Các cơ quan chức năng đã phun khử trùng được 1.293 lít thuốc sát trùng tại những vùng có ASF. Sau khi phát hiện ổ dịch ASF tại đàn heo ở địa bàn xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 18/3, các địa phương tính từ Đã Nẵng trở vào Nam đã tăng cường các công tác phòng chống ASF nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan vào khu vực miền Nam.
Bình Thuận là địa bàn có tuyến quốc lộ 1 đi qua, kết nối tuyến phía Bắc với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, vì thế các cơ quan thú y, quản lý thị trường, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông đang rất khẩn trương thực hiện công tác phòng ngừa ASF. Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện tại tất cả cửa ngõ ra vào tỉnh Bình Thuận đều được chốt chặn bằng các trạm kiểm dịch tạm thời, kể cả những tuyến tỉnh lộ, đường nhánh tại các huyện.
Các trạm kiểm dịch động vật này hoạt động 24/24 giờ, nhiệm vụ kiểm soát chặt xe vận chuyển lợn, xe chở sản phẩm từ lợn, xe vận chuyển gia súc gia cầm. Các xe vận chuyển gia súc gia cầm khi qua trạm đều phải có giấy kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đồng thời buộc phải phun thuốc sát trùng, tiêu độc mới được di chuyển.
Tại tỉnh Đồng Nai, ngoài 2 chốt kiểm dịch động vật ở quốc lộ 1 và quốc lộ 20, hiện đã có thêm 5 chốt để kiểm soát lợn vận chuyển từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương chuyển đến. Tại TP. Hồ Chí Minh, ngoài 4 chốt kiểm dịch đã có từ trước, sắp tới các cơ quan chức năng sẽ mở thêm các chốt kiểm dịch tạm thời tại các tuyến cao tốc, quốc lộ, các đường nhánh kết nối với các tỉnh thành khác.
Để phòng chống ASF đạt hiệu quả, ngày 19/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh đã gửi văn bản đến các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ Bình Thuận trở vào để hợp tác phòng chống ASF.
Ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y TP.Hồ Chí Minh cho biết, TP. Hồ Chí Minh đề nghị các tỉnh thành khu vực miền Nam tăng cường giám sát hoạt động các điểm thu gom lợn sống, theo dõi nguồn gốc, xuất xứ; khi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển lợn sống từ các tỉnh đang có dịch phải tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và xử lý nghiêm những trường hợp lợn, thực phẩm lợn có dấu hiệu bị bệnh dịch …
Tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh ngoài yêu cầu các trạm kiểm soát động vật chốt chặt trên các tuyến chính hiện đã thành lập thêm nhiều đoàn kiểm tra liên ngành và tổ chức kiểm tra thịt lợn tại các chợ, lò mổ, bếp ăn tập thể đồng thời tăng cường tuyên truyền về ASF cho các cơ sở chăn nuôi, tiểu thương, người tiêu dùng để phòng tránh hiệu quả.
Tăng cường giám sát các điểm thu gom lợn sống |