Máy đo thân nhiệt từ xa: Giải pháp thiết thực phòng chống dịch

Máy đo thân nhiệt từ xa: Giải pháp thiết thực phòng chống dịch

Phòng tránh lây nhiễm chéo

GS.TSKH Bùi Văn Ga cùng các đồng sự Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng vừa nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công máy đo thân nhiệt từ xa.

GS.TSKH Bùi Văn Ga cho biết, khi quan sát thấy lúc đo thân nhiệt, cán bộ y tế và người được đo phải đứng sát nhau. Tình trạng này dễ gây ra lây nhiễm chéo nên nhóm tác giả có ý tưởng về máy đo thân nhiệt từ xa và thực hiện trong 3 ngày. Nhờ đó, có thể hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo Covid-19, góp phần kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Máy được thiết kế đơn giản, chi phí đầu tư thiết bị khá thấp là những yếu tố để thiết bị có thể được nhân rộng. Thiết bị này đã được lắp đặt, sử dụng ngay tại cổng chính của Đại học Đà Nẵng, trụ sở 41 Lê Duẩn (quận Hải Châu) để đo thân nhiệt cán bộ, viên chức, sinh viên và khách đến làm việc, giao dịch.

Thiết bị này gồm 1 máy đo thân nhiệt hồng ngoại thông dụng (hoặc cảm biến nhiệt độ hồng ngoại), 1 webcam, một laptop hay Ipad, điện thoại thông minh để đọc kết quả. Kết quả sẽ được chuyển đến màn hình của nhân viên y tế qua mạng Internet. 

Nhân viên y tế có thể thực hiện công việc quan sát và đo thân nhiệt từ trong phòng cách ly, có cửa kín; hệ thống nâng hạ chiều cao tự động của thiết bị giúp điều chỉnh cụm máy đo nhiệt độ - camera phù hợp với chiều cao người cần đo để bảo đảm độ chính xác. Điều này giúp cho công việc của cán bộ y tế dễ dàng hơn khi có thể ngồi bất cứ nơi đâu cũng thực hiện được nhiệm vụ. 

Nếu như một máy đo thân nhiệt từ xa trên thị trường có giá từ 300 - 400 triệu đồng thì hệ thống này chỉ chưa đến 10 triệu đồng.

Robot phục vụ khu cách ly

Máy đo thân nhiệt từ xa: Giải pháp thiết thực phòng chống dịch ảnh 1
Sử dụng thiết bị di động để phối hợp với máy đo thân nhiệt.

Robot sẽ đảm nhiệm một phần việc của các nhân viên y tế là vận chuyển thức ăn, thuốc men, vật dụng vào khu vực cách ly, phục vụ bệnh nhân trong mùa dịch Covid-19 tại Đà Nẵng. 

TS Võ Như Thành, Trưởng bộ môn Cơ điện tử (Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng) cho biết, xuất phát từ nhu cầu phục vụ bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid-19 tại khu cách ly, nhóm nghiên cứu của khoa đã dành khoảng 10 ngày để chế tạo robot BK-AntiCovid. 

Robot này có nhiệm vụ vận chuyển thức ăn, thuốc, vật dụng sinh hoạt cá nhân… cho bệnh nhân trong khu vực cách ly của bệnh viện nhằm tránh nhiễm chéo cho các y, bác sĩ.

TS Võ Như Thành cho biết, sản phẩm robot BK-AntiCovid được làm bằng vật liệu thép không gỉ, liền khối, gồm hệ thống truyền động, khay chứa hàng, camera và điều khiển bằng thiết bị cầm tay từ xa. 

Robot cấu tạo gồm 2 phần, phần dưới là đế robot, phần trên thiết kế dạng khung 3 tầng để đựng thức ăn, đồ đạc. Ngoài phần kỹ thuật điều khiển chức năng robot, phần cơ khí cũng được gia công thiết kế kỹ càng và thẩm mỹ.

Robot có trọng lượng 100kg, có thể hoạt động trong khoảng thời gian từ 8 - 12 giờ sau mỗi lần sạc điện đầy. Robot có thể dễ dàng di chuyển ra vào khu vực cách ly trong không gian hẹp. 

Với bộ điều khiển bằng tay, một nút điều khiển đa hướng có thể quay robot theo các hướng. Sau khi sử dụng, nhân viên y tế có thể phun khử khuẩn cho robot nhưng không ảnh hưởng đến vi mạch điện tử bên trong.

Chung tay đẩy lùi dịch Covid-19

Vì sao có thể sáng tạo ra một chiếc máy có giá thành chỉ bằng 3% so với giá nhập khẩu, GS.TSKH Bùi Văn Ga cho biết, khó khăn của việc làm này là lên ý tưởng và giải pháp công nghệ cho phù hợp với thực tế. Tính ưu việt nổi trội của máy đo thân nhiệt này là tận dụng được các thiết bị sẵn có trên thị trường để lắp đặt. 

Nhóm nghiên cứu không có ý định bán sản phẩm mà mong muốn được phổ biến và sẵn sàng giúp đỡ, lắp đặt miễn phí cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị, trường học có nhu cầu sử dụng. 

“Chúng tôi hỗ trợ hoàn toàn miễn phí công lắp ráp, chuyển giao công nghệ này. Do vậy, nơi nào có nhu cầu lắp ráp, nhóm nghiên cứu sẽ cử nhân viên trực tiếp hướng dẫn và lắp ráp cho họ”, GS.TSKH Bùi Văn Ga khẳng định.

PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho biết, trong điều kiện thời gian gấp rút, từ lúc triển khai đến bàn giao chưa đến 10 ngày, việc mua sắm các linh kiện cũng gặp nhiều khó khăn do phải đặt mua để bảo đảm yêu cầu khắt khe về vệ sinh khử trùng cũng như thời gian bàn giao sản phẩm đúng thời gian cam kết với bệnh viện. 

Từ lúc nhận được yêu cầu đặt hàng của Bệnh viện Phụ - Sản nhi Đà Nẵng đề cập đến vấn đề hỗ trợ bệnh viện chế tạo robot, các thầy cô Khoa Cơ khí đã nhanh chóng lên các công việc thiết kế, chế tạo, mua sắm linh kiện, lập trình, gia công, chế tạo mạch đấu, nối dây, khung giàn và chạy thử nghiệm chỉ trong vòng 1 tuần.

TS Võ Như Thành cho biết, đây là những nghiên cứu có ý nghĩa thiết thực, góp phần chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch bệnh Covid-19. 

Thời gian tới, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) sẽ đồng hành với nhóm nghiên cứu tiếp tục nâng cấp các tính năng cho robot như đo nhiệt độ từ xa, tự động phun thuốc khử khuẩn. Chi phí sản xuất robot hiện là 50 triệu đồng, nếu sản xuất robot với số lượng lớn thì chi phí sản phẩm chỉ còn 35 triệu đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Động lực nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh 2024, ĐHQG TPHCM tiếp tục dành từ 5% đến tối đa 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của đại học này.