Máy bay nghi có công dân Nga bị bắn hạ trên bầu trời Sudan

GD&TĐ -Công dân Nga có thể có mặt trên chiếc máy bay chở hàng Il-76 được cho là đã bị bắn hạ ở khu vực Darfur đang xảy ra chiến tranh của Sudan hôm 21/10.

Hiện trường vụ tai nạn của một chiếc Il-76 bị bắn hạ trên bầu trời Sudan, ngày 21/10/2024.
Hiện trường vụ tai nạn của một chiếc Il-76 bị bắn hạ trên bầu trời Sudan, ngày 21/10/2024.

Một trong những phe phái trong cuộc nội chiến Sudan ngày 21/10 cho biết, công dân Nga có thể đã có mặt trên chiếc máy bay chở hàng Il-76 được cho là đã bị bắn hạ ở khu vực Darfur đang xảy ra chiến tranh của Sudan.

Xung đột giữa Hội đồng Chủ quyền Sudan và lực lượng dân quân Hỗ trợ nhanh (RSF) đã diễn ra dữ dội kể từ năm 2023. RSF đã hủy các cuộc đàm phán hòa bình với Khartoum vào đầu tháng này, tuyên bố sẽ theo đuổi chiến thắng trên chiến trường.

Đại sứ quán Moscow tại Khartoum ngày 21/10 nói rằng, chiếc máy bay chở hàng II-76 bị bắn hạ ở miền tây Sudan có thể có công dân Nga trên máy bay, tuy nhiên, họ đang "thực hiện mọi bước cần thiết để làm rõ tình hình vụ việc" với sự hợp tác của chính quyền Sudan, đồng thời lưu ý, tình hình trở nên phức tạp do địa điểm rơi máy bay nằm ở Darfur.

Ảnh và video được đăng trên nền tảng X từ hiện trường vụ tai nạn cho thấy xác máy bay dường như là máy bay vận tải Il-76 và hộ chiếu Nga.

Một bài đăng khác cho thấy thẻ căn cước công ty của Airline Transport Incorporation FZE, có trụ sở tại UAE, được cấp cho một người có tên nghe giống tiếng Nga. Thẻ này cũng ghi là “Sân bay quốc tế Manas”, nằm ở Kyrgyzstan.

Theo hãng tin Sudan War Monitor, một tài liệu khác thu được tại hiện trường vụ tai nạn là sổ tay hướng dẫn an toàn thuộc về hãng hàng không New Way Cargo Airlines, một hãng hàng không của Kyrgyzstan.

Ali Savannah Rizkallah, một chỉ huy RSF ở Bắc Darfur, đã xuất hiện trong một video lan truyền trên mạng xã hội, và khẳng định, quân đội của ông đã sử dụng tên lửa dẫn đường để bắn hạ chiếc Antonov của Ai Cập, mặc dù chiếc máy bay được đề cập có vẻ là một chiếc Ilyushin.

Lãnh đạo RSF Mohammed Hamdan Daglo trước đó đã cáo buộc Ai Cập ném bom lực lượng của ông.

Hội đồng Chủ quyền đã lên án Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) buôn lậu vũ khí cho RSF, điều mà UAE đã phủ nhận.

Một tổ chức phi chính phủ do Mỹ tài trợ đã khẳng định rằng, các máy bay vận tải Il-76 có trụ sở tại UAE đã mang vũ khí đến Amjarass ở nước láng giềng Chad, từ đó chúng được chuyển đến RSF.

Tuy nhiên, theo người Emiratis, các chuyến bay đến Amjarass đang vận chuyển hàng tiếp tế đến một bệnh viện dã chiến, được thành lập để điều trị cho nhiều người tị nạn Sudan.

RSF đã nổi loạn chống lại Hội đồng Chủ quyền, do Abdel Fattah al-Burhan lãnh đạo, vào tháng 4/2023.

Theo một báo cáo gần đây từ phái đoàn điều tra thực tế của Liên hợp quốc, cuộc xung đột đã khiến hàng chục nghìn người chết hoặc bị thương, khiến gần tám triệu người phải di dời trong nước ở quốc gia có dân số khoảng 47 triệu người này, và buộc hai triệu người nữa phải tị nạn ở các nước láng giềng.

Liên hợp quốc đã mô tả tình hình nhân đạo ở Sudan là một trong những tình hình nghiêm trọng nhất trên thế giới.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ