Thời tiết những ngày đông đang có những dấu hiệu thay đổi nhiệt độ thất thường, ngày ấm đêm lạnh, là điều kiện cho các chứng bệnh về hô hấp phát triển, trong đó có chứng ho về đêm khiến người bệnh mất ngủ, mệt mỏi, ảnh hưởng đến việc học tập và làm việc...
Ho là một triệu chứng hay gặp, nhất là khi thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh, hít phải nhiều bụi, khói, khói bếp, khói lò...
Ho là một phản xạ sinh lý có tính bảo vệ cơ thể nhằm tống ra khỏi đường hô hấp các chất dịch, đàm do phế quản hay phổi tiết ra hoặc các dị vật từ ngoài lọt vào như: thức ăn, bụi...
Do đó, ho được coi là một cơ chế bảo vệ bộ máy hô hấp. Ho không phải là bệnh mà là triệu chứng của nhiều bệnh.
Ho về đêm chỉ tình trạng không ho vào ban ngày, nhưng cứ đến đêm lại bị ho, có thể ho từng cơn và ho dai dẳng, liên tục.
Ho về đêm là một dấu hiệu thường gặp của các chứng cảm cúm thông thường do nhiễm trùng đường hô hấp. Các chứng ho kéo dài, đôi khi ho khan, không đờm, không sốt, dễ xảy ra ở những người có cơ địa dễ bị kích ứng với những thay đổi của thời tiết. Các chứng ho thường xảy ra về đêm, gần sáng, gây khó ngủ, mệt mỏi, mất sức.
Theo Đông y, có một cách đơn giản để chữa trị chứng ho dai dẳng này, chủ yếu là làm ấm vùng bàn chân bằng cách xoa dầu nóng vào lòng bàn chân và mang vớ vào trước khi đi ngủ.
Cách làm này rất đơn giản, bạn cần chuẩn bị 1 đôi vớ và 1 lọ dầu nóng hoặc dầu cù là. Trước khi ngủ, hãy thoa dầu vào vùng huyệt dũng tuyền ở lòng bàn chân trước khi mang vớ vào và để qua đêm trong khi ngủ. Thực hành liên tục từ 3 – 5 đêm. Động tác đơn giản nhưng hiệu quả rất kỳ diệu.
Nhiều trường hợp hiệu quả có thể thấy được ngay sau đêm đầu tiên. Huyệt dũng tuyền ở chỗ lõm giữa lòng bàn chân, tại điểm nối 2/5 trước và 3/5 sau của đoạn thẳng nối từ đầu ngón chân thứ hai đến bờ sau của gót chân.
Trong cách chữa trên, ủ ấm lòng bàn chân giúp tăng cường lưu thông khí huyết xuống phía dưới tạo hiệu ứng giáng khí. Xoa dầu nóng giúp kích hoạt huyệt dũng tuyền.