Nó ngồi cạnh tôi, bàn bạc tỉ mỉ về chế độ ăn uống thực dưỡng Ohsawa gì đó, rồi hỏi ý kiến: "Nhà mình triển khai kế hoạch ăn uống kiểu mới này được không mẹ?". Tôi tỏ ra dễ tính: "Con muốn làm gì thì làm, miễn là tốt cho sức khỏe, hôm nay mẹ chính thức bàn giao căn bếp lại cho con".
Thế là con bé bắt đầu say sưa kể lể về chế độ ăn uống mà nó sắp triển: "Mẹ biết không, thực dưỡng không phải là một cách nấu nướng khác biệt hay một cách ăn “ép thân” như nhiều người thường nghĩ, đó là một chế độ ăn uống được sắp xếp hợp lý, không còn bất kì xáo trộn nào, nó sẽ giúp chúng ta luôn có sức khỏe tốt và trạng thái tinh thần thoải mái". Tôi gật gù: "Ừ, mẹ biết rồi, con ăn gì thì mẹ ăn nấy, chỉ sợ thằng Phương không quen rồi lại gào lên thôi". Con dâu cười hí hí: "Mẹ yên tâm, con đã hỏi ý kiến anh Phương rồi. Anh ấy bảo con bàn với mẹ mà".
Bữa ăn đầu tiên áp dụng "chế độ" mới, con bé chiêu đãi cả nhà toàn những món được chế biến từ hạt. Vừa bày biện bát đũa, nó vừa vui vẻ giải thích: "Các loại ngũ cốc được trồng ở vùng ôn đới luôn được đề cao vì chúng có điều kiện thích nghi với đất cũng như với sự thay đổi khí hậu mà không cần đến các loại thuốc bảo vệ thực vật. Rong biển có nguồn gốc từ đại dương nên nhà mình cũng có thể yên tâm vì độ an toàn của nó". Tôi đói cồn cào nên nhắc khéo con dâu: "Chúng ta ăn được chưa con?". Nó cuống quýt: "Dạ được chứ ạ!".
Sau vài ngày ăn uống theo thực đơn mới, tôi thấy mình khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái, không gặp phải vấn đề tiêu hóa nữa nên khá yên tâm. Một buổi chiều, bà bạn bên hàng xóm mang cho tôi ít quà quê, bảo: "Đây là cà chua sạch, bà để trong bếp ăn dần chứ đừng bỏ tủ lạnh kẻo mất hết vitamin nhé". Tôi chưa kịp cảm ơn bà ấy thì con dâu sấp ngửa chạy ra "phản đối" quyết liệt: "Mẹ ơi, theo nguyên tắc của chế độ ăn thực dưỡng thì chúng ta nên tránh xa các loại cà, trong đó có cà chua, vì chúng quá... âm".
Xấu hổ với bà hàng xóm, tôi phải đánh trống lảng: "Ối giời ơi, hình như mẹ nghe thấy tiếng còi hú trong bếp, hình như nước sôi rồi, con vào rút phích siêu nước cho mẹ". Đợi con dâu chạy vào bếp, tôi rối rít cảm ơn bà hàng xóm rồi đón lấy túi cà chua. Ngay sau đó tôi phải góp ý con bé: "Con rút kinh nghiệm nhé, người ta quý mình thì mới cho, dùng hay không là việc của mình, lần sau con đừng nói trước mặt người ta như thế nhé, người ta tự ái rồi lại đánh giá mình không hay". Con dâu tỏ ra hiểu chuyện, gật đầu lia lịa: "Vâng, con biết lỗi rồi ạ, lúc nãy con nhanh nhảu đoảng quá mẹ ạ".
Không muốn làm con dâu ngại, tôi lập tức "lái" sang chuyện khác: "Thế tối nay nhà mình ăn món gì con nhỉ?". "Tối nay con sẽ nấu miến với nước nấm, ngon lắm mẹ ạ, con đảm bảo mẹ sẽ thích".
Bữa đó tôi và con trai hồi hộp chờ đợi món miến đặc biệt. Sau một hồi loảng xoảng trong bếp, cuối cùng con dâu cũng bưng ra nồi miến nghi ngút khói. Vừa múc miến cho mọi người, con bé vừa hí hửng giải thích: "Miến này được nấu với nước nấm nên nó có màu nâu rất đặc biệt". Tôi húp thử một miếng, thấy đắng ngắt nhưng cố nuốt rồi mới hỏi: "Vị của nó kỳ kỳ con nhỉ? Lúc nấu con không nếm thử à?". Con dâu và con trai tôi cũng "trợn mắt" ăn hết bát miến rồi đồng thanh bảo: "Lạ thật! Sao đắng thế nhỉ?".
Sáng hôm sau tôi dậy sớm chuẩn bị đun nước gội đầu, mở tủ bếp nhưng không thấy thứ mình đang tìm, tôi hỏi con dâu: "Con ơi! Chai nước bồ kết của mẹ đâu rồi nhỉ?". Như chợt nhớ ra điều gì, con dâu tôi hốt hoảng chạy vào, rối rít xin lỗi: "Ối mẹ ơi, con xin lỗi mẹ, hình như hôm qua con lỡ tay đổ cả chai nước bồ kết của mẹ vào nồi miến rồi. Tại màu của nó giống chai nước nấm quá nên...".
Con dâu đoảng đến mức ấy thì tôi cũng chịu chứ biết nói sao, đành phải an ủi nó: "Thôi không sao con ạ, may mà cả nhà mình không bị đau bụng đau bão gì".