Theo đó, đặt vấn đề về mô hình giờ học Ngữ văn theo quan điểm tích hợp, thầy Nguyễn Quang Cương đã đưa ra 3 hoạt động, đó là: Tổ chức cho học sinh (HS) huy động tối đa tất cả vốn văn hoá, kinh nghiệm sống và sự từng trải của cá nhân trong giờ học văn;
Hướng dẫn HS vận dụng những yếu tố ngoài văn bản để soi sáng cho các kết quả phân tích từ văn bản;
Hướng dẫn học sinh tìm hiểu các giá trị của tác phẩm thông qua những yếu tố nằm trong văn bản, thuộc về cấu trúc văn bản.
Sử dụng hiệu quả tiếng mẹ đẻ để khám phá tác phẩm
Khẳng định phân tích tác phẩm văn học trước hết và chủ yếu là phân tích các yếu tố nằm trong văn bản, thuộc về cấu trúc văn bản, thầy Nguyễn Quang Cương cho rừng, tích hợp trong giờ văn trước hết là biết vận dụng một cách có hiệu quả các tri thức về ngôn ngữ và tiếng mẹ đẻ vào việc phân tích, khám phá tác phẩm văn học.
Tách rời việc học văn với học tiếng là tạo cho học sinh thói quen bình tán văn học mà không dựa vào sự hiểu biết đích thực về văn bản tiếng Việt, và mặt khác, không có năng lực đọc hiểu văn bản tiếng Việt, học sinh không thể tự mình hiểu và thưởng thức các tác phẩm tiếng Việt khác.
Đọc kĩ văn bản văn học, học sinh sẽ học tiếng Việt ở các mẫu mực biểu đạt của các bậc thầy văn hoá. Đồng thời, học tốt việc đọc văn sẽ giáo dục cho học sinh ý thức tôn trọng tính khách quan của văn bản, và rèn luyện tính trung thực, không tuỳ tiện thay đổi văn bản của người khác vì động cơ cá nhân của mình.
Chỉ khi nào ý thức được sâu sắc việc tích hợp chặt chẽ các yếu tố hình thức nghệ thuật, trước hết là nghệ thuật ngôn từ, thì giờ văn mới thực sự trở thành một giờ học tích hợp theo đúng nghĩa của nó.
Vận dụng yếu tố ngoài văn bản
Hình thành và rèn luyện cho HS biết vận dụng các yếu tố ngoài văn bản này để soi sáng cho các kết quả phân tích từ văn bản, theo thầy Cương, thực chất là đã dạy học văn theo nguyên tắc tích hợp.
Nếu biết hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm thì việc phân tích và khai thác các tác phẩm này sẽ có thêm nhiều điều thú vị và sâu sắc.
Qua các kì thi, nhiều HS do không chú ý văn học sử nên chẳng những không vận dụng được những kiến thức này để hiểu sâu hơn, đánh giá chính xác hơn tác phẩm văn học mà còn mắc nhiều lỗi không đáng mắc.
Chính vì thế, Nguyễn Quang Cương cho rằng, việc chú ý hướng dẫn HS tập vận dụng những hiểu biết về lịch sử văn học; lý luận văn học và văn hóa không chỉ là hình thành kiến thức, kiến văn rộng rãi, mà còn giúp người học rèn luyện kĩ năng phân tích, cảm thụ, tiếp nhận TPVH một cách tổng hợp, tích hợp theo yêu cầu của chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn mới.
Phát huy tối đa kinh nghiệm sống
Thầy Cương quan niệm, giờ văn theo tinh thần tích hợp không chỉ gói gọn ở các hình thức nghệ thuật ngôn từ trong văn bản, kết hợp với những hiểu biết về các yếu tố ngoài văn bản, mà người thầy còn biết khơi dậy ở HS những liên hệ, liên tưởng giữa hình tượng trong tác phẩm với vốn sống, vốn văn hoá và sự từng trải của cá nhân mình.
Liên hệ, liên tưởng này sẽ tạo nên sự cộng hưởng, cộng cảm giữa hình tượng nghệ thuật (ý nghĩa khách quan) - tư tưởng, ý đồ nhà văn (chủ thể sáng tạo); cách hiểu và cảm của giáo viên (chủ thể truyền thụ) và tâm hồn, tình cảm của người đọc (chủ thể tiếp nhận).
Sự cộng hưởng và tác động qua lại sẽ tạo nên những lớp nghĩa mới cho văn bản nghệ thuật. Và như thế cùng học một văn bản nhưng có bao nhiêu HS là có bấy nhiêu kết hợp cộng cảm.
Kết quả là sẽ có rất nhiều kết quả tiếp nhận khác nhau, làm đa dạng và phong phú thêm cho ý nghĩa của hình tượng nghệ thuật.
Điều này khác hẳn với cách dạy học một chiều: Thầy giảng, trò tiếp thu một cách thụ động qua thầy. Kết quả là tất cả HS chỉ có chung một hình tượng theo cách hiểu của thầy.
Ý thức được điều đó, trong giờ học văn, giáo viên không bao giờ áp đặt cách hiểu duy nhất của mình, không độc tôn một ý kiến, một nhận xét của một cá nhân nào đó, mà luôn kêu gọi, gợi mở để mỗi HS tự nêu lên những nhận xét, cảm nhận của cá nhân.
Những kết quả tiếp nhận của HS không phải bao giờ cũng trùng khít lên ý nghĩa khách quan và ý đồ, tư tưởng của chủ thể sáng tạo, nhưng nó cũng không đi ngược hẳn với các giá trị đó. Kết quả tiếp nhận có thể khác nhau rất xa, nhưng vẫn cùng hướng, cùng chiều...
Để thiết kế được một giờ học theo quan điểm tích hợp như thế, thầy Nguyễn Quang Cương cho rằng, trước mỗi văn bản tác phẩm được dạy, người giáo viên cần chú ý khai thác và trả lời các vấn đề cơ bản sau đây:
- Những hiểu biết về tiếng Việt và ngôn ngữ học cần có để phân tích, soi sáng, làm nổi bật nội dung của tác phẩm này là gì? (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, tu từ, đoạn văn, văn bản...).
- Những hiểu biết về lý luận văn học, lịch sử văn học và các yếu tố khác ngoài văn bản nào góp phần soi sáng cho việc tìm hiểu phân tích tác phẩm văn học này?
- Những vấn đề nào đặt ra trong tác phẩm dành cho sự cảm nhận riêng biệt của mỗi học sinh ?
- Tổ chức giờ học như thế nào để tích hợp được tất cả các tri thức và kĩ năng đã nêu?