Miễn trừ sở hữu trí tuệ vì đại dịch!

GD&TĐ - Ấn Độ và Nam Phi là những quốc gia đi đầu kêu gọi miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty dược phẩm.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Từ đó, các quốc gia này có thể tự sản xuất, thúc đẩy quá trình sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19. Nhiều quốc gia đang phát triển khác cũng ủng hộ quyết định này vì cho rằng đây là cách duy nhất bảo đảm các nước trên thế giới được tiếp cận vắc-xin công bằng, bình đẳng và giá cả phải chăng.

Ngành công nghiệp điều chế vắc-xin Covid-19 được dự đoán đang đi chậm hơn mức cần thiết. Một trong những rào cản đến từ quyền độc quyền dành cho các công ty sở hữu bằng sáng chế vắc-xin theo luật của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Trong khi đó chính phủ các nước phương Tây đã hỗ trợ tiền bạc, thiết bị cho việc phát triển vắc-xin. Dù được đầu tư bởi ngân sách Nhà nước, việc điều chế vắc-xin lại rơi vào tay tư nhân, không thể chia sẻ rộng rãi trên thế giới.

Đề xuất miễn trừ bản quyền được đưa ra sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến khích tập hợp quyền sở hữu trí tuệ vắc-xin thành “Nhóm tiếp cận công nghệ Covid-19”.

Trước đó, ngày 14/4, hơn 170 cựu lãnh đạo thế giới gồm cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown, cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande và các nhà khoa học đạt giải Nobel đã ký thư ngỏ kêu gọi Tổng thống Biden miễn trừ bản quyền cho vắc-xin Covid-19.

Họ lập luận rằng các nước nghèo nhất thế giới có thể mất vài năm để hoàn thành kế hoạch tiêm chủng quốc gia với tốc độ sản xuất và phân bổ vắc-xin như hiện nay.

Ý tưởng này không nhận được sự ủng hộ từ các nước lớn như Anh, Mỹ và EU hay công ty nắm giữ bằng sáng chế vắc-xin. Tuy nhiên, cuối tháng 4, Nhà Trắng cho biết đang xem xét phương án giúp thúc đẩy nguồn cung vắc-xin Covid-19 trên thế giới, trong đó có phương án từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ.

Thông tin này khiến ngành dược phẩm các nước lo lắng. Một số nhà sản xuất vắc-xin đã cảnh báo chính quyền Tổng thống Biden rằng nếu miễn trừ, công nghệ điều chế vắc-xin, chẳng hạn như kết quả nghiên cứu mRNA, có thể chuyển giao cho các nước khác.

Họ hy vọng có thể giữ những nghiên cứu này phục vụ điều chế vắc-xin mới để đón đầu các đại dịch tiếp theo hoặc phương pháp điều trị trong tương lai.

Lập luận chính của các nhà sản xuất vắc-xin là việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ không phải là giải pháp. Vắc-xin thường có ít bằng sáng chế hơn so với thuốc nhưng việc sản xuất chúng phức tạp hơn.

Yếu tố quan trọng trong việc điều chế vắc-xin là tính chuyên môn hóa của các cơ sở sản xuất. Lấy ví dụ, hãng dược Johnson & Johnson đã kiểm tra 100 đối tác tiềm năng nhưng chỉ chọn ra được 10 nơi để hợp tác sản xuất vắc-xin.

Điều chế vắc-xin cần nhà máy khổng lồ, kỹ năng tân tiến hơn là bằng sáng chế nhưng những yêu cầu này không phải quốc gia nào hay nhà sản xuất nào cũng đáp ứng được.

Nếu nới lỏng yêu cầu về quyền sở hữu trí tuệ, giải pháp này có thể làm giảm mức độ an toàn của vắc-xin. Những hãng dược đi đầu có thể phải cử người đến giám định nhà sản xuất mới, từ đó làm giảm nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất ở những nhà máy có sẵn.

Hơn nữa, việc xây dựng nhà máy có thể mất 3 - 4 năm nên việc điều chế vắc-xin không còn mang tính thời điểm.

Nỗ lực sản xuất hàng loạt vắc-xin Covid-19 trên quy mô toàn cầu gặp khó bởi nhiều bất cập, không chỉ nằm ở quyền sáng chế. Nó gồm hạn chế về nguồn cung cấp vật liệu, như hạt nano béo, túi phản ứng sinh học.

Dù được cấp bằng sáng chế, các nhà máy mới cũng sẽ phải đối mặt với khó khăn tương tự. Do đó, việc đẩy nhanh sản xuất vắc-xin Covid-19 trong năm 2021, dù có bằng sáng chế hay không, vẫn là thử thách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.