Trên thực tế, với không ít trò, việc học chương trình chính khóa trên lớp chưa đủ so với nhu cầu kiến thức. Nhà nước thì không thể bảo đảm đáp ứng 100% nguyện vọng học tập của người học. Bên cạnh đó, những giáo viên giỏi sẽ có học sinh muốn theo học để phát triển năng lực. Bởi vậy, càng ngăn cản, dạy thêm sẽ càng biến tướng để thỏa mãn nhu cầu này.
Chưa kể, người Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học, luôn xem kết quả học tập của con cái là niềm tự hào. Đại đa số cha mẹ mong muốn con học giỏi và sẵn sàng đầu tư, chăm lo cho việc học của con em mình. Dạy thêm chân chính cũng giúp giáo viên nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và đào sâu kiến thức, từ đó góp phần phát triển chuyên môn.
Quản lý hoạt động dạy học thêm hiện nay được thực hiện theo Thông tư số 17/TT-BGD&ĐT ngày 16/5/2012 của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh hiệu quả tích cực, những hạn chế, gây bức xúc liên quan đến vấn đề này còn tồn tại. Nhiều gia đình vì thành tích mà cho con đi học thêm quá nhiều ca kíp dẫn đến áp lực, mệt mỏi, không còn thời gian tự học.
Hệ lụy không chỉ là sức khỏe, giảm hứng thú với việc học, mà còn hình thành phương pháp học thụ động, lệ thuộc, triệt tiêu năng lực tư duy độc lập, sáng tạo. Vẫn còn hiện tượng giáo viên dùng “thủ thuật”, quyền lực mềm ép học sinh đi học thêm; cắt xén, dạy lướt qua kiến thức trên lớp để tập trung cho dạy thêm; ra đề sát với nội dung dạy thêm gây mất công bằng với học sinh…
Như ở trên đã nói, học thêm là nhu cầu có thật và chính đáng. Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là tạo hành lang pháp lý, kiểm tra, giám sát để lành mạnh hoạt động dạy học thêm cả trong và ngoài nhà trường. Đây cũng là lý do Bộ GD&ĐT xây dựng mới Thông tư quản lý dạy thêm, học thêm. Dự thảo Thông tư được công bố ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận.
Dự thảo đưa ra nguyên tắc, những quy định cụ thể về việc dạy học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường; trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Điểm mới nổi bật của dự thảo này là những yêu cầu, quy định nhằm công khai, minh bạch thông tin; từ đó yêu cầu người tham gia dạy thêm, cơ sở tổ chức dạy thêm phải tuân thủ.
Đồng thời, đây cũng là minh chứng phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Việc công khai, minh bạch thông tin còn giúp tạo cơ chế giám sát toàn dân, đặc biệt là phụ huynh, học sinh; cùng với các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương, bắt đầu từ trường, đến phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT đối với hoạt động dạy học thêm, từ đó giảm thiểu tiêu cực.
Tinh thần của dự thảo, nói như Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) là hướng đến cấm hiện tượng tiêu cực, không cấm những nhu cầu có thực, chính đáng của cả người dạy và người học; đồng thời làm sao giải quyết được tận gốc việc giáo viên ép học sinh của mình học thêm, dù các em không muốn.
Để những quy định mới phát huy hiệu quả trong thực tiễn, bên cạnh làm thật chặt chẽ, nghiêm túc, quyết liệt công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra; xử lý thật nghiêm vi phạm; rất cần sự hỗ trợ cùng giám sát của cộng đồng, đặc biệt, sự mạnh dạn, bản lĩnh của học sinh, phụ huynh trong phản ánh tiêu cực, sai phạm về dạy thêm, học thêm.