Tôi từng lo khi lớn lên sẽ chẳng có chàng trai nào dám yêu nó. Ấy vậy mà con bé lại có sức hút kỳ lạ, tôi biết điều đó từ những buổi họp phụ huynh ở trường.
Cô giáo con bé nói: “Cháu là đứa thông minh nhưng… phá cách quá, lực học của cháu cũng thất thường vì nó có vẻ ham chơi, chị nhắc nhở cháu giúp tôi nhé. À mà cháu xinh nhất lớp nên có nhiều bạn trai đau tim lắm”. Tôi cười xòa, đáp lại cô giáo: “Cháu nó chỉ được cái mặt xinh thôi cô ạ, tính cách thì chẳng khác gì… con trai”.
Tôi không rõ con bé có bao nhiêu người thích, nhưng người nó thích thì chỉ có một. Tôi không cấm cản chuyện tình cảm của con bé vì tôi biết thời xưa mình cũng vậy.
Tình yêu tuổi học trò hiếm khi đi được tới cuối con đường, nhưng nó sẽ mãi là những ký ức đẹp, mà nếu không được trải nghiệm, người ta sẽ dành cả đời để tiếc nuối.
Lần đầu gặp Lâm tôi đã có ấn tượng tốt, ít nhất thì cậu bé này mang đến cho tôi cảm giác an tâm. Lâm rất khác biệt so với những đứa trẻ cùng tuổi, thậm chí tôi còn thấy sự khác biệt lớn giữa cậu bé này và con gái tôi.
Lâm hiền lành, chăm chỉ và rất thuần khiết. Những tố chất ấy thể hiện rõ trên đôi mắt sáng trong của cậu bé. Thay vì phiền não chuyện yêu đương của con gái, tôi lại đâm ra lo lắng cho Lâm. Liệu cậu bé có chịu đựng nổi tính khí bất thường của con gái tôi không.
Có lẽ tôi cũng hơi khác so với nhiều bà mẹ, tôi đã chủ động hẹn Lâm đi cà phê trò chuyện riêng. Nhận được cuộc gọi của tôi, cậu bé khá bất ngờ nhưng cũng nhanh chóng tìm lại sự điềm tĩnh vốn không dễ thấy ở những người trẻ khác.
Trong mắt tôi, Lâm trưởng thành sớm so với cái tuổi 17. Từ phía đối diện, cậu bé mạnh dạn nhìn thẳng vào mắt tôi lúc nói chuyện. Tôi cố gắng tạo không khí tự nhiên và gần gũi nhất có thể. Tôi không hỏi vì sao Lâm thích con gái tôi, nhưng nghe cách cậu bé tâm sự, tôi biết rằng nó đủ tinh tế để nhận ra những phẩm chất tốt của con gái mình.
Ngày hôm đó, cậu bé tâm sự với tôi rất nhiều chuyện. Nó bảo niềm đam mê lớn nhất của nó là hội họa và âm nhạc. Nhưng cũng rất khó khăn để nó có thể theo đuổi được cả hai, nó cần phải lựa chọn, và nó bất ngờ trông đợi ý kiến của tôi: “Theo bác, cháu nên làm một họa sĩ thiết kế đồ họa hay một nhà sản xuất âm nhạc ạ?”.
Tôi hơi bối rối khi nhìn vào ánh mắt của cậu bé, nó làm tôi nhớ lại thời trẻ của mình. Tôi cũng từng có một tình yêu thuần khiết hệt như tình yêu mà cậu bé đang có với con gái tôi bây giờ.
Lâm nhắc tôi: “Bác ơi, cà phê của bác lạnh ngắt rồi ạ”. Tôi giật mình: “À, ờ,… Không sao, lúc nãy cháu vừa nói gì ấy nhỉ. Xin lỗi cháu, tự nhiên bác nhớ lại một vài chuyện cũ”.
Lâm ngoan ngoãn nhắc lại: “Cháu nhờ bác tư vấn giúp xem cháu nên chọn ngành nào bác ạ”. Tôi cười ngượng: “Ôi, lựa chọn thế nào là ở cháu. Bác không thể can thiệp được, nhưng các cháu bây giờ năng động hơn thế hệ của bác, bác tin cháu sẽ thành công, miễn sao cháu được làm công việc mình thực sự yêu thích”.
Lời tư vấn “ba phải” của tôi không làm Lâm thất vọng, thậm chí nó còn tỏ vẻ rất cảm kích. Trước khi về, tôi không quên dặn Lâm: “Bác mong cháu và Phương nhà bác duy trì một thứ tình cảm đẹp và trong sáng, bác thấy Phương rất may mắn vì có cháu làm bạn. Hai đứa cùng cố gắng nhé!”. Lâm cười và cảm ơn tôi trước khi về.
Gần 10 giờ tối, con gái tôi vẫn chưa về. Gọi điện thì nó không chịu nghe. Tôi sốt sắng gọi Lâm: “Cháu có đi cùng Phương nhà bác không? Nó ra khỏi nhà từ sáng chưa thấy về”. Giọng Lâm trầm buồn: “Tụi cháu… vừa chia tay bác ạ. Chúng cháu không gặp nhau mấy ngày nay rồi…”.
Tiếng lạch cạch ngoài cửa báo hiệu con gái tôi đã về, tôi cuống quýt: “Có gì bác sẽ gọi lại cho cháu nhé, Phương về rồi”.
Phương chưa bao giờ chịu mở lòng với tôi về chuyện tình cảm của nó, nhưng có lẽ vì quá mỏi mệt nên hôm đó nó đã khóc trên vai tôi: “Mẹ ơi, con không muốn như thế này…”.
Tôi cảm nhận được nỗi lòng của con bé, vết thương đầu đời thường rất sâu và rất đau.
Tôi không quá tò mò về lý do chia tay của 2 đứa trẻ. Tôi bình tĩnh trở lại và khuyên nhủ con gái: “Lúc nãy mẹ vừa nói chuyện với Lâm, giọng nó buồn lắm, mẹ biết cả 2 đứa đều không muốn chia tay, nếu có hiểu lầm thì cùng nhau giải thích ngọn ngành đi nhé.
Lâm là người bạn tốt, mẹ không dám chắc 2 đứa sẽ đi đến đâu, nhưng các con nên trân trọng những gì mình đang có. Trước khi trách móc ai đó, con nên nhìn lại bản thân mình trước, mẹ biết con hay bướng bỉnh và thích làm trái ý người khác, đến mẹ còn giận nữa là…”.
Sáng hôm sau, giọng nói quen thuộc cất lên phía bên kia cánh cửa: “Bác ơi, cháu Lâm đây ạ!”.