Sống trong miệng núi lửa

Sống trong miệng núi lửa

Họ tận dụng nguồn nước nóng và địa nhiệt dồi dào, xây dựng cuộc sống ấm no, nhàn hạ. 

Đảo núi lửa

São Miguel có diện tích khoảng 760 km2 với dân số 140.000 người. Nó là đảo núi lửa, có nền địa chất bị đứt gãy nhiều mảng theo hướng từ Tây Bắc sang Đông Nam.

Trên São Miguel có tổng cộng 6 miệng núi lửa lớn và đang hoạt động, nhưng lại nức tiếng là “Đảo Xanh”. Gần như mọi mét đất ở đây đều đặc cây cối tốt tươi. Nguyên nhân cũng vì chu kỳ bùng phát của 6 ngọn núi lửa này rất dài. Ngọn ngắn nhất cũng phải sau 145 năm mới tái bùng phát, còn dài thì tận 3.000 năm.

Trên phương diện lịch sử định cư, người Bồ Đào Nha có mặt tại São Miguel khá muộn. Phải tới năm 1427, khi nhà thám hiểm Gonçalo Velho Cabral phát hiện hòn đảo này, mọi người mới tràn lên đây. Lợi dụng thời gian “tạm nghỉ” kéo dài của các ngọn núi lửa đang hoạt động, họ làm nhà cửa, vỡ đất canh tác nông nghiệp.

Trái với lòng đất tựa lò than hồng siêu khủng, không khí trên mặt đất của São Miguel rất mát mẻ, dao động từ 14 - 26oC. Đất đai tự nhiên được “bón” tro núi lửa, cực kỳ màu mỡ, thích hợp phát triển trồng trọt.

Để phòng xa, đa phần dân cư và các kiến trúc đồ sộ đều tập trung ở vùng ven biển. Tuy nhiên, vẫn có những người “liều mạng”, xây dựng nơi ăn chốn ở ngay trong lòng miệng núi lửa, ví dụ như ở thị trấn Furnas.

Thị trấn miệng núi lửa

Nước nóng tự nhiên luôn sẵn sàng.
Nước nóng tự nhiên luôn sẵn sàng.  

Furnas là thị trấn lọt thỏm trong lòng một miệng núi lửa đang hoạt động trên đảo São Miguel. Nó luôn chìm trong màn hơi nước địa nhiệt bốc lên từ hệ thống suối nước nóng, lỗ phun nhiệt, đầm bùn sôi… dày đặc.

Chỉ đếm riêng trong khu vực trung tâm của thị trấn đã có tới 30 hồ nước nóng. Khí hậu tương đối lạnh khiến hơi nước tan chậm, ban cơ hội sinh trưởng cho các loài thực vật. Cây cỏ phơi phới phất lá. Ngay bên cạnh hố bùn sôi sủi bọt là ruộng mạ xanh non. Đồi tiếp đồi nhấp nhô như sóng cuộn, chạm tới chân vách chênh vênh của miệng núi lửa.

Furnas gần như bị cô lập với bên ngoài, nhưng chuyện này cũng không ảnh hưởng đến đời sống của các cư dân. Nông nghiệp ở đây đủ tự cấp. Nguồn nhiệt tự nhiên thì phục vụ các nhu cầu thiết yếu khác.

Nhiều vũng nước nóng ở Furnas gần như chạm nhiệt độ sôi. Các cư dân chỉ việc bọc kín rau, củ, quả… thả xuống, chờ đến lúc chúng được luộc chín.

Cư dân địa phương có thể lợi dụng địa nhiệt nấu nướng.
Cư dân địa phương có thể lợi dụng địa nhiệt nấu nướng. 

Chưa hết, Furnas còn các điểm địa nhiệt siêu nóng, thịt sống bị vùi qua một đêm là mềm nhừ. Từ khi đặt chân vào lòng miệng núi lửa cho đến nay, cư dân thị trấn thoải mải dùng nguồn nước nóng tự nhiên dồi dào giặt giũ, tắm rửa, chế biến thảo dược...

Trong thời đại du lịch hiện nay, cái tiếng “thị trấn trong lòng miệng núi lửa đang hoạt động” của Furnas còn thu hút du khách. Nhiều suối nước nóng biến thành địa điểm ngâm, tắm và có bán vé vào.

Tuy địa hình hiểm khó đi, Furnas được bù lại bằng cảnh sắc thiên nhiên giống như không gian thời thượng cổ. Hệ thống thực vật tươi tốt cùng các hố bùn sôi lục bục, điểm địa nhiệt bốc khói nghi ngút gợi cảm giác tựa đang giữa thời đại Trung sinh, khi đám khủng long lang thang đầy trên mặt đất.

Lừng danh trà xanh nước tím

Trà xanh màu tím là kết quả của nguồn nước giàu khoáng chất.
Trà xanh màu tím là kết quả của nguồn nước giàu khoáng chất. 

Bên cạnh cảnh sắc tự nhiên, Furnas còn hấp dẫn du khách bằng thức trà trứ danh: Trà xanh nước tím. Mặc dù cây chè ở đây cũng chẳng khác gì cây chè tại những nơi khác, nhưng sắc nước phai ra lại mang màu tím kiêu sa bất thường.

Trà được ủ từ nước suối nóng 60oC, chỉ trong vài phút, nước trà đang từ sắc xanh nhạt hoặc vàng nâu quen thuộc bất chợt đổi sang màu tím. Ấm trà nếu ủ lâu hơn, nước càng tím đậm như sắc hoa oải hương.

Tác nhân gây chuyển màu ở đây chính là nguồn nước nóng tự nhiên của Furnas. Mọi suối nước nóng trong thị trấn đều chứa đầy các khoáng chất, đặc biệt giàu vi chất sắt.

Khi tập hợp các khoáng chất này tương tác với chất chống oxy hóa có trong lá chè xanh, chúng hình thành hỗn hợp khúc xạ ánh sáng trong bước sóng khác (tương tự như lăng kính). Chính điều này tạo nên màu tím độc đáo cho nước trà.

Mặc dù đổi màu, nước trà Furnas không hề bị đổi vị, vẫn đắng ngọt khiến người thưởng thức khó quên. Cư dân thị trấn thích nhấm nháp trà tím với một ít bánh ngọt, ví dụ như pudding chocolate chuối. Cuộc sống trong lòng miệng núi lửa đang hoạt động rất yên ả và thư thái. Mọi người ở đây thấy không cần thiết phải ra bên ngoài.

Theo National Geographic

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ