Mẹo hay chống cảm lạnh khi mắc mưa, lội nước

Mùa mưa bão khiến thời tiết thất thường, nhiều hôm trời đang oi bức bỗng sầm sập mưa. Cơ thể đang toát mồ hôi vì nóng lại gặp phải cơn mưa hoặc ngấm nước mưa khiến bạn rất dễ bị dính cảm. Để chữa cảm vì mưa, có những bài thuốc dân gian hết sức đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả bạn nên biết.

Mẹo hay chống cảm lạnh khi mắc mưa, lội nước
Meo hay chong cam lanh khi mac mua, loi nuoc - Anh 1

Hành tía tô là dược liệu chứa nhiều tinh dầu khi cho vào cháo sẽ giúp cơ thể ấm lại rất nhanh khi bị cảm cúm. Ảnh: T.L

Các mức độ nhiễm cảm lạnh

Theo các chuyên gia về Đông y, sau khi mắc mưa, hoặc phải lội nước quá lâu trong tình trạng đường ngập, xe chết máy, nếu bạn xuất hiện dấu hiệu cảm thấy ớn lạnh dọc sống lưng, nổi da gà thì sẽ rất dễ bị cảm lạnh.

Tác giả của bộ sách nổi tiếng Thương hàn luận, ông Trương Trọng Cảnh cho rằng, vào mùa đông, hàn khí (khí lạnh) lưu hành, nếu cơ thể suy yếu thì chính khí không thể đối kháng được hàn tà, do đó hàn khí sẽ xâm nhập vào kinh lạc và tạng phủ gây ra bệnh thương hàn. Chính khí, tức khí dương (hay còn gọi là khí thái dương), là năng lực tự vệ của cơ thể con người chống lại tất cả mọi sự tấn công của những biến chuyển khí hậu, thời tiết bên ngoài (gió, mưa, lạnh, nóng, khô...). Khí dương này ở trên bề mặt da vào ban ngày và lui vào trong tạng phủ vào ban đêm. Do đó, người ta dễ nhiễm lạnh nếu nằm ngủ suốt đêm trước quạt máy, nơi có gió lùa hoặc trong môi trường quá lạnh như bị ngấm nước mưa trong mùa mưa bão.

Khí dương (hay khí thái dương) trong cơ thể do 2 kinh mạch thống lĩnh là kinh Túc thái dương bàng quang và Thủ thái dương tiểu trường. Sự phân bố của 2 kinh này chi phối toàn bộ phần sau cơ thể, được xem như hàng rào ngoài cùng để bảo vệ cơ thể. Khi khí lạnh phá vỡ được hàng rào này và xâm nhập vào cơ thể, các triệu chứng đầu tiên thường là ớn lạnh dọc xương sống, đau nhức cổ gáy, nhức đầu vùng đỉnh và sau gáy, đau ngang thắt lưng, lạnh 2 bàn chân.

Nhiều người xem thường cảm cúm nhưng trên thực tế nó rất nguy hiểm, thậm chí nặng còn đe dọa cả tính mạng. Những triệu chứng thường thấy của cảm lạnh thường đến theo trật tự từ nhẹ đến nặng.

-Những dấu hiệu chuẩn bị cảm lạnh: Lúc đầu là ớn lạnh từ bên trong, trán nóng, chân tay lạnh.

-Những triệu chứng đã mắc cảm nhưng còn nhẹ: Hơi đau đầu, sổ mũi, nghẹt mũi, ho, khô cổ họng, mệt, nhiệt độ cơ thể bắt đầu tăng trên 37 độ 5 và cứ thế tăng dần.

-Những triệu chứng đã mắc cảm khi trở nặng: Sốt cao, da tái nhợt, ngủ lịm, rét run, người bệnh nói líu ríu, nôn ói, khó thở, thở chậm bất thường, mất phối hợp vận động… là lúc cơn cảm đã bước vào giai đoạn quá nặng. Lúc này, người nhà cần phải đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kịp thời chữa trị.

Những biện pháp chữa cảm trong dân gian:

Theo lương y Đinh Công Bảy (Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP Hồ Chí Minh), có rất nhiều biện pháp giải cảm hiệu quả, trong đó tía tô, gừng là hai thực phẩm có tác dụng giải cảm tốt nhất.

Một số phương pháp giải cảm hiệu quả mà dân gian thường sử dụng như sau:

Ăn cháo hành tăm:

Hành tăm là một loại hành củ tròn nhỏ, màu trắng, được trồng ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt trồng nhiều ở tỉnh Nghệ An.

Theo Đông y: Hành tăm có tính nóng, vị cay, mùi hăng nồng, có tác dụng tiêu đờm, giảm ho, làm ra mồ hôi, lợi tiểu, sát khuẩn, giải độc, trị cảm hàn, côn trùng cắn và ngộ độc chì. Khi bị cảm hàn có thể giã nát một nắm hành tăm cho vào cháo ăn lúc đang nóng có thể giải cảm rất hiệu quả.

Khi bị mắc mưa hoặc ngấm nước mưa, bạn chỉ cần lấy một nắm hành tăm và 1/3 bát gạo cho vào nồi nấu cháo. Nếu nấu cùng thịt nạc băm thì càng tốt. Ăn cháo hành tăm khi còn nóng chữa cảm vô cùng hiệu nghiệm. Người dân miền Trung từ xưa đến nay đều sử dụng biện pháp này để chữa cảm lạnh. Chỉ cần ăn một bát cháo hành tăm đang nóng rồi đi ngủ, lúc sau cơ thể sẽ vã mồ hôi, cơ thể bạn sẽ ấm dần lại và tránh được cơn cảm lạnh đang đến hoặc nhiễm cảm ở mức độ nhẹ.

Ăn cháo hành tía tô:

Cũng giống như cháo hành tăm, người miền Bắc thường chữa cảm bằng cháo hành tía tô. Hành tía tô thường được nấu cùng với cháo thịt nạc hoặc trứng gà. Các dược liệu trên đều có chứa tinh dầu, vì thế khi ăn nên tranh thủ hít hơi nóng bốc lên từ tô cháo càng nhiều càng tốt. Hơi nóng của cháo và tinh dầu có trong tía tô và hành giúp cơ thể ấm lại rất nhanh.

Xông lá tre:

Một phương pháp khác cũng thường được áp dụng khi bị cảm lạnh đó là xông người bằng các loại lá tre, bưởi, sả, cúc tần, hương nhu (mỗi thứ khoảng 20g, tùy nơi mà thay bằng lá chanh, tía tô, kinh giới, bạc hà, lá gừng, nghệ, ngải cứu, tràm, bạch đàn, đại bi, long não...). Bạn nấu nước đến sôi, rồi xông 5 -10 phút cho vã mồ hôi. Sau đó lau khô đắp chăn, nằm nghỉ, tránh gió lạnh.

Theo các bác sĩ Đông y, khi xông hơi, dược liệu theo hơi thở vào tận phế nang làm thông suốt đường hô hấp, giảm tiết, giảm đau đầu, chóng mặt… Bạn chỉ nên xông 1-2 lần, xông nhiều sẽ bị hao tân dịch, thoát dương, không tốt cho sức khỏe.

Tắm nước nóng, uống nước cam nóng, trà gừng…

Có rất nhiều cách để làm ấm cơ thể sau khi đi mưa. Ngoài tắm nước nóng, các bạn có thể uống trà gừng, nước chanh mật ong ấm, hay đơn giản chỉ cần một cốc nước ấm.

Đánh gió bằng dầu nóng hoặc một củ gừng tươi:

Bôi dầu, chà xát cho thấm đều vùng dọc hai bên cột sống từ cổ vai gáy xuống, rồi dùng thìa hoặc một đồng xu bằng kim loại cạnh tròn không bén đánh vào vùng đó theo chiều từ trên xuống dưới. Với gừng tươi thì rửa sạch củ gừng, giã nát củ gừng (cả vỏ), vắt nước cốt lên dọc hai bên sống lưng rồi dùng bã chà xát cho đến khi người nóng lên. Dùng khăn khô lau sạch bã gừng.

Theo Đông y, đây là vùng phân bố hai kinh thái dương của cơ thể, là hàng rào đầu tiên bảo vệ cơ thể chống lại cảm lạnh. Như vậy, đánh gió là trực tiếp đem khí nóng vào cơ thể, giúp cơ thể đủ khí dương để đánh bạt khí lạnh ra ngoài.

Chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng để phòng ngừa cảm lạnh:

Theo bác sĩ Lê Quang Hào (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), để tránh bị nhiễm cảm trong mùa mưa bão thì biện pháp tốt nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, giúp cơ thể tự chống lại bệnh tật. Những thực phẩm nên ăn trong mùa mưa bão gồm những loại sau:

Tỏi, gừng: Trong mùa mưa nên ăn nhiều tỏi, hạt tiêu, gừng, nghệ, rau mùi, các thực phẩm cung cấp protein và khoáng chất cho cơ thể… để giúp tăng cường hệ tiêu hóa và cải thiện khả năng miễn dịch.

Rau xanh: Cà chua, kiwi, nho, táo, súp lơ… cũng là những người bạn đồng hành không thể thiếu được cho sức khỏe của chúng ta. Hiệu quả ấy có được nhờ các hợp chất polyphenol giúp tăng cường hệ miễn nhiễm của cơ thể, phòng các chứng cảm lạnh, sổ mũi... thường gặp mùa mưa.

Trà xanh: Trà là tăng cường đề kháng và giữ ấm cơ thể trong những ngày mưa lạnh.

Hải sản: Các acid béo không no có trong cá, dầu thực vật chính là nguồn cung cấp vitamin E rất dồi dào cho cơ thể. Vitamin E rất hiệu quả trong việc điều trị bệnh sưng viêm như viêm cổ tay, cổ chân thường gặp khi giao mùa. Vì thế vitamin E có thể kết hợp với các thuốc kháng viêm giảm đau để giảm bớt liều thuốc kháng viêm.

Mật ong: Mật ong giúp tăng cường khả năng phòng bệnh nhờ tính chất chống ôxy hóa, cải thiện sức chịu đựng của cơ thể khiến chúng ta đi mưa, vận động nhiều... mà vẫn khỏe mạnh.

Theo GĐ&XH

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ