Miền núi Thanh Hóa: Chất lượng đầu vào lớp 10 THPT còn thấp

Miền núi Thanh Hóa: Chất lượng đầu vào lớp 10 THPT còn thấp

(GD&TĐ) - Tại nhiều trường THPT ở khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa đang tồn tại một thực trạng là nhiều học sinh chỉ cần tránh điểm liệt (từ 0,25 điểm trở lên) các môn thi là có thể đỗ vào lớp 10 trong các kỳ thi vào lớp 10 THPT hàng năm.

Trường THPT Lang Chánh. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Trường THPT Lang Chánh. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
 

Được biết, trong kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2013 - 2014 vừa qua tại Thanh Hóa, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT công lập là 31.950 học sinh. Theo tìm hiểu tại một số trường THPT miền núi tại Thanh Hóa cho thấy tổng điểm thi đầu vào lớp 10 tương đối thấp, học sinh chỉ cần có tổng số điểm 0,75 điểm/3 môn thi là đỗ.

Cụ thể, tại Trường THPT Lang Chánhcó tới gần 3/4 số học sinh có điểm thi vào lớp 10 đạt từ 2 điểm/3 môn thi trở xuống. Có em chỉ đạt 0,75 điểm/3 môn thi. Trường THPT Mường Lát số học sinh dưới điểm trung bình chiếm tới 60%. .

Ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện miền núi Bá Thước - cho biết: Huyện có 3 trường THPT. Tuy nhiên, chất lượng đầu vào cũng tương đối thấp: bình quân đạt 9,25 điểm/3môn thi. Tỷ lệ điểm dưới trung bình chiếm 58%, thấp kém là 15%.

Lý giải về vấn đề này, thầy Nguyễn Đình Bảy - Hiệu trưởng Trường THPT Lang Chánh - cho biết: Chất lượng đầu vào ở các trường miền núi là tình trạng chung nhiều năm nay. Nguyên nhân do điều kiện kinh tế của các em còn nhiều khó khăn, nhận thức về việc học còn hạn chế, tâm lý ỷ lại... Chất lượng đầu vào thấp ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học của trường. Ngay từ đầu năm học, nhà trường phải bố trí để phụ đạo thêm cho các em, giúp các em cũng cố thêm kiến thức.

Mặc dù điểm đầu vào lớp 10 thấp, nhưng nhiều trường THPT ở khu vực miền núi của tỉnh này cũng không tuyển đủ chỉ tiêu của Sở GD&ĐT giao. Cụ thể: Trường THPT Lang Chánh, chỉ tiêu là 450 học sinh, nhưng chỉ tuyển được 393 học sinh; Trường THPT Mường Lát, chỉ tiêu là 405 học sinh, hồ sơ đăng ký dự thi là 364, tuyển được 343 học sinh; Trường THPT Bá Thước 3, thiếu 30 chỉ tiêu.

Ông Nguyễn Văn Tùng cho biết thêm, chỉ tiêu do Sở GD&ĐT Thanh Hóa giao cho các trường là dựa trên cơ sở số học sinh tốt nghiệp THCS. Nhưng, do điều kiện kinh tế khó khăn nhiều em không thể tiếp tục theo học lên THPT, trong khi đó các em cũng đã lớn có thể đi làm giúp đỡ gia đình.

Cũng có nhiều trường hợp do các em học yếu quá không thể theo học được. Mặt khác, nhiều học sinh không học THPT mà chuyển sang học nghề. Theo tôi nghĩ, sự phân luồng học sinh như trên là tín hiệu đáng mừng đối với giáo dục miền núi.

Nguyễn Quỳnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ