Không chủ quan
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, thứ trưởng của Bộ này, ông Đặng Hoàng An hôm qua đã làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình về việc triển khai, phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình) cho biết: sau khi phát hiện ổ dịch tại xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư (vào ngày 9/3/2019. Nguyên nhân chính đã được xác định, do chủ hộ chăn nuôi cho đàn lợn sử dụng thức ăn thừa (xúc xích) chưa qua xử lý nhiệt.
Ngay sau khi công bố dịch, huyện Hoa Lư đã thành lập 6 chốt kiểm dịch động vật liên ngành trực 24/7 để phòng, chống dịch bệnh đồng thời ban hành công điện khẩn yêu cầu các xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch.
Chốt kiểm dịch tại địa phương |
Đáng chú ý, cơ quan chức năng đã thống kê: 46% nguyên nhân lây bệnh là do vận chuyển. Nếu kiểm soát tốt vận chuyển lưu thông, phun thuốc khử trùng thì có thể loại trừ được nguyên nhân này.
Thứ trưởng ngành Công thương đề nghị cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền. Có thể mở riêng chuyên mục về dịch tả lợn châu Phi trên một số báo, đài, tuyên truyền qua mạng xã hội (phương tiện mà được đông đảo lớp trẻ, học sinh theo dõi, tuyên truyền qua mạng lưới thông tin cơ sở, đoàn thanh niên, hội phụ nữ…).
Ông Đặng Hoàng An cho rằng nếu kích cầu không bắt đầu từ khâu tuyên truyền sẽ rất khó thành công. Đây là một trong những giải pháp cứu cánh, lấy lại niềm tin cho thịt lợn...
Chính người tiêu dùng mới cứu được lợn sạch
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tính đến nay, tổng trọng lượng lợn bị bệnh và tiêu hủy chiếm khoảng 0,08% so với tổng nguồn cung trong năm. Đến thời điểm hiện nay nguồn cung trong nước vẫn được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân và các hoạt động sản xuất, chế biến.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất của tỉnh hiện nay đó chính là khâu tiêu thụ sản phẩm. Cục Quản lý Thị trường Ninh Bình hôm qua cũng đã đề nghị Bộ Công Thương xem những địa phương có nhu cầu lượng thịt lớn, kết nối tiêu thụ cho các hộ chăn nuôi tại Ninh Bình.
Bộ Công Thương cho rằng, việc hỗ trợ thấp nhất 80% giá trị sản phẩm cho bà con chăn nuôi vùng bị nhiễm dịch đã cơ bản tháo gỡ khó khăn bước đầu cho người nông dân, đảm bảo bà con nông dân không dấu khi đàn lợn bị nhiễm bệnh, thuận lợi cho quá trình phát hiện và khống chế dịch bệnh ngay tại chuồng.
Tuy nhiên tổng cầu hiện nay đang bị ảnh hưởng bởi thịt lợn, nếu không có phương án tái đàn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu sau này. Chính vì vậy, mục tiêu đưa ra không để bệnh lây lan vào khu vực phía nam.
Theo Bộ Công Thương, trong trường hợp dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục lây lan tại Việt Nam có khả năng ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu từ các nước không bị ảnh hưởng bởi Dịch tả lợn Châu Phi như Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ... Tuy nhiên, trong thời gian xảy ra dịch bệnh, người tiêu dùng sẽ e ngại hơn trong sử dụng thịt lợn nên các doanh nghiệp thương mại cũng sẽ căn cứ vào các tín hiệu của thị trường để xác định lượng nhập khẩu phù hợp, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.