo đề nghị hỗ trợ vay vốn tín dụng; Văn bản đề nghị lập danh sách người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc sống tại vùng kinh tế khó khăn đề nghị cấp thẻ BHYT...

UBND huyện Sông Lô cũng thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo  thực hiện chương trình giảm nghèo do đồng chí Phó Chủ tịch UBND  huyện làm Trưởng ban, đồng chí Trưởng phòng Lao động - TBXH làm Phó ban thường trực; Thành viên Ban chỉ đạo còn có các ngành chức năng của huyện như: Thống kê,  Kinh tế- hạ tầng, Giáo dục và đào tạo, Ngân hàng chính sách xã hội, Tài chính- Kế hoạch; Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Hội phụ nữ, Hội CCB, Hội nông.. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, xây dựng kế hoạch theo chức năng nhiệm vụ của ngành, lập kế hoạch hoạt động chi tiết để tổ chức thực hiện tốt các chính sách đối với người nghèo.

Hàng năm, căn cứ mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa II, nhiệm kỳ 2015-2020, Kế hoạch của UBND huyện giao chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm với mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 1% đến 1,5% trở lên, giao cho các xã, thị trấn, yêu cầu các thành viên BCĐ phụ trách các xã, theo dõi, chỉ đạo, chịu trách nhiệm thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu giảm nghèo theo kế hoạch được giao.

Trên cơ sở số hộ nghèo hàng năm, phân tích thực trạng, nguyên nhân nghèo của hộ nghèo tại các xã, thị trấn, đề ra những giải pháp tích cực nhằm phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống để thực hiện tốt chương trình, kế hoạch giảm nghèo đề ra.

Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các thành viên ban chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện, các phòng, ban, cơ quan liên quan thực hiện tốt các chính sách xã hội, đẩy mạnh thực hiện chương trình, kế hoạch giảm nghèo góp phần vào sự thành công Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II, tạo sự chuyển biến tích cực trong đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân, đặc biệt là xây dựng ý thức tự vươn lên của các hộ gia đình nghèo, người nghèo tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tích cực tuyên truyền các chính sách về việc làm nhằm thay đổi nhận thức của một bộ phận nhân dân về lao động việc làm; làm tốt công tác vận động và thực hiện có hiệu quả nguồn xã hội hoá công tác giảm nghèo theo hướng nhà nước, cộng đồng xã hội hỗ trợ và bản thân hộ gia đình nghèo, người nghèo tự vươn lên nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững.

Chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức điều tra, rà soát hộ gia đình nghèo, người nghèo và hộ cận nghèo đảm bảo đúng quy trình, quy định; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát giảm nghèo tại các xã, thị trấn và báo cáo đánh giá kết quả định kỳ 6 tháng, hàng năm và cả giai đoạn.

Sông Lô có tiềm năng về du lịch, giúp người dân thoát nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống
Sông Lô có tiềm năng về du lịch, giúp người dân thoát nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống

Các chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách như: Chính sách tín dụng hộ nghèo, hỗ trợ y tế, hỗ trợ về giáo dục, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hỗ trợ về nhà ở, chính sách hỗ trợ lao động nghèo đào tạo nghề miễn phí, tạo việc làm, XKLĐ... được thực hiện xuyên suốt, minh bạch và hiệu quả.

Nhiều mô hình giảm nghèo được áp dụng đạt hiệu quả cao tại các xã, thị trấn giúp nhiều hộ gia đình là hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo, các mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả cao như: nuôi bò, lợn, gà... hỗ trợ xây nhà mái ấm tình thương, xây dựng quỹ hội, phường họ, phát triển kinh tế giúp nhau giảm nghèo, thành lập Câu lạc bộ làm kinh tế…

Có thể khẳng định, qua triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo, huyện Sông Lô đã thu được những kết quả đáng kể, tạo được sự chuyển biến trong nhận thức cán bộ và nhân dân; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân đã được nâng lên rõ rệt, cơ sở vật chất xã hội như: trạm y tế, trường học, đường giao thông được cải thiện, việc chăm sóc sức khỏe khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân được chú trọng, người nghèo khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây mới ổn định cuộc sống, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đây là tiền đề để thúc đẩy công tác giảm nghèo bền vững trong những năm tiếp theo.

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo của huyện, đầu năm 2016 có tổng số 1.923 hộ nghèo, chiếm 7,34%; hộ cận nghèo có 1.475 hộ, chiếm 5,63%. Đầu năm 2017 có tổng số 1.566 hộ nghèo, chiếm 5,84%; hộ cận nghèo có 1.361 hộ, chiếm 5,07%. Đầu năm 2018 có tổng số 1.204 hộ nghèo, chiếm 4,37%; hộ cận nghèo có 1.270 hộ, chiếm 4,61%. Đầu năm 2019 có tổng số 809 hộ nghèo, chiếm 2,84 %; hộ cận nghèo có 1.057 hộ, chiếm 3,71%. Đầu năm 2020 có tổng số 511 hộ nghèo, chiếm 1,76 %; hộ cận nghèo có 979 hộ, chiếm 3,36%.

“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.