Phụ thuộc vào liều lượng, thời gian sử dụng
Tại buổi tọa đàm về khả năng khử khuẩn và sự an toàn đối với sức khỏe của máy khử độc ozone diễn ra ở Hà Nội ngày 19/9, GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học TP Hà Nội - cho biết:
Ozone độc hay không độc chủ yếu là do liều lượng sử dụng. Nếu liều lượng trong ngưỡng cho phép thì máy khử độc ozone có tác dụng tốt, hỗ trợ để làm sạch thực phẩm (rau, quả, thịt…) giúp thực phẩm an toàn hơn và không gây độc, nhưng nếu liều lượng vượt ngưỡng thì có khả năng gây độc.
Theo các nhà khoa học, ozone là chất có khả năng oxy hóa cao hơn, mạnh hơn nhiều so với clo và có khả năng diệt khuẩn gấp khoảng 3.000 lần so với cloramin.
Chất này có thời gian “sống” ngắn (chỉ khoảng 5-10 phút) nên cũng không đọng lại trong nước, trong thực phẩm sau khi đã xử lý. Về liều lượng, đối với con người, liều lượng ozone sử dụng an toàn không vượt quá 0,1 mg/ lít trong 8 giờ, còn nếu vượt quá liều lượng 0,5mg/ lit thì là mức báo động ô nhiễm ozone.
GS.TS Nguyễn Hoàng Nghị - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý kỹ thuật (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) lưu ý, an toàn hay không còn liên quan tới thời gian sử dụng, nếu nồng độ thấp mà sử dụng dài thì vẫn có thể gây độc.
Máy sử dụng ozone nếu dùng không đúng sẽ như con dao hai lưỡi, sử dụng đúng sẽ phát huy hiệu quả và ngược lại. GS Nghị cũng khẳng định, với việc sử dụng ozone trong đời sống sinh hoạt để khử khuẩn nước hay thực phẩm hàng ngày, liều lượng, nồng độ thường thấp hơn ngưỡng an toàn rất nhiều nên người dân không nên quá lo lắng.
Chỉ khử khuẩn được trên bề mặt rau, quả
Theo GS Nguyễn Hoàng Nghị, những thông tin đa chiều về sử dụng ozone, máy ozone thời gian gần đây cho thấy, đã đến lúc phải xây dựng quy chuẩn chung về ngưỡng ozone an toàn để quản lý chặt lĩnh vực này.
Trước câu hỏi máy ozone khử khuẩn có thể phá vỡ được chất hữu cơ, dinh dưỡng trong thực phẩm hay không, GS Nguyễn Hoàng Nghị cho biết, cơ chế oxy hóa chỉ diễn ra trên bề mặt thực phẩm, để rất lâu mới tấn công vào tế bào bên trong.
“Nếu sử dụng ozone khử khuẩn rau trong thời gian đúng như khuyến cáo thì không ảnh hưởng đến chất dinh dưỡng, kể cả thịt cũng vậy. Tuy nhiên, các nhà khoa học không khuyến cáo sử dụng máy khử khuẩn ozone với thịt tươi sống, nếu có cũng chỉ khuyến cáo ngâm thịt ôi, cá ươn và dùng trong khoảng 5 phút để khử mùi, còn nếu cho thịt vào khử khuẩn lâu bằng máy ozone thì sẽ không có hiệu quả mà có thể còn làm mất đi chất dinh dưỡng trong thịt.
Ngay cả với rau quả, nếu sử dụng khử khuẩn ozone thì cũng phải rửa sạch 2, 3 nước bằng nước sạch rồi mới đưa vào khử khuẩn mới đảm bảo hiệu quả” - GS Nghị phân tích.
Đáng chú ý, gần đây trên thị trường có một số máy sục khử khuẩn ozone quảng cáo có thể tiêu diệt được tới 99% hóa chất, vi khuẩn. Về vấn đề này, GS Trần Vĩnh Diệu nhấn mạnh, về nguyên lý thì ozone có thể phá vỡ được cấu trúc các chất hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, song muốn khử được thì lại phải sử dụng liều lượng ozone cao, vì thế không nên đặt vấn đề rằng máy khử khuẩn ozone có thể khử được các hóa chất này.
Ở góc độ dinh dưỡng, TS Từ Ngữ - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam - cho rằng: Sục ozone trừ vi khuẩn cho rau quả an toàn thì nên làm, còn sục ozone để khử hóa chất thì vẫn là… dấu hỏi.
“Trước kia chúng ta dùng thuốc tím để làm sạch thực phẩm, đó là chất cực độc. Giờ chúng ta khuyến cáo rửa rau củ dưới vòi nước sạch nhưng biện pháp này chủ yếu làm sạch được trứng giun, sán bám trên thực phẩm.
Vì thế, ứng dụng công nghệ vào làm sạch thực phẩm, rau củ, quan điểm của tôi là ủng hộ. Song dùng công nghệ gì thì cũng phải dùng đúng và đảm bảo an toàn” - TS Từ Ngữ phân tích.