Miền Trung chủ động bảo đảm an toàn cho học sinh trước bão lũ

GD&TĐ - Trước tình hình mưa lớn và lũ dữ dâng cao lịch sử, ngành Giáo dục nhiều địa phương ở miền Trung chủ động đưa ra nhiều biện pháp ứng phó cho đến khi thời tiết ổn định và các điều kiện bảo đảm an toàn trở lại.

Lực lượng chức năng sơ tán người dân đến khu vực an toàn tại các trường học cao tầng ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) từ ngày 18/9. Ảnh: Vĩnh Quý
Lực lượng chức năng sơ tán người dân đến khu vực an toàn tại các trường học cao tầng ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) từ ngày 18/9. Ảnh: Vĩnh Quý

Bảo đảm an toàn cho học sinh

Ngay từ chiều 18/10, tại thành phố Vinh, nhiều trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn các phường như Lê Mao, Hưng Dũng, Hà Huy Tập đã có thông báo gửi đến phụ huynh về việc cho học sinh nghỉ học vào ngày 19/10. Trong những ngày tới, tùy theo diễn biến thời tiết sẽ có thông báo riêng đến từng phụ huynh.

Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương đã ra công văn khẩn, yêu cầu các trường chủ động học sinh nghỉ học từ thứ Hai (ngày 19/10) cho đến khi các thời tiết ổn định và các điều kiện bảo đảm an toàn trở lại.

Trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, mưa không to nhưng liên tục trong nhiều ngày nên nguy cơ sạt lở khá nhiều. Qua trao đổi, ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng GD&ĐT Kỳ Sơn cho biết, đã chỉ đạo các trường nghỉ học từ ngày 19/10 để bảo đảm an toàn trong di chuyển. Tại huyện Con Cuông, hiện một số trường cũng đã chủ động thông báo cho học sinh nghỉ học. Thầy Nguyễn Văn Hào – Hiệu trưởng Trường THCS Lục Dạ (Con Cuông) chia sẻ, do mưa to liên tục gây ngập cục bộ một số tuyến đường, đập tràn, nên nhà trường đã cho học sinh nghỉ học và chờ thông báo tiếp theo.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Nghệ An liên tục có công văn khẩn về công tác phòng chống lụt bão. Trong đó, đề nghị các đơn vị tổ chức trực ban 24/24 giờ, duy trì liên hệ, thông báo ứng cứu kịp thời; thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương trong công tác ứng phó mưa, lũ và tìm kiếm cứu nạn. Lên phương án bảo đảm an toàn tài sản, cơ sở vật chất, công trình trường học, chủ động di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để tránh hư hại. Tạo điều kiện cho người dân tránh trú trong điều kiện cho phép.

Thông tin từ ngành Giáo dục Hà Tĩnh cho biết: Để bảo đảm an toàn cho học sinh trước ảnh hưởng của diễn biến thời tiết mưa lũ, 7 huyện, thành phố trong tỉnh đã cho trên 200.000 học sinh nghỉ học từ ngày 19/10.

Tại Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của mưa lớn, liên tục kéo dài, nhiều công trình thủy điện và hồ chứa nước thủy lợi đồng loạt xả lũ đã gây ngập úng, chia cắt ở một số địa bàn như: Huyện Hương Khê, Vũ Quang, Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên, thành phố Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh. Ngành Giáo dục đã thông báo cho học sinh từ bậc mầm non đến THCS ở 350 trường thuộc 7 huyện, thành phố nói trên nghỉ học để bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên.

Tại các địa bàn còn lại, các phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường căn cứ tình hình thực tế để quyết định việc cho học sinh nghỉ học. Việc dạy và học sẽ tiếp tục khi nước rút, kế hoạch dạy bù sẽ được các trường bố trí hợp lý để bảo đảm theo phân phối chương trình.

Nước ngập sâu ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Nước ngập sâu ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Học sinh Quảng Bình không thể đến trường

Ghi nhận tại Quảng Bình trong đêm 18/10 cho thấy, hàng ngàn hộ dân ở các huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ phải kêu cứu lực lượng cứu hộ bởi mưa lũ kéo dài và nước lên nhanh dẫn đến họ không thể di chuyển. Tại TP Đồng Hới, rạng sáng 19/10 nước lũ đã tràn vào nhà dân ở các vùng ven sông, các vùng thấp trũng như phường Đức Ninh, Đồng Hải… từ 0,3 - 0,5m làm người dân phải thức trắng đêm để di chuyển đồ đạc, vật dụng trong nhà.

Ngày 19/10, thông tin từ Sở GD&ĐT Quảng Bình cho biết, Sở này đã có thông báo gửi trưởng các đơn vị trực thuộc sở; các trưởng phòng GD&ĐT; giám đốc trung tâm giáo dục dạy nghề các huyện, thị xã, thành phố, yêu cầu chủ động các biện pháp phòng, chống, bảo đảm an toàn cho học sinh và cơ sở vật chất trường lớp. Đặc biệt, trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, các đơn vị cho học sinh, học viên toàn tỉnh nghỉ học cho đến khi có công văn chỉ đạo mới từ Sở GD&ĐT.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Quảng Bình cũng yêu cầu các đơn vị trong ngành Giáo dục tổ chức bộ phận trực ban, huy động lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật sẵn sàng ứng phó với diễn biến của mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”. Các đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng của địa phương, theo dõi sát diễn biến của mưa lũ để có biện pháp ứng phó kịp thời. Đối với các vùng có nhiều sông, suối, địa bàn phức tạp có nguy cơ lũ và sạt lở đất cao cần tuyên truyền cho học sinh nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc.

Các trường học trên địa bàn huyện Hòa Vang dọn vệ sinh trường lớp sẵn sàng đón HS trở lại trường.
Các trường học trên địa bàn huyện Hòa Vang dọn vệ sinh trường lớp sẵn sàng đón HS trở lại trường.

Chủ động giữ an toàn trường học

Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Trong phòng chống bão lụt, các trường học ở Đà Nẵng quán triệt phương châm 4 tại chỗ. Các đơn vị, trường học cần chủ động xây dựng phương án bảo vệ con người và tài sản của đơn vị, trường học. Trước mỗi năm học mới, các trường học đều triển khai rà soát, tu bổ cơ sở vật chất trường lớp. Các trường học đều chủ động tổ chức cắt tỉa cây xanh trong khuôn viên, những cây có nguy cơ gãy cành, ngã đổ. Hệ thống điện, các thiết bị điện, cáp viễn thông bảo đảm độ cao an toàn, không gây nguy hiểm khi đi lại trước khi HS tựu trường.

Nằm ở vùng thấp trũng, điểm trường thôn Trường Định của Trường Tiểu học Hòa Liên (Huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) bị ngập nước 2 lần chỉ trong mấy ngày Đà Nẵng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 6. Thế nhưng, các thiết bị đồ dùng dạy học, ti vi, hồ sơ sổ sách của GV vẫn không bị hư hỏng.

Ông Phùng Hoàng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) chia sẻ kinh nghiệm: “Trong trường hợp phải cho HS nghỉ học giữa buổi hoặc cuối buổi học đối với HS bán trú thì nhà trường phải giữ HS ở lại trường cho đến khi có phụ huynh đến đón. Đối với các trường học trên địa bàn những nơi ngập úng, thấp trũng, những nơi có công trình, cầu cống không an toàn… có thể gây nguy hiểm cho giáo viên, nhân viên và học sinh, nhất là học sinh nhỏ tuổi thì thủ trưởng đơn vị chủ động liên lạc với phụ huynh để đưa đón học sinh đi, về an toàn. Các trường học phải có bảng cảnh báo khu vực nguy hiểm, trơn trượt, khu vực ngập nước”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.