Phụ huynh lo lắng
Vì điều kiện gia đình, anh Đinh Trọng Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho con sang Australia học cách đây 4 năm. Nay trở về nước, anh Thu băn khoăn trước ý định xin cho con vào trường công lập. Bởi anh không rành về thủ tục, hơn nữa, nếu xin được vào trường công lập cũng khó theo kịp bởi chương trình học trong nước khác hoàn toàn so với chương trình học ở nước ngoài. Còn chị Nguyễn Thanh Thư (Thanh Xuân, Hà Nội) muốn chuyển trường cho con từ Đức về Việt Nam cho rằng, vướng mắc nhất vẫn là chương trình học không tương thích khiến học sinh từ nước ngoài về rất khó theo kịp.
Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội về việc chuyển trường và tiếp nhận học sinh THPT, học sinh phải có văn bằng hoặc chứng chỉ tốt nghiệp THCS tương đương bằng tốt nghiệp THCS của Việt Nam.
Với học sinh đang học dở chương trình ở nước ngoài xin chuyển về học tiếp lớp học tương đương tại trường THPT ở Việt Nam phải được nhà trường nơi tiếp nhận kiểm tra trình độ theo chương trình quy định của lớp học đó. Tuy nhiên, khi hai chương trình khác nhau, trình độ sẽ không dễ dàng để đánh giá.
Chị Thư phân tích thêm: Ở nước ngoài, học sinh học các môn khoa học tự nhiên khác ở Việt Nam, do đó cũng không thể yêu cầu nội dung của chương trình phải tương đương nhau.
Với những môn thuộc nhóm khoa học xã hội và nhân văn, học sinh phải bổ túc thêm kiến thức cho phù hợp với chương trình giáo dục của Việt Nam. Điều này cũng khiến nhiều phụ huynh khó xoay xở…
Gỡ khó
Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều gia đình có nguyện vọng chuyển trường cho con từ nước ngoài về Việt Nam. Nhằm giúp các du học sinh không bị gián đoạn học tập, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp nhận hồ sơ các em có nguyện vọng học tập tại trường phổ thông trên địa bàn thành phố và tổ chức kiểm tra.
Nếu du học sinh đáp ứng được yêu cầu về kiến thức và điều kiện theo quy định sẽ được tiếp nhận vào học theo chương trình ở trình độ tương đương. Việc tiếp nhận du học sinh được thực hiện ở cả trường phổ thông công lập và ngoài công lập.
Quy định này đề cập việc tiếp nhận hai đối tượng học sinh: Học sinh Việt Nam học tại các trường trung học ở nước ngoài có nguyện vọng vào học các trường THCS, THPT ở Việt Nam; Học sinh người nước ngoài có nguyện vọng vào học các trường THCS, THPT ở Việt Nam.
Quyết định số 51/2002/QĐ-BGDĐT ngày 25/12/2002 cũng nêu rõ điều kiện và các thủ tục tiếp nhận, bao gồm các yêu cầu về đối tượng, trình độ, tuổi, chương trình học tập... Trong đó, cả 2 đối tượng đều được gia hạn 1 tuổi so với quy định của từng cấp học. Lãnh đạo nhiều trường THCS và THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết sẵn sàng tiếp nhận học sinh từ nước ngoài về học tập. Cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình) cho hay: Ngoài những lớp 10 truyền thống, nhà trường có thêm 4 lớp liên kết quốc tế phù hợp với học sinh từ nước ngoài trở về.
Căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, nhà trường sẽ xem xét, quyết định nhận học sinh nhập học. Học sinh trong độ tuổi THCS, THPT ở nước ngoài về nước, con em người nước ngoài làm việc tại Việt Nam đều được học ở trường THCS hoặc trường THPT tại nơi cư trú hoặc trường THCS và THPT ở ngoài nơi cư trú nếu trường đó có khả năng tiếp nhận.
Còn cô Ngô Thị Diệp Lan - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân (Thanh Xuân) thông tin: Trường sẵn sàng tiếp nhận học sinh từ nước ngoài trở về có nhu cầu học tập tại trường. Khi cha mẹ hoặc người đỡ đầu có đơn đề nghị, nhà trường tổ chức khảo sát trình độ của học sinh và xếp vào lớp phù hợp.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), trong Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, học sinh trong độ tuổi THCS, THPT ở nước ngoài về nước; con em người nước ngoài làm việc tại Việt Nam đều được học ở trường nơi cư trú hoặc ngoài nơi cư trú nếu trường đó có khả năng tiếp nhận.