Theo Bộ Công thương, nguồn cung và giá cả các mặt hàng nhìn chung ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Giá cả một số hàng hoá thiết yếu có tăng nhẹ phù hợp với quy luật cung cầu thị trường, song không có đột biến.
Theo phong tục truyền thống, ngày mùng 1 Tết, người dân thường đi lễ đầu năm tại đền, đình, chùa, nên các mặt hàng được tiểu thương bày bán và được tiêu thụ chủ yếu là hoa, quả tươi, bánh kẹo phục vụ cúng, lễ. Tuy nhiên, năm nay nhu cầu ít hơn, do người dân lo ngại lây nhiễm dịch COVID-19, hạn chế đi lễ.
Theo khảo sát của phóng viên báo Tin tức, tại khu vực phố Bạch Mai, Nguyễn Cao và Chợ Đại Từ, Linh Đàm (Hà Nội), lác đác một số quầy bán rau, thịt đã mở bán, nhưng người tiêu dùng chủ yếu mua rau các loại.
Tại chợ “cóc” đầu ngõ Lò Lợn, phố Bạch Mai, bà N.T.Thắm, tiểu thương bán rau cho biết: “Tết năm nay, thời tiết ấm, nên giá các loại rau, củ quả không tăng nhiều. Nếu như ngày thường, giá rau bắp cải là 12.000 đồng/kg thì nay là 15.000 đồng/kg; trứng gà ta là 30.000 đồng/10 quả; giá rau muống 12.000 đồng/mớ, không tăng so với ngày thường; giá chanh vẫn duy trì 10.000 đồng/3 quả...”.
Dọc phố Nguyễn Cao ngày mùng 2 Tết, chỉ có 3 quầy bán rau và 1 quầy bán đồ khô. Theo chia sẻ của tiểu thương nơi đây, lượng khách mua không nhiều. Chỉ có giá rau sống biến động hơn, do nhu cầu tăng, giá bán hiện nay 50.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg so với trước Tết; cà chua là 30.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; nấm kim châm nông sản Thực Chung tăng hơn chút so với ngày thường, giá 25.000 đồng/2 lạng, gói nhỏ hơn là 15.000 đồng...
Do vẫn trong kỳ nghỉ Tết, nhiều cơ sở sản xuất bánh bún, phở chưa hoạt động, nên giá bán có tăng hơn so với trước. Dọc tuyến phố Bạch Mai, một số quầy bán bánh phở, bún đồng loạt bán 12.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với trước; trên phố Lò Đúc, Nguyễn Cao, giá phở, bún là 20.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng/kg so với trước...
Tại các thành phố lớn, một số trung tâm thương mại, siêu thị đã mở cửa xuyên Tết phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân như: Aeon Mall hay một số chuỗi hệ thống cửa hàng tiện lợi Circle K, Family Mart, B’s mart, 24h Cheers. Ngày 13/2, một số siêu thị cũng bắt đầu mở bán như: Big C, Saigon Co.op, MM Mega Market... Hàng hoá tại siêu thị đầy ắp, nhưng vắng khách.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính gửi Văn phòng Chính phủ, giá cả mùng 1 Tết không biến động nhiều, do hầu hết các gia đình vẫn còn thực phẩm dữ trữ mua chuẩn bị trước Tết.
Tại TP Hồ Chí Minh, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại nghỉ Tết, riêng Trung tâm thương mại Aeon Mall, Lotte vẫn mở cửa, phục vụ khách hàng từ 11 giờ đến 22 giờ. Tại các chợ đầu mối và chợ lẻ, hầu hết các quầy đều nghỉ Tết, chỉ có một số ít tiểu thương mở cửa bán lấy ngày, chủ yếu là các mặt hàng rau củ quả, trái cây…
Trong ngày đầu năm mới tại TP Đà Nẵng, hoạt động kinh doanh buôn bán chưa thực hiện do các chợ, siêu thị còn đóng cửa, chưa hoạt động. Giá dịch vụ trông giữ xe máy ở một số điểm do Ban Quản lý chợ quản lý, thu theo đúng giá quy định của UBND TP Đà Nẵng. Một số cửa hàng thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người đã mở cửa, bán đúng theo giá niêm yết, không có biến động so với trước Tết.
“Nhu cầu mua sắm của người dân sẽ dần hồi phục trở lại sau Tết, tập trung chủ yếu vào mặt hàng rau xanh và cá, nên giá các mặt hàng này có thể tăng giá nhẹ. Các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp nhất là đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gia cầm, hải sản; các dịch vụ trông giữ xe, giải trí, ăn uống, đi lại phục vụ dịp lễ, tết; đồng thời, tiếp tục theo dõi và làm tốt các biện pháp phòng chống dịch tại các địa điểm đông người như chợ, trung tâm thương mại, khu vui chơi…”, báo cáo Bộ Tài chính nêu rõ.
Còn theo báo cáo nhanh của lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công thương), ngày mùng 1 Tết, nhìn chung các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết...