Mở đầu kỷ nguyên giáo dục mới

Năm học 2014-2015, kỳ thi THPT quốc gia sẽ mở đầu cho một kỷ nguyên giáo dục mới của nước ta. Khi không còn khối thi, không còn áp lực thi, các nhà trường THPT và đại học sẽ xoay sở thế nào? Việc thay đổi về thi và tuyển sinh buộc chúng ta phải thay đổi từ quan niệm giáo dục và đào tạo vĩ mô đến phương pháp dạy và học.

Mở đầu kỷ nguyên giáo dục mới

Trước khi có những nội dung chính thức về thi và tuyển sinh Bộ Giáo dục công bố, từ thực tế 30 năm giảng dạy, chúng tôi nêu một vài giải pháp:

1. Các nhà quản lý giáo dục các cấp xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học chính khóa và chuyên đề theo môn thi chính Toán,Văn, Ngoại ngữ và môn tự chọn. Quản lý học sinh và nghiêm túc trong kiểm tra giám sát cho điểm bộ môn và hạnh kiểm. 

Dành nhiều tiết sinh hoạt ngoại khóa để phổ biến tới giáo viên và học sinh những thay đổi của thi và tuyển sinh làm chuyển biến thái độ và cảm xúc của người dạy và người học. 

Sau các tập huấn của Sở, tổ chức các hội thảo nhóm trường hay từng trường nhằm hiểu đúng phương pháp bộ môn, nắm chắc kiến thức chuẩn, hướng dẫn học sinh học tập hiệu quả.

Cái đích của đổi mới thi 2015 làm thay đổi cách học, cách dạy để đào tạo con người Việt tương lai có hiểu biết, có kỹ năng, biết sâu một lĩnh vực nhưng biết cách làm và diễn đạt thế nào để người ta hiểu và tin việc mình làm, dù đó là việc nào. 

Chúng ta nên dạy học sinh cách làm cần câu hay dạy các em cách câu cá?

2. Người thầy trở thành người hướng dẫn chuyên nghiệp cần có trình độ chuyên môn và kỹ năng vững vàng. Chuyển mình theo thi, nhà giáo vừa tự trang bị kiến thức cơ bản, kiến thức kỹ năng vừa tự hoàn thiện phương pháp giảng dạy. 

Tích hợp tri thức, vận dụng tri thức nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau là thách thức của nhiều giáo viên hiện nay. Tại sao giáo viên môn khoa học tự nhiên lại lúng túng về diễn đạt và sử dụng ngôn ngữ lập luận? 

Các thầy cô môn khoa học xã hội hầu như không dám nghĩ gì đến công thức tính toán hay giải thích hiện tượng Sinh - Hóa - Lý của cuộc sống cho học sinh hay con của mình? 

Thầy cô dạy Vật lý không dám sửa công tắc đèn điện; việc lớn việc nhỏ trong cuộc sống đều nhờ chuyên gia hay thợ; hiểu biết xã hội, kinh tế, chính trị và pháp luật hay các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật còn hạn chế. 

Góc khuất lấp ấy của các nhà giáo hiện nay làm nhiều người hoài nghi, không muốn đổi mới thi, không muốn thay đổi. Nền giáo dục thành tích hóa các con số và xa rời thực tế đã không thể chấp nhận thêm nữa. 

Sử dụng kiến thức tích hợp nhiều lĩnh vực khoa học; gắn học lý thuyết với thực hành, thực tế phù hợp từng thời kỳ và mục đích đào tạo là xu hướng đúng nhất. 

Học sinh phổ thông học nhiều môn, nhiều kiến thức chuyên sâu bác học đến khi học đại học cao đẳng không dùng đến; học ngoại ngữ đa số không biết dùng làm gì trong khi nhiều tri thức kỹ năng sống cần thiết cho lứa tuổi vị thành niên lại ít được quan tâm trang bị. 

Hiểu câu thơ hay đâu chỉ dùng tri thức môn Ngữ văn, đôi khi cần cả tri thức lôgic của hình học, vật lý, sinh học… Sự đổi mới của thi THPT quốc gia sẽ hướng đến vận dụng tích hợp các tri thức nền cơ bản (phổ thông) để giải quyết vấn đề của đề thi và cuộc sống. “Người thầy sẽ như con dao pha” – toàn năng trên bục giảng và cuộc sống.

Trong tiết học, theo quy chế, người thầy được toàn quyền thiết kế bài học và tổ chức học sinh đọc hiểu bài học theo ba mức nhận thức cơ bản quan trọng: nhận biết, thông hiểu và vận dụng (những học sinh có năng lực khá hơn cần mức vận dụng sáng tạo). 

Lâu nay, người thầy mới chú ý đến truyền dạy, đọc chép, giải chép mà chưa giúp học trò hiểu bản chất bài học. Mặt khác, thầy cô giáo cũng không dám chịu trách nhiệm về lượng kiến thức của bài học với một đối tượng học sinh cụ thể. 

Cách thi mới 2015 sẽ mở ra cho học sinh phát huy khả năng tự lập và sáng tạo. Kết quả thi đại học, cao đẳng vừa công bố 2014 khẳng định năng lực tự học và tư duy nghiêm túc sẽ giúp thí sinh đạt điểm trung bình trở lên.     

Tâm lý e ngại kiểm tra thanh tra của lãnh đạo đã làm các thầy cô kéo rê cho hết bài, xong bài. Lớp khá chú trọng hết các phần nhưng lớp yếu hơn có nên chỉ tập trung một phần chính? 

Sách giáo khoa và chương trình tới đây vẫn giữ nguyên; nội dung đề thi tổng hợp hay tích hợp đã loại bỏ lối học thuộc lòng, lối học máy móc đòi hỏi thầy cô cần quan tâm đến hướng dẫn học trò tự học và thực hành nhiều hơn. 

Chúng ta có muốn giao nhiều bài về nhà để học sinh chép của nhau nộp? Kiến thức thi chủ yếu lớp 12 cho nên kỹ năng vận dụng của học sinh sẽ quan trọng hơn kiến thức. 

3. Người học sinh đang vui lo lẫn lộn. Nhẹ gánh thi và tuyển sinh, cơ hội vào đại học nhiều hơn cách thi cũ nhưng làm thế nào từ bỏ lối học chép bài và học thuộc, lệ thuộc tài liệu và từ bỏ ý thức học lệch theo khối? 

Chủ động học tập, cố gắng làm bài tự giác, thoát dần sách tham khảo, thoát dần lệ thuộc tài liệu để tự giải quyết bài tập tiến tới nắm chắc kiến thức cơ bản quan trọng. Đảm bảo học ở nhà không quá 23 giờ, đến lớp hứng thú học từng tiết hiểu bài tại lớp. 

Việc học thêm các lớp buổi tối có thể lấy hết thời giờ tự học thực tế cần thiết có của học sinh. Điều quan trọng nhất thầy cô và phụ huynh cần cho học trò hiểu là phương pháp học thế nào để hiểu bài chứ không phải học bao nhiêu thời gian. 

Học Ngữ văn không đọc tác phẩm, không đọc thành tiếng lần nào hay viết câu viết đoạn thì làm sao diễn đạt được tường minh ý nghĩ của mình cho người khác hiểu? Học Toán hay Hóa, Lý, nếu không hiểu bản chất công thức hay định lý thì dù có thuộc các công thức đó cũng không bao giờ giải được bài tập vận dụng ở sách giáo khoa.

4. Các bậc cha mẹ bao giờ có thể thoát ra “cái tâm lý đám đông” muốn con đi học vào giờ buổi tối trong khi rất nhiều bài tập thầy cô khác giao còn đó? 

Các thầy cô khi nào từ bỏ quan niệm giao nhiều bài cho học trò mà biết chắc là chúng không bao giờ làm hết? Các cấp quản lý bao giờ thực tế hơn, gần gũi và trách nhiệm hơn khi dự giờ, khi kiểm tra hồ sơ chuyên môn? 

Người xưa đã nói “quý hồ tinh bất quý hồ đa” - tạm dịch là quý những người giỏi chứ không quý nhiều. Tôn trọng người dạy và người học, chấp nhận định mức kiến thức kỹ năng cơ bản cho từng giờ học với từng đối tượng phải chăng đã đến lúc những cán bộ kiểm tra đánh giá nên làm. 

Chúng ta thường kiểm tra đánh giá công việc chú trọng hình thức và con số mà chưa đánh giá việc dạy và học bằng hiệu quả công việc. Thay đổi về thi và tuyển sinh chính là thay đổi cách kiểm tra và đánh giá hướng về bản chất, về lượng của nền giáo dục hiện đại.

Một kỳ thi THPT quốc gia 2015, một hồi chuông báo hiệu rất nhiều thay đổi trong giáo dục đào tạo và xã hội nước ta. 

Theo Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.