Thông tin trẻ ăn thịt lợn nhiễm sán tại một trường mầm non ở Bắc Ninh dạo gần đây gây xôn xao dư luận, làm bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng phải chột dạ.
Nhiều người lo ngại về chuyện ăn thịt lợn gần đây, không chỉ là do dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt mà còn bởi nguy cơ nhiễm sán cực cao.
Thông tin trẻ ăn thịt lợn nhiễm sán tại một trường mầm non ở Bắc Ninh dạo gần đây gây xôn xao dư luận, làm bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng phải chột dạ.
Tuy nhiên, theo TS Từ Ngữ (Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam), không chỉ thịt lợn mà rất nhiều loại thịt khác cũng có nguy cơ nhiễm sán cao không kém.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật thì thịt lợn đứng đầu danh sách có nguy cơ nhiễm sán cao nhưng không vì thế mà loại bỏ rất nhiều loại thịt khác khỏi nguy cơ này, hoặc đánh đồng việc loại bỏ thịt lợn ra khỏi chế độ ăn.
Điều quan trọng nhất vẫn là lựa chọn đúng thịt không nhiễm sán, thực hiện nguyên tắc ăn chín uống sôi để bảo vệ sức khỏe.
Một số loại thịt có nguy cơ nhiễm sán đứng đầu danh sách được giới chuyên gia lên tiếng cảnh tỉnh cùng dấu hiệu đi kèm để nhận biết là:
Thịt bò
Theo BS Trần Huy Thọ (Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TƯ), có thể rất nhiều người ngạc nhiên nhưng tại Việt Nam, tỷ lệ mắc sán dây bò cao hơn hẳn sán dây lợn (người mắc sán dây bò chiếm 78%, trong khi sán dây lợn là 22%).
Ăn thịt bò tái có nguy cơ nhiễm sán dây bò nhiều nhất. Cùng với đó, ăn thịt bò tái còn có nguy cơ bị sán lá gan. Những loại ký sinh trùng này có thể gây bệnh tại đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến ruột, gan và các cơ quan khác trong cơ thể.
Người bị sán dây bò tấn công thường có cảm giác khó chịu, rối loạn tiêu hóa, bứt rứt, đầy bụng, đau vùng rốn, dần dần thấy mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, hạ huyết áp và thiếu máu... Khi sán dây bò sống trong ruột người, chúng sẽ sử dụng hết các chất dinh dưỡng khiến người bệnh thiếu máu, thiếu sắt…
Dấu hiệu nhận biết: Thớ thịt xuất hiện những hình sợi hoặc hình bầu dục to bằng hạt đậu, màu trắng hoặc vàng xám nằm song song thớ thịt. Miếng thịt bò này chắc chắn đã bị nhiễm sán.
Khi sờ vào thịt bò sống có cảm giác cứng, không mềm mại, thiếu độ dẻo dính đặc trưng cũng là miếng thịt cần loại bỏ.
Cá
Việc ăn cá chưa được nấu chín kỹ, nhất là tiêu thụ cá khoái khẩu trong nhiều món ăn hiện đại khiến cho con người có nguy cơ nhiễm sán cao. Trong đó, ăn gỏi cá, cá sống trong những món như sushi, sashimi... rất được ưa chuộng. Nhất là ở vùng Tây Bắc nước ta, một số dân tộc còn duy trì món ăn truyền thống mang tên cá nhảy.
Việc ăn cá chưa được nấu chín kỹ, nhất là tiêu thụ cá khoái khẩu trong nhiều món ăn hiện đại khiến cho con người có nguy cơ nhiễm sán cao.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), cá là loài thủy sản có nguy cơ nhiễm khuẩn và ký sinh trùng có hại từ trong nước.
Nếu ăn khi chưa được nấu chín kỹ, bạn cũng có nguy cơ đưa những sinh vật gây hại này vào cơ thể, gây ra một loạt bệnh đường ruột.
Cá sống có thể nhiễm khuẩn và nhiễm ký sinh trùng như giun đầu gai Gnathostoma. Giun có thể vào các bộ phận của cơ thể như vào hệ hô hấp (gây ho..), gan, mắt (gây mù lòa), di chuyển dưới da, thậm chí là não và tủy sống.
Nguy hiểm nhất là nếu giun định vị trong hệ thần kinh trung ương và gây chứng viêm não tủy, làm rối loạn cảm giác, liệt tứ chi và có thể tử vong.
Dấu hiệu nhận biết: Nên chọn những con cá tươi, mắt cá lấp lánh, trong veo, thấy rõ con ngươi bên trong. Mang cá ngon đỏ tươi. Ấn tay vào cá thấy thịt chắc, độ đàn hồi tốt, hậu môn cá săn chắc, không có dịch ruột trào ra, cá màu sáng bóng.
Không chọn cá có mắt màu đục, mờ, nhìn không rõ bên trong, mang bên trong đỏ sẫm hoặc nâu đen, thịt cá mềm hơn, thậm chí nhũn, chảy dịch khi bóp hậu môn và bụng.
Khi thái thịt cá để ý những thớ thịt. Nếu có những dải trắng đục cần đề phòng. Sán cá thậm chí sẽ bò ra bên ngoài khi bạn làm cá, cần loại bỏ ngay.
Thịt chó
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, so với thịt các động vật khác như trâu, bò, thịt chó có tính phức tạp hơn rất nhiều bởi đây là động vật ăn tạp bất kể là thịt sống hay chín, không ăn cây cỏ như trâu bò. Do đó, thịt chó dễ bị nhiễm giun sán hơn.
Theo Webmd, việc lây nhiễm sán dãi chó và ấu trùng sán dãi chó cực nguy hiểm. Nếu trú ngụ ở mắt, chúng có thể gây mù. Nếu ở não, dây thần kinh sẽ bị chèn ép gây chứng điên loạn. Ấu trúng sán dãi chó xâm nhập vào gan, lách, phổi tạo nhiều u nang, làm suy yếu cơ quan, thậm chí người bệnh sẽ bị tử vong do nhiễm trùng.
Không chỉ một loại sán mà có vô số loại sán có thể lây nhiễm từ việc ăn thịt chó sang cơ thể con người. Các loại sán, giun, ấu trùng có thể nhiễm từ thịt chó qua người là: Toxocara Canis, ấu trùng sán Echinococcus Granulosus, ấu trùng sán Spirometramansoni, hay Spirometra Erinacei, sán Dipylldium Canium…
Vậy là bên cạnh quá nhiều nguyên nhân không nên ăn thịt chó, đây cũng là lý do bạn cần cân nhắc nếu cứ tiếp tục ăn loại thịt này.