Miệng núi lửa Vesuvius - nơi không dành cho du khách thích selfie

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Một khách du lịch núi lửa Vesuvius đánh rơi điện thoại đã ngã xuống miệng núi lửa khi cố gắng lấy nó vào cuối tuần qua.

Núi Vesuvius là một điểm đến cho những người thích đi bộ đường dài, nhưng một phần của đỉnh núi không cho du khách qua lại.
Núi Vesuvius là một điểm đến cho những người thích đi bộ đường dài, nhưng một phần của đỉnh núi không cho du khách qua lại.

Theo Sky News, nam thanh niên 23 tuổi đã được cứu và điều trị vết thương nhẹ, nhưng hiện phải đối mặt với cáo buộc đi vào tuyến đường cấm gần đỉnh núi lửa đang hoạt động.

Vụ tai nạn xảy ra khi du khách trẻ người Mỹ vô tình làm rơi điện thoại xuống miệng núi lửa trên đỉnh Vesuvius. Trong lúc cố lết xuống để lấy điện thoại, nam thanh niên đã bị mất thăng bằng và ngã xuống vài mét phía dưới.

Theo The Guardian, các hướng dẫn viên địa phương đã đu dây xuống để giải cứu nam thanh niên, người chỉ hứng chịu vài vết cắt và bầm tím từ cú ngã. Một máy bay trực thăng cứu hộ trên núi cũng được triển khai để hỗ trợ.

Vesuvius là một núi lửa dạng tầng cao 1.232m. Miệng núi lửa được hình thành bởi một vụ phun trào năm 1944, sâu khoảng 305m. Ngọn núi là một điểm đến phổ biến cho những người ưa thích môn thể thao đi bộ đường dài, nhưng không có đường mòn công cộng nào tới khu vực miệng núi lửa có tường dốc.

Núi lửa đã không trải qua bất kỳ vụ phun trào đáng kể nào kể từ sau vụ phun trào năm 1944 nhưng nó vẫn được giám sát chặt chẽ. Hơn 700.000 người sống ở vùng lân cận sẽ cần phải sơ tán trong trường hợp có một vụ phun trào lớn và hàng triệu người khác ở thành phố cảng Naples và vùng phụ cận sẽ bị ảnh hưởng.

Hiện tại, miệng núi lửa “Gran Cono” trên đỉnh Vesuvius nguy hiểm không phải vì những vụ phun trào sắp xảy ra, mà do tác động của trọng lực. Các bức tường được tạo thành từ các vách đá dựng đứng và đá núi lửa vụn.

Miệng núi lửa cũng có các lỗ thông hơi hoạt động thỉnh thoảng thoát hơi nước và khí ra ngoài. Theo The Guardian, du khách được giải cứu và một số thành viên gia đình đi cùng đã đi vào một tuyến đường bị cấm và được đánh dấu là nguy hiểm. Tất cả những người này hiện đối mặt với tội trạng xâm phạm đất công.

Trước những rủi ro không tưởng khi xâm phạm vào khu vực gần đỉnh núi lửa đang hoạt động, nam thanh niên này vẫn còn may mắn khi chỉ bị xây xát nhẹ. Năm 2019, một người đàn ông 32 tuổi bị thương nặng sau khi trèo qua rào chắn xung quanh miệng núi lửa Kilauea của Hawaii; mặt đất bên dưới anh ta bị sụt và khiến anh ta ngã 21m xuống phía dưới.

Vào tháng 1, một người đàn ông Hawaii 75 tuổi được tìm thấy đã chết sau khi rơi xuống độ sâu 31m ở cùng miệng núi lửa. Một thảm kịch tương tự đã xảy ra vào năm 2017 tại miệng núi lửa Solfatara, cách Vesuvius ở Ý không xa, khi một cậu bé 11 tuổi rơi xuống bùn sôi. Trong nỗ lực cứu con bất thành, cả cha và mẹ cậu bé đã cùng tử vong.

Vesuvius nổi tiếng nhất bởi vụ phun trào năm 79 sau Công nguyên – vụ phun trào đã chôn vùi hai thị trấn Herculaneum và Pompeii trong một luồng mạt vụn núi lửa.

Vụ phun trào đó đã giết chết hàng nghìn người - số người chết chính xác vẫn chưa được xác định – bởi một trận mưa tro và đá, nhiệt độ cực cao và những đám mây khí độc ngột ngạt.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ