Hướng đi mới
Bắt kịp xu hướng sách thiếu nhi hiện đại ít chữ, nhiều tranh minh họa, được trình bày, in ấn đẹp, bắt mắt, thời gian gần đây, các đơn vị làm sách cho ra đời nhiều bộ sách tranh thu được phản hồi tích cực từ độc giả. Một trong những ví dụ điển hình nhất cho sự thay đổi về thị hiếu người đọc hiện nay là việc một bộ sách với tuổi đời gần 1 thập niên như “Harry Potter” quay trở lại gây sốt với phiên bản có tranh minh họa màu của họa sĩ Jim Kay.
Gần đây là cuốn sách “Lĩnh Nam chích quái” của họa sỹ Tạ Huy Long đã tạo nên kỳ tích vì “cháy hàng” trước khi ra mắt. Họa sĩ Tạ Huy Long thổi hồn vào những tích truyện bằng những bức tranh chấm phá dân gian với từng chi tiết hiện lên sống động. Nhà sách Đông A cũng vừa cho ra mắt tiểu thuyết lịch sử Trần Quốc Toản của nhà văn Lưu Minh Sơn. Truyện tranh “Sát Thát” - tác phẩm từng giành Huy chương Bạc tại Hội sách Leipzig - cũng được tái bản.
Họa sĩ Tạ Huy Long - Trưởng phòng Kĩ Mĩ thuật NXB Kim Đồng - một trong những họa sĩ minh họa sách thiếu nhi hàng đầu Việt Nam hiện nay đánh giá, các họa sĩ trẻ có cái nhìn rất hiện đại và phóng khoáng, nét vẽ tỉ mẩn, tinh tế, cách xử lý màu tốt, sáng sủa, góc nhìn đa dạng, miêu tả sinh động tính cách của nhân vật và bối cảnh của tác phẩm. Đây thực sự những tác phẩm được đầu tư công phu, với chất lượng mĩ thuật xuất sắc.
Mới lạ nhưng còn nhiều thách thức
Bên cạnh một số tác phẩm tạo được dấu ấn, thực tế hiện nay, số lượng sách viết cho thiếu nhi Việt cũng như tranh minh họa còn hạn chế. Phần lớn mới chỉ dừng lại ở các truyện tranh, cổ tích đơn giản và cũ. Bởi nghề minh họa sách ở Việt Nam bị truyện tranh nước ngoài và các phương tiện kĩ thuật số như tivi, smartphone, máy tính, trò chơi điện tử trên mạng Internet… cạnh tranh mạnh mẽ.
Chúng ta vẫn còn có khoảng cách rất xa so với thế giới. Sách thiếu nhi thì minh họa không hấp dẫn, cũ kỹ và quá đơn giản so với sự phát triển nhanh hơn của thế hệ trẻ em ngày nay. Còn bìa sách thì hầu như bị bỏ ngỏ; đa số bìa sách là hình ảnh cắt ghép hoặc thiết kế kiểu graphic đơn giản. Mấy năm gần đây dường như có sự quan tâm hơn về bìa sách, đã xuất hiện những bìa có minh họa đẹp, nhưng vẫn chưa đủ tạo thành làn sóng thay đổi thói quen đầu tư cho bìa sách của các nhà xuất bản.
Họa sĩ Phan Vũ Linh - người Việt Nam đầu tiên theo học ngành này tại Học viện Nghệ thuật Mỹ (Academy of Art University - AAU) - cho biết, nghề minh họa nói chung và minh họa sách nói riêng đều cần ở họa sĩ lòng đam mê, năng khiếu, sự hiểu biết về nhiều lĩnh vực và tay nghề hội họa. Vì khác với hội họa thuần túy, bạn có thể chỉ vẽ những gì mình thích, với họa sĩ minh họa, bạn phải vẽ được tất cả, và tác phẩm của bạn phải được sự chấp nhận của số đông công chúng. Đặc biệt, minh họa cho sách thiếu nhi yêu cầu phải đơn giản, ngộ nghĩnh, sát với nội dung nhưng vẫn rất sáng tạo và gợi mở, gây tò mò cho độc giả nhỏ tuổi.
Họa sĩ Tạ Huy Long trong buổi ra mắt sách “Lĩnh Nam chích quái” cho biết, trước khi bắt tay vào việc, ngoài việc đọc truyện để thuộc các tình tiết, nắm các mô típ, anh còn đi tìm dữ liệu về đồ họa ở nhiều nguồn: Tranh dân gian Việt Nam và Trung Quốc, tranh Nhật Bản, cả tranh giả kim của phương Tây, tranh Thánh của Nga...
Theo họa sĩ Tạ Huy Long, họa sĩ Việt Nam có khả năng minh họa tốt, vẽ đẹp, nhưng kể chuyện bằng tranh thì chưa. Cũng bởi chúng ta chưa được đào tạo về khả năng kể chuyện. Chúng ta thiếu vốn sống và tính xác thực, bởi chưa cố tìm tòi, lọc chi tiết để biết cái nào nên phỏng theo - kể cả từ những nền văn hóa có tính tương quan.