Trong khi cơ quan chức năng đang tích cực đồng bộ dữ liệu, tích hợp thông tin vào căn cước công dân (CCCD) gắn chíp thì người dân vẫn ngược xuôi xin xác nhận nhiều thủ tục hành chính bởi hộ khẩu giấy đã bị “khai tử”.
Đi học phải xác nhận cư trú
Gần 11 giờ trưa ngày 23/2, anh N.V.H (30 tuổi) ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) vẫn đang loay hoay ở công an xã nơi anh cư trú để hoàn thiện một số giấy tờ thủ tục hành chính. Anh H cho biết, từ 1/1/2023 bỏ sổ hộ khẩu giấy dùng bằng thẻ CCCD. Vì vậy, CCCD cần được đồng bộ các dữ liệu, nhất là hoàn thành được xác thực mã số định danh mức độ 2 để thuận tiện trong giao dịch hành chính và trong công việc.
“Tôi đã tiến hành xác thực mã số định danh mức độ 2 tại cơ quan công an xã với một số giấy tờ như: Căn cước công dân, đăng ký xe máy, đăng ký xe ô tô, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế... Tuy nhiên đến nay hạng mục “ví giấy tờ” trong ứng dụng VNeeID mới thể hiện được căn cước công dân hai mặt, còn các loại giấy tờ khác vẫn chưa đồng bộ, một số giấy tờ khác vẫn chờ xác thực dù đã đăng ký từ năm 2022...”, anh N.V.H chia sẻ.
Theo anh H, thông tin trên ứng dụng VNeID do Bộ Công an phát triển và quản lý hiện vẫn chưa đồng bộ những giấy tờ liên quan như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế hay các giấy tờ khác. Vì vậy trong quá trình làm nhiều thủ tục hành chính cần sổ hộ khẩu (trước đây) thì CCCD chưa thể thay sổ hộ khẩu mà vẫn cần xác nhận cư trú.
Để thực hiện mua bán căn hộ nhà ở, chị N.G.L trú tại quận Đống Đa (Hà Nội) phải hoàn thiện giấy xác nhận tình trạng hôn nhân ở UBND phường nơi cư trú. Tuy nhiên thay vì mang sổ hộ khẩu ra UBND phường để xin xác nhận như trước năm 2023 thì nay chị N.G.L vừa phải khai thông tin ở UBND phường vừa ra công an phường để xin xác nhận cư trú.
“Do điều kiện công việc, học tập đi lại nhiều, trong khi đó xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân mà phải đi cả hai đơn vị (UBND và công an) rất mất thời gian, thậm chí ảnh hưởng đến tiến độ công việc thực hiện mua bán...”, chị N.G. L nói.
Công tác tại quận Đống Đa (Hà Nội) nhưng hộ khẩu chị Đoàn T.H lại ở xã Đại Cường (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) việc bỏ sổ hộ khẩu từ 1/1/2023 khiến chị H lo lắng, trong đó có việc xin xác nhận cư trú để cho con đi học.
Theo chị H, để chuẩn bị cho đăng ký nhập học (năm học 2023 - 2024) cho con gái thì hồ sơ nhà trường yêu cầu có giấy xác nhận cư trú. “Do hoàn cảnh gia đình sống và làm việc ở Đống Đa nhưng hộ khẩu ở Ứng Hòa nên việc đi lại xin giấy xác nhận cư trú rất vất vả. Nếu như trước đây chỉ nộp hộ khẩu photo công chứng thì nay phải xin thêm một giấy tờ khác kèm theo...”, chị Đoàn T.H cho hay.
Lý giải thêm về khó khăn này, chị H cho biết, do mới ly hôn chồng trong khi đó hộ khẩu giấy đã bỏ nhưng CCCD chưa cập nhật khiến chị gặp khó trong xin xác nhận giấy cư trú. “Việc xin xác nhận giấy cư trú được tạo điều kiện nhưng phải chờ đợi phía công an xác minh và xin giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân xong UBND xã mới cấp giấy xác nhận cư trú. Trong khi đó công việc bận và điều kiện đi lại khó khăn…”, chị Đoàn T.H nói.
Theo chị H, dù đã trao đổi với cô hiệu trưởng là con gái đi học đúng tuyến nhưng vẫn phải có giấy xác nhận cư trú. “Xác định thông tin cư trú, giấy xác nhận cư trú của trẻ để giải quyết đúng nhu cầu học khách quan và tránh tình trạng nhập học không đúng tuyến”, chị H bày tỏ.
Người dân chờ đợi xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại Hà Nội. |
Giấy xác nhận cư trú “lên ngôi”
Cũng liên quan đến giấy xác nhận cư trú để nhập học cho học sinh đầu cấp năm học 2023 - 2024 tới đây, đại diện UBND phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, việc xác nhận cư trú là tạm trú hay có hộ khẩu trên địa bàn thuộc chức năng của Công an phường Thượng Đình.
“Thay vì không còn sổ hộ khẩu thì việc xác nhận cư trú để các trường căn cứ nhập học đầu cấp cho trẻ đúng tuyến là cần thiết. Bởi có trường học không nhận tạm trú mà phải là học sinh có hộ khẩu thường trú được phân tuyến theo quyết định của địa phương. Riêng với trường hợp xác nhận tình trạng hôn nhân cho người dân do UBND cấp trên căn cứ xác nhận cư trú của công an địa phương...”, vị cán bộ phường Thượng Đình chia sẻ.
Đại diện UBND phường Thượng Đình cũng cho biết, về cơ bản những hồ sơ liên quan đến sổ hộ khẩu trước đây cần thì người dân có nhu cầu xin giấy xác nhận cư trú để thực hiện thủ tục giao dịch, trong đó có xác nhận tình trạng hôn nhân. Theo đó, để xác nhận tình trạng hôn nhân thì cán bộ tư pháp phải biết được thông tin cư trú của người dân tại địa phương kèm theo mốc thời gian. Trong khi đó, nếu như trước đây sổ hộ khẩu thể hiện thì CCCD hiện nay không thể hiện được thông tin này.
Tháo gỡ khó khăn về giấy xác nhận cư trú, ông Phan Cao Lạc - Chủ tịch UBND xã Nam Triều (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, địa phương đề nghị phía công an tạo điều kiện hết mức cho người dân từ tiếp nhận thông tin và hoàn thiện giấy tờ trong ngày. Tuy nhiên có những trường hợp phải chờ đợi, nhất là người lớn tuổi mà hồ sơ công an phải xin sao lục tại cấp huyện. Về lâu dài, ông Phan Cao Lạc cũng cho biết, cơ quan chức năng tiếp tục cập nhật các thông tin về cư trú của người dân trên hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác, để giúp dễ dàng tra cứu, xử lý.
Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, trước khi Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực đã có những hướng dẫn cách thức thay thế sổ hộ khẩu. Sử dụng thẻ CCCD gắn chíp là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú.
Theo ông Lê Như Tiến – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội (ĐBQH khóa XII, XIII) phương thức quản lý dân cư mới vẫn khiến cơ quan, tổ chức, người dân luẩn quẩn phụ thuộc vào giấy xác nhận cư trú là trách nhiệm của các ngành chức năng. Căn cước công dân phải được tích hợp tất cả các dữ liệu thông tin mang lại thuận lợi cho người dân, không cần phải xin xác nhận cư trú. Phương thức quản lý mới - bỏ sổ hộ khẩu từ 1/1/2023 cũng cần thời gian để hoàn thiện dữ liệu, song cơ quan chức năng cần sớm được tháo gỡ đồng bộ dữ liệu, bỏ giấy xác nhận cư trú để người dân không phải chờ đợi, mệt mỏi đi xin.