Theo Công an tỉnh Đồng Tháp, hiện nay, tại Việt Nam đầu tư giao dịch ngoại hối (Foreign Exchange – Forex) dù chưa được cấp phép, nhưng vẫn có khoảng 300 sàn Forex đang hoạt động với hàng nghìn nhà đầu tư tham gia và số tiền lên tới hàng triệu USD.
Phương thức hoạt động của các sàn Forex là cho các nhân viên môi giới mời chào lôi kéo, thu hút người chơi qua hình thức telesales (mời đầu tư qua điện thoại), liên hệ qua mạng xã hội Zalo, Facebook, Telegram tư vấn người chơi “đánh lệnh”.
Đáng chú ý, nhà đầu tư trên sàn giao dịch Forex thực chất là chơi với chủ sàn, toàn bộ tiền đánh thua là chủ sàn được hưởng, trường hợp nhà đầu tư thắng nhiều, chủ sàn sẽ can thiệp kỹ thuật như: chặn quyền truy cập tài khoản, tự đặt lệnh khống, dẫn đến cháy tài khoản và không thể rút được tiền.
Công an tỉnh Đồng Tháp đưa ra trường hợp của ông V.T.P. người vừa gửi đơn trình báo với nội dung: Vào tháng 12/2021 ông P. nhận được cuộc gọi từ một đối tượng lạ giới thiệu ông P. tham gia sàn giao dịch CH Markets.
Để tăng lòng tin đối tượng này còn giới thiệu sàn giao dịch CH Markets đã được cấp phép hoạt động tại Việt Nam và có trụ sở đặt tại đảo quốc Saint Vincent và Grenadines. Sau khi tham gia và làm theo hướng dẫn của các chuyên gia đầu tư, đến ngày 18/1/2022 ông P. đã bị các đối tượng chiếm đoạt số tiền 1 tỷ 965 triệu đồng và cắt đứt mọi liên hệ.
Trước tình hình trên cơ quan Công an tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo người dân luôn cảnh giác với những lời mời chào đầu tư hứa hẹn lãi suất cao, nhất là liên quan đến ngoại hối (Forex), giao dịch quyền chọn nhị phân (Trade BO), tiền mã hóa vì tất cả đều chưa được cấp phép, không được pháp luật thừa nhận.
Người dân không tham gia bất cứ sàn giao dịch ngoại hối nào vì theo quy định hiện hành, người tham gia giao dịch vừa vi phạm pháp luật về hoạt động ngoại hối, vừa không được pháp luật bảo vệ nếu có tranh chấp, xung đột xảy ra.
Cụ thể, người tổ chức kinh doanh và tham gia đầu tư trên các sàn ngoại hối có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về “Vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối” và Điều 73 Nghị định 98/2020/NĐ-CP về “Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp”.
Ngoài ra, có thể bị truy cứu tránh nhiệm hình sự theo Điều 290 “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm doạt tài sản” và Điều 217a của BLHS năm 2015 về “Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp”.