Tuy nhiên từ 1/1/2023, theo quy định tại Luật Cư trú, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức hết giá trị sử dụng. Nhiều phụ huynh TPHCM quan tâm đến việc các trường sẽ tuyển sinh đầu cấp (lớp 1, lớp 6) như thế nào.
Không ảnh hưởng đến tuyển sinh
Quy định mới về sổ hộ khẩu có hiệu lực, nhiều phụ huynh tỏ ra vui mừng khi “thoát” khỏi các loại giấy tờ phức tạp, không phải sao y chứng thực giấy tờ khi thực hiện thủ tục nhập học cho con. Tuy nhiên, không ít người tỏ ra băn khoăn không biết sẽ lấy gì chứng minh cho thông tin cá nhân, đặc biệt là những bậc phụ huynh có con chuẩn bị “vượt cấp”.
Chị Đặng Thị Dưng trú tại TP Thủ Đức cho biết, năm học 2022 - 2023 vừa rồi, con trai đầu của chị vào lớp 1. Trước đó, gia đình chị Dưng được UBND phường thông báo chuẩn bị sổ hộ khẩu hoặc tạm trú bản photo kèm theo giấy khai sinh của cháu cùng với số điện thoại liên lạc sau đó về tổ dân phố hoặc lên trực tiếp phường.
Là phụ huynh có con chuẩn bị bước vào cấp THCS, chị Trần Thị Tuyết trú tại quận Gò Vấp băn khoăn: “Có con trai sắp vào lớp 6 nên khi tham khảo quy định tuyển sinh đầu cấp những năm trước, tôi thấy trong thành phần hồ sơ yêu cầu nộp bản sao sổ hộ khẩu hợp lệ. Không biết sắp tới không còn sổ hộ khẩu nữa thì thủ tục nhập học sẽ như thế nào. Khi nào thì phụ huynh mới nhận được hướng dẫn cụ thể”.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, tầm khoảng 1 tháng chị nhận được tin nhắn báo về điện thoại thông báo đến trường làm thủ tục. Khi tiếp nhận hồ sơ nhập học, chị mang theo sổ tạm trú để đối chiếu, bởi nếu khác với thông tin đã đăng ký xét tuyển thì sẽ bị loại khỏi danh sách…
“Năm học 2023 - 2024 tới, cháu thứ 2 nhà tôi cũng vào lớp 1. Theo thông tin không còn sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì làm sao tôi biết được con mình sẽ được vào học lớp 1 trường nào và khi nào thì phụ huynh biết thông tin?”, chị Dưng thắc mắc.
Theo chia sẻ của ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD&ĐT Quận 6, sổ hộ khẩu hay sổ tạm trú chỉ là hình thức quản lý bằng giấy tờ và khi Luật Cư trú có hiệu lực thì chuyển sang hình thức quản lý bằng số hóa. Điều này đồng nghĩa mọi thông tin cư trú và quan hệ trong hộ gia đình đều cập nhật trên hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia.
Chính vì vậy, ông Uyên khẳng định, việc sổ hộ khẩu không còn giá trị sử dụng không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh, quy định phân tuyến học sinh. Cơ bản vẫn là học sinh cư trú ở đâu thì học tại trường đóng tại nơi cư trú hoặc trường ở địa bàn lân cận.
“Hằng năm, UBND các phường sẽ thống kê danh sách học sinh trong độ tuổi để ban tuyển sinh quận làm căn cứ phân bổ chỉ tiêu cụ thể, lập danh sách học sinh vào từng trường. Phụ huynh không nên lo lắng, việc bỏ sổ hộ khẩu giúp quy trình tuyển sinh giảm bớt những thủ tục có tính hành chính và sẽ không ảnh hưởng đến việc học của con em mình”, ông Uyên khẳng định.
Tiết học của trẻ lớp Lá Trường Mầm non Thiên Ân 3 (TP Thủ Đức). |
Phù hợp với xu thế
Cũng theo chia sẻ của ông Uyên, thời điểm khoảng tháng 3, các phường sẽ tổ chức việc rà soát, thống kê trẻ đến tuổi đi học, sau đó sẽ gửi về phòng GD&ĐT. Sau đó phòng GD&ĐT sẽ kết hợp với các phòng, ban và phường để xây dựng kế hoạch tuyển sinh, giao các chỉ tiêu cho từng trường. Từ đó phường thành lập hội đồng để xét duyệt cho học sinh vào trường học trên địa bàn.
“Việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú theo quy định không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh đầu cấp. Căn cứ vào số chỗ học có thể đáp ứng nhu cầu, các trường tiểu học báo với phường sở tại. Theo nguyên tắc tuyển sinh, các trường nhận học sinh theo danh sách thống kê trong điều tra phổ cập từ tổ dân phố, phường cung cấp. Căn cứ vào danh sách và số chỗ học của các trường, hội đồng tuyển sinh sẽ thực hiện phân tuyến. Đến giữa tháng 6 sẽ công bố danh sách phân tuyến về phường để địa phương phát giấy gọi học sinh đến trường làm thủ tục nhập học”, ông Uyên cho hay.
Còn theo ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình, dù bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú nhưng giờ mỗi trẻ đều có mã định danh riêng. Vì vậy, việc bãi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, những văn bản có tính hành chính như trên không gây khó khăn hay ảnh hưởng đến phụ huynh học sinh.
Được biết, việc tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 trên địa bàn thời gian qua được thực hiện theo hình thức trực tuyến. Đơn vị đã tập huấn cho hiệu trưởng, cán bộ phụ trách tuyển sinh của trường cùng phó chủ tịch phụ trách ở 15 phường về phần mềm tuyển sinh. Đối với lớp 1, từ tháng 3 hàng năm các tổ dân phố, tổ trưởng thực hiện điều tra phổ cập, lập danh sách trẻ trong độ tuổi đến trường. Sau đó phường phối hợp với trường thống kê số lượng học cụ thể, báo về ban tuyển sinh quận. Hình thức này giúp phụ huynh không cần phải đến trường nộp hồ sơ nhập học theo cách truyền thống với đơn nhập học, bản sao hộ khẩu như trước đây.
Còn đối với tuyển sinh lớp 6, quận Tân Bình thực hiện việc phân tuyến theo địa bàn trường tiểu học. Các trường tiểu học căn cứ vào danh sách phân tuyến của ban tuyển sinh chuyển trực tuyến hồ sơ học bạ của học sinh đến các trường THCS. Phụ huynh sẽ nhận thông báo và thực hiện hồ sơ trực tuyến.
“Hiện nay, TPHCM đang đẩy mạnh chuyển đổi số, vì vậy, việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú địa phương không gặp phải khó khăn nào trong công tác tuyển sinh đầu cấp. Bởi mỗi trẻ đã có mã định danh nên chỉ cần phối hợp với các phường trích xuất số liệu để tính toán, phân bổ chỉ tiêu cho các trường. Mã định danh sẽ thuận tiện hơn hộ khẩu, cho nên phụ huynh không phải lo lắng về việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ ảnh hưởng đến việc học của con em mình, ngược lại sẽ giúp quy trình tuyển sinh giảm bớt những thủ tục có tính hành chính”, ông Huy chia sẻ.