Mẹ chồng nàng dâu chẳng phải “khác máu tanh lòng”

Mẹ chồng cũng có thể yêu thương con dâu như con gái.

Mẹ chồng nàng dâu chẳng phải “khác máu tanh lòng”

Mẹ chồng là một niềm tự hào vô bờ bến của mình. Mình mới cưới được tháng, cũng chưa biết cuộc sống sau này sẽ ra sao nhưng mình nghĩ tất cả những gì con người đối xử với nhau đều xuất phát từ trái tim. Tư tưởng đúng đắn thì dù trong hoàn cảnh nào, mẹ và con cũng có thể điều chỉnh hành vi để cùng nhau hòa thuận. Thế nên có mẹ chồng suy nghĩ tích cực, tân tiến là một điều may mắn.

Cách đây không lâu, chỉ vì giữ tư tưởng "mẹ chồng nàng dâu khác máu tanh lòng" nên mình đã một lần hiểu nhầm mẹ chồng. Khi nhận ra thì trong lòng mình cảm thấy vô cùng ân hận. Thời điểm mình mang bầu 3 tháng đầu vì bị dọa sảy thai nên mỗi lần đi khám vợ chồng mình phải tiêu tốn hết rất nhiều tiền thuốc thang. Mình lại phải nằm im ở nhà, nghỉ làm không có thu nhập nên việc chi tiêu càng eo hẹp. Trước đó 2 vợ chồng mình vẫn đóng cho mẹ tiền sinh hoạt hàng tháng. Từ khi bắt đầu khó khăn, chồng mình xin mẹ giúp đỡ để không đóng góp nữa vì chi tiêu hạn hẹp quá, lại chỉ có mỗi lương của chồng. Đồng thời, thời gian ấy lại rơi vào chính thời điểm cần chạy chuyển công tác cho chồng nên một tay mẹ phải lo toan hết đường đi nước bước.

Những tháng sau đó, tháng nào mẹ cũng hỏi mình: "Anh Lam đã có lương chưa sao chưa thấy đưa về cho mẹ". Lúc đấy mình nghĩ mẹ chồng lúc nào cũng chỉ tiền tiền, đưa tiền bao nhiêu cũng không xuể. Mình khó chịu và cảm thấy áp lực kinh tế vô cùng và nghĩ mẹ không thương vợ chồng mình. Càng nghĩ lại càng thương chồng đêm hôm lao vào kiếm tiền để đưa thêm cho mẹ chi tiêu, vậy mà thực tế mẹ lại lười đi chợ, không tổ chức nấu cơm hàng ngày nên vợ chồng mình đóng tiền mà vẫn phải ra ngoài để ăn hàng...

Thấy vợ hậm hực, chồng mình quyết định dành một hôm tâm sự với mẹ. Hóa ra, không phải mẹ đòi hỏi gì nhiều ở vợ chồng mình mà là do một lần mẹ hỏi vui "Tháng này có lương chưa sao chưa thấy đưa mẹ?". Đáng lẽ ra 2 đứa nên nhắc lại việc chúng con mong mẹ giúp đỡ, thì chồng mình lại nói xẵng: "Mẹ muốn con ra đường đi cướp à". Nghe con trai nói xong thế là mẹ bực từ đó. Mẹ muốn cho con trai thấy rằng mang tiền về đóng góp cho sinh hoạt gia đình là trách nhiệm của con chứ không phải mẹ đòi hỏi vô lý mà con nói là con phải đi cướp. Tâm sự đầu đuôi xong xuôi, mẹ còn cho vợ chồng mình thêm tiền để trang trải sinh hoạt. Mẹ dặn dò chúng mình về lời ăn tiếng nói. Mẹ bảo con cái nói lời ngoan với ba mẹ sẽ không bao giờ thiệt thòi, muốn gì được nấy.

Ngoài sự việc lần đó ra, hồi mới cưới mình cũng khó chịu với mẹ chồng đôi lần vì mẹ lười làm việc nhà. Lau dọn hay mọi việc gì cũng đến tay con dâu, mẹ đi đâu quẳng đấy, quần áo vứt lung tung, bẩn sạch lẫn lộn, dọn mãi không hết. Lúc đầu mình cũng than thở mệt mỏi, không biết làm thế nào cải thiện, cứ ra công đi dọn. Sau đấy, lấy can đảm mình góp ý với mẹ chồng: "Mẹ ơi, quần áo bẩn thay xong mẹ để vào đây nhé, con mang lên giặt cho tiện, nhiều khi con chẳng biết cái nào của mẹ bẩn nên hay bị xót lắm". Từ đấy mẹ chồng mình vứt quần áo đúng chỗ. 

Có hôm mai được nghỉ làm, tối mình cũng nói với mẹ: "Mai con nghỉ nên ở nhà dọn dẹp lau chùi nhà cửa mẹ ạ. Mẹ có ở nhà cùng con làm một hôm không, 2 mẹ con làm cho nhanh, tranh thủ vừa làm vừa buôn cho đỡ mệt". Nghe con dâu nói vậy, hôm sau mẹ cử ba ra bán hàng để mẹ ở nhà. Hai mẹ con dọn dẹp trang trí nhà cửa rất vui vẻ.

Sau vài lần vì hiểu lầm mẹ chồng, mình ngộ ra một điều đừng bao giờ giữ bực bội trong lòng, có gì mong muốn phải nói ra. Quan trọng nhất là mình lựa cách nói sao cho phù hợp, dễ nghe và đừng để mang tiếng hỗn.

Thật ra cũng may vì mẹ chồng mình quan niệm con dâu cũng như con gái, không mất công nuôi dạy lại có thêm đứa con. Có gì ngon đẹp mẹ đều mua cho con dâu. Cả nhà chồng thích ăn gà nhưng con dâu thích ăn ngan vịt thì từ đấy cỗ bàn cũng có thêm con ngan. Con dâu thích ăn sầu riêng là đi đường gặp ở đâu bán rẻ mẹ lại mua phần cho. Đi Trung Quốc đánh hàng thì không bao giờ mẹ quên mua quần áo váy vóc cho con dâu. Ốm đau nằm một chỗ mẹ bưng cháo lên cho ăn rồi đưa đón con dâu đi làm...

Mô tả ảnh.
Ảnh minh họa

Lúc quen biết chồng mình bây giờ, mình đã nhìn vào gia cảnh, nhìn vào cách mọi người trong gia đình đó đối xử với nhau...để đi đến quyết định gắn bó cuộc đời với những con người ấy hay không. Mình nghĩ không phải tự dưng mà mẹ chồng mình nền tính như vậy. Ông bà ngoại của chồng đi đâu cũng có nhau và rất mực thương con thương cháu. 

Chủ nhật nào 2 ông bà 80 tuổi cũng đạp xe đến thăm các con. Bà đạp xe chậm hơn ông, nhưng ông lúc nào cũng đi sau bà vì lo bà bị điếc không nghe thấy còi mà tránh ô tô. Còn bà nội chồng mình thì mất rồi, ông nội luôn mang theo ảnh bà bên người, cứ ai nhắc đến bà là ông khóc. Ông nội đối xử với mẹ chồng mình cũng rất giàu tình thương. Ông luôn nói với mọi người rằng: "Tôi coi Hoa hơn cả con gái chứ không phải con dâu". Vì mẹ chồng mình lúc nào cũng thơm thảo với ông bà nội, nên ông cũng đối xử với mẹ không phụ tấm lòng. 

Thêm vào đó, ba chồng mình cũng rất yêu vợ. Chuẩn bị làm ông bà nội rồi mà đi đâu cũng phải có đôi có cặp. Ai mời đi đâu mà mẹ không đi là ba cũng chả thiết. Ở chỗ đông người lúc nào cũng nắm tay như thể sợ mẹ lạc mất, ba mẹ nói chuyện với nhau lúc nào cũng tình tứ như khi mới yêu.

Chính vì ba chiều mẹ như vậy nên những lúc chồng mình xót vợ, gắp thức ăn cho vợ, yêu chiều vợ... Mẹ nhìn thấy chỉ thấy tự hào về con trai mình - ra dáng 1 người đàn ông, 1 người chồng - chứ không bao giờ ghen tị ghét bỏ con dâu hay là sợ con dâu cướp mất con trai. Mẹ bảo chồng mình phải noi gương ba, yêu chiều chăm sóc vợ. Nhiều khi mình hơi ốm vớ vẩn thôi, ăn xong chồng xót đuổi vợ lên nhà không cho rửa bát, mẹ sẵn sàng rửa đỡ ngay, có lời chồng bênh mình lại đỡ ngại. Cuộc sống vì thế mà dễ thở hơn rất nhiều.

Chả phải tự dưng mà các cụ dạy "lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống". Các chị em đi lấy chồng nên cho mình cơ hội lựa chọn người chồng có gia cảnh êm đềm hạnh phúc. Nếu 1 người mẹ chồng có cuộc sống khắc nghiệt, thì họ cũng sẽ khắc nghiệt với con dâu. Không hẳn để "trả thù" đâu, mà là trong con người họ ẩn chứa nhiều bức xúc dồn nén lâu năm, những lúc nóng tính dễ dàng bột phát ra những lời cay nghiệt vốn sẵn có trong đầu. Nếu 1 gia đình hòa thuận, yêu thương nhau, người ta dễ dàng có xu hướng "giữ nếp nhà", mong muốn con cháu vui vầy, lúc nào cũng đoàn tụ sung túc....Ông bà sẽ làm gương cho con cháu.

Không phải mình muốn nói là không lấy chồng gia có cảnh phức tạp, mà là nên nhìn vào cách mọi người trong nhà đối xử với nhau. Đó một phần sẽ chính là cách sau này họ đối xử với mình. "May mắn" cũng là do ta lựa chọn.

Theo phunutoday

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.