Mẹo giúp ăn Tết thả ga không lo tăng cân

GD&TĐ - Ăn uống liên miên trong các dịp lễ Tết luôn là một trong những nguyên nhân khiến bạn rất dễ tăng cân “vùn vụt” và mất đi vóc dáng “thon đẹp” của mình như trước kia. Vậy làm gì để tránh tăng cân ngày Tết?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo TS.BS Trần Quốc Cường - giảng viên bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Thành phố Hồ Chí Minh, đúng là ngày Tết thường có xu hướng nạp năng lượng.

Tuy nhiên nếu mình để ý một tí và tận dụng các cơ hội thì vẫn có thể tăng vận động, đặc biệt là đi bộ.

Ngày Tết bạn nên thiết kế lịch chơi Tết không chỉ có các buổi tiệc tùng mà còn có các buổi đi chơi dã ngoại tại các công viên và các khu du lịch.

Đây là cách tốt nhất để đi bộ. Mỗi ngày bạn nên đi bộ 10.000 bước chân. Có thể đếm bằng App trong điện thoại di động.

Cũng theo bác sĩ Cường, ăn tinh bột nhiều có thể làm tăng cân vì tinh bột vào cơ thể dư thừa sẽ tích lũy thành mỡ. Do đó, để hạn chế tinh bột, có thể dùng cơm gạo lứt và ăn với số lượng ít để lâu đói. Ngoài ra chị em phụ nữ có thể ăn món bánh tráng cuốn để giảm bớt tinh bột.

Còn theo Bác sĩ CK I Trần Thị Minh Nguyệt: “Muốn đảm bảo sức khỏe, giữ gìn vóc dáng cần chú ý “vui Tết” là chính và “ăn Tết” một cách khoa học”.

Một chế độ ăn uống khoa học cần ăn vừa đủ no, cho dù món ăn có hấp dẫn đến đâu.

Ăn đa dạng, đảm bảo đủ các nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn (kể cả khi đi dự tiệc) gồm các nhóm chất đạm, chất béo, chất bột đường, rau củ và trái cây. 

Ăn đủ bữa: Cố gắng duy trì bữa ăn gia đình trong dịp Tết càng gần bình thường càng tốt, đủ ba bữa chính trong ngày. Hạn chế ăn vặt, ăn sau 20 giờ là những nguyên nhân dễ gây tăng cân. Nên chuẩn bị các loại thức ăn phù hợp cho từng đối tượng và sắp xếp giờ ăn thích hợp với việc đi chơi, thăm viếng bạn bè.

Vào những ngày lễ Tết, để giảm béo rất nhiều người nghĩ rằng bỏ bữa sáng hoặc bữa trưa sẽ giúp bạn tăng ít cân hơn. Trên thực tế, đây là một quan niệm sai lầm. Khi bạn bỏ bữa, khả năng cao là bạn sẽ ăn nhiều gấp đôi trong bữa tiếp theo.

Hạn chế thức ăn giàu năng lượng. Cụ thể, với các thức ăn giàu đạm, giàu béo, bánh chưng, bánh tét... phổ biến trong ngày Tết, nên ăn kèm nhiều rau xanh, dưa giá, dưa chuột... giúp giảm tải trong việc hấp thu các chất béo, ngọt và chỉ ăn vừa phải. Hạn chế thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ nên chế biến hấp, luộc.

Các loại bánh mứt ngọt rất giàu năng lượng, chỉ nên nhón vài miếng uống trà cho vui, nên thay các loại bánh mứt, kẹo ngọt bằng các loại hạt rất tốt cho sức khỏe như hạt điều, hạt dẻ, hạt hạnh nhân, hạt sen sấy...

Không nên dùng các loại nước giải khát, nước tăng lực, xirô chứa nhiều đường, có thể thay bằng nước ngọt dành cho người ăn kiêng, nước dừa, nước trái cây tươi không đường hoặc ít đường.

Hạn chế đồ uống có cồn: Rượu, bia là món không thể thiếu trong dịp Tết nhưng về mặt dinh dưỡng, rượu là chất có hại cho cơ thể, độ cồn trong rượu càng cao, tác dụng độc càng mạnh, rượu bia cũng chứa một lượng năng lượng đáng kể. Vì vậy, dù vui đến mấy cũng chỉ nên uống rượu bia thật chừng mực, đủ để kích thích ăn ngon và vui vẻ với không khí Tết.

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học cần chú ý duy trì các hoạt động vận động thể dục, thể thao ít nhất 30 phút/ngày, vận động giúp tăng cường sức khỏe, tiêu hao năng lượng, giúp hạn chế tăng cân”.

Ngoài ra, giờ giấc trong ngày nghỉ Tết tất nhiên là không thể theo đúng thời khóa biểu, đặc biệt là giấc ngủ. Thiếu ngủ sẽ khiến cơ thể bạn mệt mỏi, mất sức sống và còn có thể khiến cơ thể bạn tăng cân như là một phản ứng của stress. Vậy nên dù bạn bận rộn với những bữa tiệc, những cuộc du xuân thì nên cố gắng ngủ đủ tám tiếng một ngày có một mùa Tết thêm trọn vẹn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.