Minh bạch, lành mạnh hóa thị trường dịch vụ tư vấn du học

GD&TĐ - Bên cạnh những mặt tích cực, hiện còn nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lý và kiểm soát chất lượng các đơn vị tư vấn du học.

Tọa đàm "Đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh và đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người học" trong khuôn khổ hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng
Tọa đàm "Đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh và đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người học" trong khuôn khổ hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Ngày 30/9, vấn đề trên được nêu và thảo luận tại hội thảo “Công tác quản lý nhà nước đối với dịch vụ tư vấn du học” do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Trường Đại học Sài Gòn.

Hội thảo do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì, với sự tham dự của hàng trăm đại biểu đến từ các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ tư vấn du học.

Nhu cầu du học không ngừng gia tăng

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, trong những năm gần đây, nhu cầu du học của học sinh, sinh viên Việt Nam không ngừng gia tăng tăng, thể hiện qua số lượng đáng kể bạn trẻ học tại các nền giáo dục tiên tiến.

Hàng năm, có hàng chục nghìn học sinh, sinh viên Việt Nam xuất cảnh du học ở nhiều quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, châu Âu…

Điều này không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận tri thức toàn cầu mà còn đóng góp tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.

DSC03383.JPG
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Việt Nam là một trong những nước có số lượng du học sinh đông. Mong muốn đi du học, lựa chọn đất nước, trường có chất lượng để học tập là nhu cầu lớn của phụ huynh, học sinh, sinh viên.

Cùng với sự gia tăng của nhu cầu du học, dịch vụ tư vấn du học ngày càng trở nên quan trọng và đóng vai trò thiết yếu việc kết nối giữa các trường học, chương trình đào tạo quốc tế với học sinh, sinh viên. Do đó, việc định hướng đúng đắn cho học sinh, sinh viên trong việc lựa chọn các chương trình du học chất lượng là vô cùng quan trọng.

Các dịch vụ tư vấn du học không chỉ cung cấp thông tin ngành học mà còn hỗ trợ học sinh, sinh viên trong quá trình chuẩn bị học tập ở nước ngoài, từ việc lựa chọn trường học, xin visa đến thích nghi với môi trường học tập quốc tế.

DSC03408.JPG
Hội thảo thu hút sự tham gia của hàng trăm đại biểu đến từ các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ tư vấn du học. Ảnh: Mạnh Tùng

Báo cáo của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) được công bố tại hội thảo cho thấy, năm 2024, số lượng tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học đã đạt đến 3.423 tổ chức, với 2.860 tổ chức đang hoạt động​. Một số tổ chức không hoạt động trở lại hậu Covid hoặc ngừng kinh doanh do hoạt động không hiệu quả.

Tính đến 15/9/2024, 203 tổ chức mới đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. ​

Hà Nội và TPHCM là 2 địa phương có số lượng tổ chức tư vấn du học lớn nhất (1.304 tổ chức tại Hà Nội và 513 tổ chức tại TPHCM). Bên cạnh đó, các địa phương như Nghệ An (150 tổ chức tư vấn du học), Đà Nẵng (95), Hải Phòng (64), Hải Dương (60) và Hà Tĩnh (53) cũng là những nơi có hoạt động tư vấn du học sôi động.

Còn nhiều tồn tại, vướng mắc

Theo Cục Hợp tác quốc tế, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp tư vấn du học đã nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là trong việc hỗ trợ hồ sơ, xin visa, và tư vấn chương trình học bổng cho học sinh. Sự minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh đã được cải thiện, góp phần dần tạo nên một môi trường tư vấn lành mạnh.

DSC03416.JPG
Đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Các công ty trong lĩnh vực này đã tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật, đặc biệt trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn du học cho học sinh và phụ huynh; các yêu cầu công khai của quy định; xây dựng mối quan hệ hợp tác uy tín với các trường quốc tế, giúp học sinh tiếp cận được những cơ hội giáo dục tốt nhất ở nước ngoài;...

Tuy nhiên, thị trường tư vấn du học hiện có nhiều tồn tại như: tổ chức hoạt động không có giấy phép; tư vấn không minh bạch, gây thiệt hại cho học sinh và phụ huynh; vi phạm về thu phí không đúng quy định hoặc thu phí mà không thực hiện tư vấn rồi bỏ trốn.

Ngoài ra, còn có các chương trình du học trá hình (đưa người ra nước ngoài trái phép); hoạt động khi chưa đủ điều kiện (không có hợp đồng với đối tác nước ngoài, thu hồ sơ và chuyển sinh viên cho các tổ chức tư vấn có trụ sở ở nước ngoài); văn phòng tư vấn du học ma (thực hiện tư vấn thông qua mạng xã hội, không có văn phòng trụ sở thực…); thực hiện kinh doanh không đạo đức (tư vấn cho học sinh và gia đình đến những cơ sở đào tạo kém chất lượng, được trả phí hoa hồng cao)...

DSC03463.JPG
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) trao đổi với các đơn vị tại hội thảo liên quan đến các quy định về tư vấn du học. Ảnh: Mạnh Tùng

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, thực tế thời gian qua đã chứng kiến một số vụ việc trung tâm tư vấn du học cung cấp thông tin sai lệch, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người học mà còn tác động xấu đến hình ảnh của các tổ chức giáo dục quốc tế, uy tín của hệ thống giáo dục Việt Nam.

Quản lý chặt chẽ hoạt động tư vấn du học

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, thời gian qua Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước đối với dịch vụ tư vấn du học.

Về hệ thống pháp lý, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ ban hành các quy định cụ thể về điều kiện thành lập, hoạt động và trách nhiệm của các trung tâm tư vấn du học, tạo khung pháp lý rõ ràng minh bạch, giúp các trung tâm tư vấn du học hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ đúng quy định và bảo vệ quyền lợi người học.

thu truong nguyen van phuc.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Công tác kiểm tra giám sát cũng được ngành giáo dục các địa phương tăng cường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các hành vi có dấu hiệu lừa đảo, thiếu minh bạch trong quá trình tư vấn.

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để tổ chức một số hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của phụ huynh, người học.

"Chúng tôi mong muốn các công ty tư vấn nâng cao trách nhiệm của mình, tuân thủ pháp luật, chuyên nghiệp và trung thực, khách quan trong việc tư vấn. Không vì chạy theo doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp mình mà tư vấn không chính xác, sai lệch dẫn đến các em học sinh, sinh viên, phụ huynh lựa chọn trường, ngành, quốc gia không phù hợp, ảnh hưởng việc học của các em. Ngoài mục tiêu kinh doanh, dịch vụ tư vấn du học phải thể hiện trách nhiệm xã hội, bởi giáo dục là một lĩnh vực đặc thù, liên quan tới tương lai con người", Thứ trưởng nói.

DSC03493.JPG
Phó Giám đốc Sở GD&DTD Lê Thụy Mỵ Châu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Tại hội thảo, đại diện một số đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn du học đã trình bày tham luận về những thuận lợi, thách thức trong việc quản lý người học sau khi rời Việt Nam; thuận lợi và khó khăn nhìn từ góc độ doanh nghiệp tại các thị trường du học; một số mô hình hay trong việc thực hiện các quy định của nhà nước về kinh doanh tư vấn du học...

Hội thảo có phần trao đổi về chủ đề "Đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh và đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người học".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.