Máy đo lực cắn để chẩn đoán bệnh răng miệng

GD&TĐ - Chiếc máy đo lực cắn là thành quả nghiên cứu và sáng tạo của thầy và trò Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.

BS Nguyễn Thế Phương thử nghiệm máy đo lực cắn.
BS Nguyễn Thế Phương thử nghiệm máy đo lực cắn.

Sai số dưới 0,5%

Sản phẩm do bác sĩ Nguyễn Thế Phương (25 tuổi), Khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cùng Cao Thị Ánh Ngọc và Trần Thị Minh Thư (bác sĩ nội trú Đại học Y Dược TPHCM) nghiên cứu. Máy đo lực cắn được nhóm phát triển trong hơn một năm khi còn là sinh viên Khoa Răng - Hàm - Mặt, Đại học Y Dược TPHCM.

BS Nguyễn Thế Phương cho biết, trong nha khoa, lực cắn là hệ số đo quan trọng dùng để đánh giá chức năng của hệ thống nhai cũng như hiệu quả điều trị các bệnh liên quan răng miệng.

Trong chỉnh hình răng, nghiên cứu lực cắn giúp bác sĩ tiên đoán những thay đổi sau điều trị. Trong phục hình, sử dụng lực cắn để đánh giá chức năng nhai. Hay trong phẫu thuật hàm mặt, lực cắn giúp bác sĩ đánh giá hiệu quả lành thương, xác định thời gian tháo nẹp...

Máy đo lực vạn năng trên thế giới hiện nay rất đắt, có thể lên tới 1 tỷ đồng. Từ thực tế này, nhóm muốn nghiên cứu sản phẩm trong nước, phục vụ đo lực cắn và thử nghiệm lâm sàng cho bệnh nhân trong điều trị bệnh về răng miệng.

Máy đo lực cắn BFM (Bite Force Meter) gồm hai thành phần chính là đầu cắn cảm biến lực và bộ xử lý hiển thị. Bộ hiển thị sẽ thu nhận tín hiệu từ đầu cắn cảm biến lực, xử lý tín hiệu và đưa kết quả lực cắn ra màn hình dưới đơn vị Newton (N).

Máy có độ chính xác cao, thiết kế nhỏ gọn, tiện lợi giúp thao tác trên bệnh nhân dễ dàng. Đầu cắn cảm biến lực là bộ phận quan trọng nhất của máy, gồm 2 thanh trên và dưới, bên trong có chứa các sensor để tiếp nhận và xử lý lực cắn sau đó truyền tín hiệu đến đầu hiển thị dưới dạng con số.

Bộ phận này vẫn có thể được thay thế bằng những thiết bị hiển thị khác như màn hình máy tính, điện thoại.

Máy đo có lực tải tối đa 700 N, tối thiểu 1 N với khoảng đo lực rộng. Máy được hiệu chuẩn tại Trung tâm Đo lường và hiệu chuẩn Sài Gòn, đạt các tiêu chí về thiết kế, độ chính xác, an toàn với người sử dụng... Khi đo thử nghiệm trên các tình nguyện viên, đa số người dùng đánh giá sản phẩm không gây khó chịu, không gây chấn thương răng và kết quả kiểm định độ sai số lực cắn chỉ dưới 0,5%.

Thiết bị có vai trò quan trọng trong nghiên cứu cơ sở đặc biệt là chuyên ngành cắn khớp học, implant, chỉnh nha.

Bên cạnh đó, việc áp dụng máy trong lâm sàng để đánh giá lực đặt lên răng bệnh nhân khi thực hiện chức năng ăn nhai, từ đó phát hiện được những bệnh lý hiện có, ngoài ra còn đánh giá được độ bền của phục hồi tại chỗ trên răng. 

Máy đo lực cắn đầu tiên của Việt Nam

Thế Phương cho biết, sản phẩm này được xuất phát từ đề tài nghiên cứu khoa học của bác sĩ nội trú Lê Hoài Phúc. Mục tiêu của bác sĩ Phúc là xác định thời gian cố định hàm tối thiểu cần thiết cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông làm gãy tầng mặt giữa (khi điều trị bằng phương pháp phẫu thuật kết hợp cố định hàm).

Thời gian cố định hàm càng ngắn sẽ đem lại sự thoải mái và thuận lợi cho bệnh nhân hơn. Để xác định khi nào có thể tháo cố định hàm, bác sĩ cần đánh giá độ vững ổn của khối xương tầng mặt giữa, việc này cần phải đo được lực cắn của bệnh nhân.

BS Nguyễn Thế Phương chia sẻ, vì chưa có nghiên cứu nào về máy đo lực cắn tại Việt Nam nên nhóm cũng gặp nhiều khó khăn. Nhóm đã đọc rất nhiều tài liệu về máy đo lực cắn trong y văn, tìm hiểu cấu trúc, thiết kế, nguyên lý hoạt động, từ đó kết hợp với Trường ĐH Bách khoa để xây dựng thiết kế, chế tạo máy.

Sau khi đã có ý tưởng và tìm kiếm các nguồn thông tin từ nước ngoài, nhóm đã may mắn nhận được sự giúp đỡ từ người có chuyên môn là Tiến sĩ Bùi Đức Vinh, Trường ĐH Bách khoa TPHCM.

“Trước hết chiếc máy này mang tầm quan trọng trong nghiên cứu cơ sở đặc biệt là chuyên ngành cắn khớp học, implant, chỉnh nha. Xa hơn nữa là việc áp dụng máy trong lâm sàng để đánh giá lực đặt lên răng bệnh nhân khi thực hiện chức năng ăn nhai, từ đó phát hiện được những bệnh lý hiện có, ngoài ra còn đánh giá được độ bền của phục hồi tại chỗ trên răng”, BS Nguyễn Thế Phương chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Anh, giảng viên Khoa Răng - Hàm - Mặt, Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, việc nhóm phát triển một sản phẩm trong nước là điều rất tốt, phục vụ việc nghiên cứu, ứng dụng trong ngành răng hàm mặt.

“Sản phẩm là công cụ rất cần cho việc nghiên cứu liên quan đến lực cắn như đánh giá hệ thống nhai, đánh giá chức năng của phục hình răng...”, PGS Anh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TIN BUỒN

TIN BUỒN

GD&TĐ - Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: