Tuy nhiên, không phải nước nào cũng có thể áp dụng được kinh nghiệm của Trung Quốc.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Trung Quốc trong tháng 3 mới được công bố chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ 2021. Cùng thời gian này năm ngoái, chỉ số CPI của Trung Quốc cũng chỉ tăng 0,9% so với năm trước đó và thuộc hàng thấp nhất thế giới.
Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát của Mỹ lại đang trong tình trạng ngược lại với mức tăng kỷ lục kể từ năm 1982 là 8,5% trong tháng 3. Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), lạm phát cũng đạt mức kỷ lục 7,5% vào tháng 4.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, có tới khoảng 71% trong số 109 nền kinh tế mới nổi và đang phát triển trên toàn cầu đã trải qua mức lạm phát từ 5% trở lên năm 2021. Chỉ số này càng cho thấy rõ mức lạm phát tại Trung Quốc năm ngoái và những tháng đầu năm nay đang ở mức thấp như thế nào.
Trong tuần này, Trung Quốc sẽ công bố số liệu lạm phát của tháng 4 với mức dự báo tăng nhẹ, nhưng sẽ không vượt qua mức 3% mà Bắc Kinh xác định cho cả năm 2022.
Các chuyên gia cho rằng, một phần nguyên nhân giúp Trung Quốc miễn nhiễm với đà lạm phát phi mã trên toàn cầu là do nhu cầu tiêu dùng – vốn là nguyên nhân chính gây ra lạm phát ở Mỹ, hiện rất yếu ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, nước này còn sử dụng các phương pháp bao gồm kiểm soát giá cả và bảo hộ thương mại, để giữ lạm phát nhập khẩu không gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng.
Biện pháp trên được đánh giá sẽ giúp ích cho kinh tế Trung Quốc ít nhất trong ngắn hạn, nhưng sẽ gây tốn kém khổng lồ về chi phí nếu xét trên dài hạn. Đây chính là lý do kinh nghiệm kiềm chế lạm phát ở Trung Quốc khó có thể áp dụng ở các nền kinh tế khác trên thế giới do chi phí quá cao.
Trong khi đó, Trung Quốc ít chịu ảnh hưởng từ lạm phát do nước này phụ thuộc nhiều vào đầu tư hơn là tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng. Do đó, sức tiêu thụ hiện nay của Trung Quốc do đang trải qua giai đoạn giãn cách còn ít có khả năng ảnh hưởng đến lạm phát hơn cả so với thời kỳ chưa xuất hiện đại dịch Covid-19.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc sẽ vẫn phải đối mặt với lạm phát nhập khẩu, vì nước này mua một lượng lớn dầu, khí đốt và ngũ cốc từ nước ngoài. Trong khi đó, mặt bằng giá chung của các mặt hàng này đã tăng vọt trong thời gian qua do nguồn cung biến động vì cuộc xung đột Nga - Ukraine, hai nước xuất khẩu năng lượng và lương thực lớn của thế giới.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ vẫn đủ khả năng duy trì lượng dự trữ khổng lồ các mặt hàng chiến lược để có thể hạn chế áp lực về giá cả như các nước khác. Hiện nước này vẫn có đủ lúa mì dự trữ để đáp ứng nhu cầu nội địa trong 1,5 năm và đủ gạo để đáp ứng 103% nhu cầu cả năm.
Kho dự trữ dồi dào chính là “vùng đệm” để Trung Quốc có thể đối phó với bối cảnh chi phí nhập khẩu cao với các mặt hàng thiết yếu, qua đó tránh ảnh hưởng lập tức đến người tiêu dùng.
Lúc này, câu hỏi lớn nhất đối với Trung Quốc là liệu các chính sách quản lý giá cả của họ có thể duy trì trong thời gian dài nếu lạm phát tiếp tục lan rộng trên toàn thế giới hay không.