Dễ như mua phụ gia thực phẩm

GD&TĐ - Các loại phụ gia thực phẩm (PGTP) không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, độc hại làm cho bắt mắt, ngon miệng... nhưng lại gây hại khôn lường đến sức khỏe khi sử dụng. 

Dễ như mua phụ gia thực phẩm

Phần vì lợi nhuận trước mắt, phần vì buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng nên mặt hàng phụ gia độc hại, không rõ nguồn gốc hiện được bán tràn lan ở hầu hết các chợ truyền thống, chợ đầu mối, các cửa hàng nhỏ lẻ... trên khắp phố phường Hà Nội.

Mua dễ hơn mua kẹo

Chợ đầu mối Đồng Xuân, chợ Bắc Qua (Hà Nội) xưa nay vẫn được coi là một trong những chợ bán PGTP lớn nhất Thủ đô với hàng ngàn sản phẩm.

Trong vai người chuẩn bị mở quán cơm bình dân, chúng tôi đến chợ Đồng Xuân và dạo quanh một vòng thấy PGTP ở đây rất phong phú từ các loại gia vị phổ biến cho các bà nội trợ như gia vị nấu lẩu, xốt tiêu, hoa hồi, mì chính, đường...

Còn với người mua phụ gia để chế biến thực phẩm bán hàng thì có các loại phụ gia hương vị tinh bò, phụ gia để pha nước cam, café, trà chanh…

Giá cả của mỗi loại phụ gia này cũng rất rẻ chỉ từ 70.000 – 150.000 đồng/gói/kg, chai nhựa, thủy tinh (lít) hoặc can... Nhưng tất cả đều “3 không” – không nguồn gốc, không nhãn mác, không hạn sử dụng.

Tuy nhiên, khi hỏi về công dụng của một số phụ gia hóa chất mà chúng tôi cần mua để chuẩn bị mở hàng ăn, ngay lập tức nhận được những ánh mắt dò xét và lắc đầu nói không có. Sau ánh mắt quan sát, một chủ cửa hàng nói, “ở đây không ai bán bột diêm hay hàn the gì gì đâu, đi chỗ khác mà hỏi”.

Dò hỏi thêm mấy sạp hàng khác chúng tôi đều nhận được những cái lắc đầu, tuy nhiên khi tìm đến một số cửa hàng đồ khô khác nằm ở ngay phía ngoài chợ (đường Nguyễn Thiện Thuật – Cầu Đông) thấy hầu như tất cả các cửa hàng đều bày bán rất nhiều loại bột PGTP được đóng trong túi ni lông, chai nhựa, chai thủy tinh thậm chí cả những can 5 - 10 lít.

Dừng ở một cửa hàng nằm ngay góc ngã ba đường Nguyễn Thiện Thuật – Cầu Đông, chúng tôi vào và hỏi mua bột diêm về để hầm xương nấu phở, ngay lập tức chủ cửa hàng (một phụ nữ khoảng ngoài 40 tuổi) đưa ngay một loại bột trắng, không mùi, giá bán lẻ là 90.000 đồng/kg, đồng thời chị nói thêm - nếu mua nhiều sẽ được giảm giá.

Hỏi cách sử dụng loại bột này, chủ cửa hàng cho biết: “Nếu hầm thịt hay hầm xương em chỉ cần cho khoảng 2 thìa cà phê (tùy nước nhiều hay ít) là sau nửa tiếng sẽ mềm ngay lập tức”. Khi hỏi về hạn sử dụng của số bột trên, chủ cửa hàng lắc đầu “lâu nay bán không ai hỏi nên cũng không để ý”.

Khi tôi thắc mắc về giá hơi cao so với các cửa hàng khác, chị ta cau mày nói: “Trả lại đây, không mua thì thôi, hỏi nhiều, đợt này cơ quan chức năng bắt và xử phạt suốt, làm gì có hàng mà bán”.

Cần gì cũng có

Tìm hiểu về bột làm nhừ (bột diêm), chúng tôi được anh bạn là chủ một nhà hàng có tiếng trên đường Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) cho biết:

“Bột diêm hay còn gọi là bột nhừ thường được các quán lẩu, phục vụ đồ ăn nhanh sử dụng vì tiết kiệm được thời gian nấu và thịt xương rất nhanh nhừ.

Còn đa số các cửa hàng phở, bún, miến... hiện nay ít dùng hơn vì dùng nước sẽ không được trong, khách hàng tinh ý sẽ nhận biết rất nhanh”.

Không chỉ ở các tuyến phố bán hàng đồ khô quanh chợ Đồng Xuân, chúng tôi có mặt ở các tuyến phố như Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông (Hà Nội) hỏi chủ các cửa hàng bán đồ khô ở đây để mua gia vị về nấu lẩu, phở... họ đều trả lời có bán và quảng cáo luôn là gia vị lẩu cay, phở bò, gà thơm... và đặc biệt màu nước lẩu rất đẹp với giá chỉ 10.000 - 12.000 đồng/gói.

Qua quan sát, tất cả những loại gia vị mà những người bán hàng giới thiệu đều in bằng chữ Trung Quốc và được đựng trong túi ni lông trắng sơ sài, nhòe nhoẹt, không có nơi sản xuất nhưng thành phần chất dinh dưỡng thì lại rất phong phú...

Không chỉ có PGTP làm phở, lẩu... mà các cửa hàng này còn bán rất nhiều hương liệu chế biến nước uống, nước giải khát như: Cà phê, ca cao, nước cam, trà chanh, sữa đậu nành...

Hỏi về việc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, chủ một cửa hàng trên phố Hàng Bồ nói: “Một số hàng hóa bán ở cửa hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng do công ty trong nước phân phối, việc gỡ bỏ nhãn mác chỉ là thủ thuật của cửa hàng để khách không biết nguồn gốc nơi cửa hàng nhập về để cạnh tranh trên thị trường...”.

Chế tài cần thiết

Tại kỳ họp thứ 10 vừa qua của Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thông qua Bộ Luật Hình sự (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Trong số đó, điều 193 đã quy định một cách rất chi tiết và khung hình phạt tăng nặng hơn đối với tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực - thực phẩm và PGTP.

Đặc biệt, điều luật này đã bổ sung quy định xử lý hình sự các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả là PGTP, một tội danh mà trước đây thường chỉ bị xử phạt hành chính.

Cụ thể, bất kỳ tội sản xuất, buôn bán hàng giả là PGTP theo danh mục do Bộ Y tế quy định như các chất tạo hương… hoặc tạo vị (điều vị) như bột ngọt (mì chính)… thì đều bị phạt tù từ 2 - 5 năm; hơn nữa, tùy theo từng trường hợp vi phạm cụ thể, khung hình phạt có thể tăng nặng lên từ 5 - 10 năm, 10 - 15 năm, 15 - 20 năm và cao nhất là mức án tù chung thân...

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết có thể thấy trên thực tế tình trạng PGTP không rõ nguồn gốc vẫn xuất hiện tràn lan, công khai ở nhiều chợ khu vực nội thành như hiện nay cho thấy, công tác quản lý của các cơ quan chức năng còn nhiều lỏng lẻo.

Bởi đây chính là những “kho” chất phụ gia thiếu an toàn, độc hại mà hầu hết chúng, bằng cách này hay cách khác, rồi cũng sẽ chui vào bụng chúng ta.

“Tuy nhiên, với khung hình phạt mới vừa được thông qua, các cơ quan chức năng có cơ sở chế tài xử lý hình sự các đối tượng sản xuất, buôn bán PGTP giả, ngăn chặn những nguy cơ hiểm họa đến sức khỏe cho người dân và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như giúp những nhà sản xuất, kinh doanh chân chính bảo vệ được thương hiệu của mình” - Ông Nguyễn Thanh Phong khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ