Vắc xin Covid-19: Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra

GD&TĐ - Người dân Mỹ Latinh đang giành giật từng cơ hội được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong khi các quốc gia tại châu Phi, châu Á cũng thụt lùi so với châu Âu hay Bắc Mỹ trong kế hoạch tiêm chủng nhưng nhu cầu tại Mỹ Latinh đặc biệt cấp thiết.

Sự khan hiếm do một số yếu tố như các nước thu nhập cao đã mua tích trữ vắc-xin hay việc sản xuất, xuất khẩu vắc-xin tại một số nước bị chậm trễ. Trong khi chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lâm vào bế tắc do sản xuất có vấn đề, thiếu sự hỗ trợ từ các quốc gia giàu có. Mới đây nhất là cuộc khủng hoảng Covid-19 tại Ấn Độ, nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới gây ảnh hưởng xấu đến việc xuất khẩu.

Tính đến ngày 26/4, Colombia, quốc gia có dân số khoảng 50 triệu người, mới phân phối hơn 4 triệu liều vắc-xin Covid-19, tương đương khoảng 1,3 triệu người được tiêm 2 mũi. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn là “điểm sáng” trong khu vực.

Honduras, Venezuela hay Nicaragua ghi nhận dưới 1% dân số được tiêm ít nhất một liều vắc-xin. Paraguay đã triển khai tiêm chủng hai liều Covid-19 cho 0,6% dân số. Với tốc độ hiện tại, quốc gia này sẽ mất 454 ngày để nâng lên mức 10%. Với Peru là 371 ngày, 150 ngày tại Bolivia. Tại Peru hay một số quốc gia khác, “hộ chiếu vắc-xin” sẽ là một tương lai xa xỉ.

Brazil, quốc gia lớn nhất trong khu vực, hiện đang là “tâm chấn” Covid-19 trên thế giới. Chính phủ vẫn đang loay hoay tìm mua đủ vắc-xin, phục vụ kế hoạch tiêm chủng mới bằng 1/2 so với dự kiến ban đầu.

Vì việc triển khai vắc-xin gần như giậm chân tại chỗ, các ca nhiễm Covid-19 từ Argentina đến Colombia tăng vọt. Số ca nhiễm cũng cao kỷ lục. Ngoài ra, đầu tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo nếu triển khai vắc-xin chậm, số ca nhiễm tăng cao, triển vọng phục hồi kinh tế trong tương lai gần của Mỹ Latinh gần như tan biến.

Chậm triển khai vắc-xin cũng gây ra làn sóng bất bình trong người dân, chính phủ các nước. Tại Paraguay, người dân bày tỏ bức xúc khi nhận thấy số lượng vắc-xin được phân bổ từ chương trình COVAX ít. Trước làn sóng phẫn nộ của người dân, trưởng đại diện của WHO tại Paraguay vừa phải rời khỏi quốc gia này.

Trái ngược với bối cảnh ảm đạm của Mỹ Latinh, tại Bắc Mỹ, nguồn vắc-xin của Canada, Mỹ tương đối dồi dào. Tính đến ngày 25/4, Canada đã tiêm hơn 12 triệu liều vắc-xin Covid-19, tương đương với 24,2% dân số. Nhờ đó, tỷ lệ dân số được tiêm chủng hàng ngày tăng vọt. Trong tuần này, Canada dự kiến nhập khẩu 1,9 triệu liều vắc-xin, trong đó có vắc-xin Johson&Johson.

Vượt qua Canada, Mỹ đang đối mặt với khủng hoảng thừa vắc-xin Covid-19. Tại nhiều bang, nguồn cung vượt cầu khiến chính quyền không dùng hết số liều vắc-xin được phân bổ. Tình trạng này xuất hiện từ các thành phố lớn cho đến vùng nông thôn cách trở.

Một phần của tình trạng trên đến từ việc người dân Mỹ e ngại phải tiêm vắc-xin. Hơn một năm qua, người dân quốc gia này đã sống chung và dần quen với sự xâm chiếm của đại dịch.

Nhiều người mệt mỏi, số khác thờ ơ nhưng tựu chung lại, họ không quá hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng quốc gia. Chính quyền địa phương phải tìm cách tham vấn tâm lý, vận động, thậm chí là khẩn thiết kêu gọi người dân tiêm chủng vắc-xin.

Bức tranh tương phản giữa Mỹ Latinh và Bắc Mỹ không chỉ là vấn đề riêng của khu vực này mà là tình trạng chung trên thế giới, mở rộng ra là giữa các châu lục như châu Á, châu Phi so với châu Âu.

Bài toán này cần sự chung tay giải quyết của nước giàu lẫn nước nghèo. Các quốc gia đang thừa vắc-xin có thể chia sẻ nguồn cung với các quốc gia gặp khó khăn. Đồng thời, các quốc gia giậm chân cần nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai tiêm chủng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ