Máy bay phản lực siêu thanh thế hệ mới

Hồi sinh chuyến bay siêu thanh

Hơn 50 năm sau lần đầu tiên Concorde bay trên bầu trời, một chiếc máy bay phản lực siêu thanh hoàn toàn mới đã được lên kế hoạch chuẩn bị cất cánh. Boom Supersonic - Công ty Khởi nghiệp có trụ sở tại Denver (Mỹ) tuyên bố sẽ ra mắt XB-1 vào ngày 7/10. Đây là nguyên mẫu nhỏ bằng 1/3 của máy bay phản lực thương mại siêu thanh Overture. Cũng theo công ty này, các chuyến bay thử nghiệm sẽ được bắt đầu vào năm 2021.

Động thái này được coi là bước mở đường cho các chuyến bay siêu thanh thương mại đầu tiên, kể từ khi chiếc máy bay chở khách cánh tam giác huyền thoại Concorde thực hiện chuyến bay cuối cùng vào năm 2003. "XB-1 là bước đầu tiên trong việc đưa du lịch siêu thanh trở lại với thế giới", ông Blake Scholl - người sáng lập và là CEO của Boom Supersonic, cho biết trong một tuyên bố trên trang web của công ty.

Các chuyến bay siêu thanh với tốc độ nhanh gấp đôi đồng nghĩa rằng, con người sẽ có thể đi xa gấp đôi. Nhờ đó, con người trên thế giới có thể tiếp xúc rộng rãi, đặt chân tới nhiều địa điểm và tìm hiểu về các nền văn hóa khác. Boom Supersonic cho biết, mục đích của việc xây dựng máy bay siêu thanh XB-1 là để chứng minh "công nghệ chủ chốt" cho Overture. Có thể kể đến một số công nghệ như kết cấu bằng hợp chất sợi carbon tiên tiến và khí động học hiệu suất cao được tối ưu hóa bằng máy tính.

Mới đây, công ty đã công bố một số hình ảnh về XB-1 - chiếc máy bay siêu thanh được mô tả là "máy bay tư nhân nhanh nhất trong lịch sử" trong kho chứa. Trong đó, phần cánh của XB-1 đã được lắp đặt hoàn chỉnh.

"Những trải nghiệm của chúng ta trong đại dịch Covid-19 đã nhấn mạnh với tất cả mọi người rằng, sự kết nối cá nhân chính là nhu cầu cơ bản của nhân loại. Việc du lịch nhanh hơn sẽ cho phép chúng ta kết nối với nhiều người, khám phá các nền văn hóa cũng như địa điểm trên khắp thế giới. Với XB-1, chúng tôi sẽ chứng minh rằng, Boom Supersonic đã sẵn sàng để mang máy bay siêu thanh đến với tất cả mọi người", ông Scholl nhấn mạnh.

Công ty Boom Supersonic khẳng định, XB-1 là máy bay siêu thanh có lượng khí thải carbon bằng không. Ngoài ra, kết quả của chương trình thử nghiệm XB-1 sẽ cho phép công ty tinh chỉnh thiết kế cho máy bay siêu thanh Overture.

Nhu cầu đã tăng lên

Máy bay phản lực siêu thanh thế hệ mới ảnh 1
 XB-1 có thể đạt tốc độ 2.716km/h.

"Chúng tôi đảm bảo đảm rằng, máy bay thương mại siêu thanh hoàn toàn an toàn và bền vững không chỉ về môi trường, mà còn cả kinh tế. Chúng tôi đã học được rằng, nhu cầu về siêu thanh đã tăng nhanh hơn được dự đoán", ông Scholl cho biết.

Trước khi đại dịch bùng phát, Boom Supersonic đã nhận được đơn đặt hàng trước, trị giá ít nhất 6 tỷ USD cho máy bay XB-1. Trong đó, mức giá của một chiếc máy bay siêu thanh này dự kiến rơi vào khoảng 200 triệu USD. Virgin Group và Japan Airlines là hai trong số những khách hàng của Boom Supersonic. Năm 2017, hai tập đoàn này đã đầu tư 10 triệu USD vào công ty siêu thanh của CEO Scholl.

Nếu tất cả diễn ra theo đúng kế hoạch, nguyên mẫu của Overture sẽ bắt đầu các chuyến bay chở khách vào năm 2030. Máy bay được thiết kế với sức chứa từ 55 - 75 người. Theo kế hoạch, XB-1 sẽ tập trung khai thác tại hơn 500 hành trình xuyên biển, như từ New York tới London với tốc độ 2.716km/h. 

Nhờ công nghệ của máy bay siêu thanh, một số chuyến bay sẽ được rút ngắn thời gian tương đối nhiều so với hiện tại. Cụ thể, hành khách sẽ chỉ mất 3 giờ 15 phút để bay từ New York đến London, thay vì 7 giờ 5 phút như hiện nay. Boom Supersonic cho biết, XB-1 được thiết kế với các công nghệ giảm tiếng ồn mới nhất và sẽ chỉ bay ở tốc độ siêu thanh trên đại dương. Nhờ đó, các khu vực đông dân cư sẽ không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn khi máy bay đi qua.

Cuộc chạy đua

Boom Supersonic không phải là công ty duy nhất đang nỗ lực hồi sinh các chuyến bay thương mại siêu thanh. Mới đây, Tập đoàn Aerion Supersonic có trụ sở tại Reno (Nevada, Mỹ) cũng thông báo đang phát triển một máy bay phản lực siêu thanh thương mại AS2, có thể chứa 12 hành khách. Động cơ Affinity của AS2 có thể hoạt động ở độ cao hơn 18 nghìn mét và đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt về tiếng ồn. Động cơ này được trang bị hệ thống điều khiển và phân tích kỹ thuật số thế hệ mới gọi là FADEC (hệ thống điều khiển động cơ số toàn quyền). Cánh của AS2 có gờ trước mỏng dẹp, giúp giảm 60% lực cản không khí lên cánh và giảm 20% lực ma sát tác động lên toàn bộ máy bay.

"Chúng tôi đang tập trung cải thiện hiệu suất để có thể giảm chi phí vận hành và mở rộng tầm bay, không chỉ giới hạn ở các chuyến bay vượt Đại Tây Dương. Bây giờ, chúng ta đã có một chuyên cơ có thể bay tới khắp mọi nơi", Jeff Miller - Phó Chủ tịch marketing của Aerion chia sẻ.

Theo dự kiến, Aerion sẽ thử nghiệm AS2 vào năm 2023 và hoàn thành các chứng nhận vào năm 2025. Aerion, GE và Lockheed Martin bắt đầu hợp tác từ năm 2017. Trong khi đó, Honeywell - đơn vị đang phát triển hệ thống điện - điện tử cho động cơ, tham gia dự án từ năm 2018.

Theo David Richardson - Giám đốc phụ trách thiết kế thiết bị bay thuộc chương trình Skunk Works của Lockheed Martin, động cơ Affinity là một bước tiến lớn trong hành trình "hiện thực hóa" mẫu Aerion AS2.

TheoCNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ